Người Việt rất coi trọng ngày khởi đầu của năm mới. Theo tục lệ dân gian, mọi người thường sẽ làm những điều sau vào ngày mùng 1 Tết để cả năm may mắn, thuận lợi.

Ngày mùng 1 Tết nên làm gì?

Theo quan niệm của người Việt, ngày mùng 1 Tết Nguyên đán không chỉ là ngày khởi đầu của năm mới, mà còn là thời điểm trời đất giao hòa, vạn vật sinh sôi. Được coi là ngày của những điều mới mẻ, người Việt đặt nhiều hy vọng vào ngày mùng 1 Tết, tựu trung đều mong muốn một cuộc sống thuận hòa, gặp nhiều may mắn và phát tài phát lộc. Vì quan niệm coi trọng ngày mùng 1 Tết, nên từ xưa, người Việt rất chú ý tới những việc làm vào ngày này. Dưới đây là những việc nên làm và không nên làm vào ngày đầu năm mới, theo tục lệ dân gian được lưu truyền đến ngày nay.

Đi lễ chùa đầu năm

42 1 Ngay Mung 1 Tet Nen Lam Gi De Ca Nam May Man Van Su Nhu YĐi lễ chùa đầu năm để cầu an là nét đẹp trong phong tục đón Tết cổ truyền của người Việt.

Vào ngày mùng 1 Tết, nhiều người Việt chọn đền chùa là điểm xuất hành đầu năm mới. Nhiều gia đình, nhóm bạn trẻ đi đón giao thừa, ngắm pháo hoa và sau đó di chuyển đến các ngôi chùa để cầu bình an. Đây là nét đẹp trong phong tục đón Tết ở Việt Nam. Ở các nước châu Á cũng đón Tết Âm lịch như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, người dân cũng có tục lệ lễ chùa đầu năm cầu may mắn. 

Chúc Tết đầu năm

Người Việt cũng quan niệm vào ngày đầu năm mới, nói những lời hay ý đẹp thì cả năm mọi chuyện cũng sẽ được mãn nguyện. Vì thế, mọi người cũng dành cho nhau những lời chúc hay và ý nghĩa nhất. Theo tục lệ, con cháu sẽ chúc ông bà, người lớn tuổi sức khỏe dồi dào, người trẻ được chúc giỏi giang, thành đạt và trẻ con được chúc hay ăn chóng lớn.

Mừng tuổi cho mọi người

42 2 Ngay Mung 1 Tet Nen Lam Gi De Ca Nam May Man Van Su Nhu YTiền mừng tuổi còn gọi là tiền may mắn.

Tiền mừng tuổi hay còn gọi là đồng tiền may mắn, được đựng trong phong bao màu đỏ - màu tượng trưng cho sự cát tường. Trong phong tục Tết cổ truyền, ngoài dành tặng nhau những lời chúc tốt đẹp, trẻ con và người già thường được mừng tuổi nhiều hơn cả. 

Mặc đồ sặc sỡ

Màu sắc được mọi người ưa chuộng vào dịp Tết là màu đỏ. Đây là màu sắc biểu trưng cho sự may mắn, thuận lợi. Người Việt tin rằng mặc quần áo màu đỏ hoặc các màu sặc sỡ khác là một cách để thu hút sự may mắn và năm mới sắp tới sẽ thuận lợi hơn. 

Ngoài ra, vào ngày Tết, mọi người kiêng mặc màu đen và trắng tượng trưng, vì đây là những màu sắc gợi sự tang tóc, điều xui xẻo. 

Tinh thần vui vẻ, hay nói hay cười

Vào ngày mùng 1 Tết, mọi người đều vui vẻ phấn khởi chào đón năm mới và nói với nhau những điều tốt đẹp. Vì người xưa quan niệm, nếu cãi cọ, cau có, bất hòa với nhau vào mùng 1 Tết, thì có nghĩa cả năm tới sẽ gặp toàn chuyện bực mình, công việc không thuận lợi, cuộc sống cũng lục đục, không được yên ấm. 

Ăn những món may mắn ngày Tết

42 3 Ngay Mung 1 Tet Nen Lam Gi De Ca Nam May Man Van Su Nhu YXôi gấc là một trong những món ăn may mắn ngày Tết.

Người Việt thường ăn những món có màu đỏ, hồng vào ngày đầu năm mới với hy vọng cả năm được may mắn, phát tài phát lộc. Ở miền Bắc, mọi người thường ăn xôi gấc, còn ở miền Nam, sẽ ăn canh khổ qua để vượt qua khỏi mọi khó khăn, khổ nạn. Ngoài ra, những loại trái cây có màu sắc đỏ như dưa hấu cũng được coi là món ăn đem lại may mắn vào ngày Tết.

Chọn người xông nhà

Theo quan điểm dân gian của người Việt, người đầu tiên đến xông đất, xông nhà đầu năm mới sẽ ảnh hưởng lớn tới vận mệnh và việc làm ăn của gia đình chủ nhà trong cả năm. Chọn người xông nhà hợp tuổi thì năm đó sẽ đem lại an khang, thịnh vượng cho gia đình. 

Kiêng cho lửa, nước

Lửa và nước trong văn hóa của người Việt tượng trưng cho sự may mắn và tài lộc. Lửa có màu vàng, màu đỏ, là nguồn năng lượng, của cải, tượng trưng cho sự phát đạt, thịnh vượng. Nước tượng trưng cho sự sinh sôi và là nguồn tài lộc của mỗi gia đình. Vì thế người Việt kiêng cho lửa, cho nước đầu năm mới vì như vậy gia đình sẽ có nguy cơ làm ăn thất thoát, tài lộc suy giảm.

Tránh quét nhà

Điều kiêng kỵ ngày Tết này có từ thời xa xưa và đến ngày nay vẫn được con cháu thực hiện khá nghiêm túc. Người xưa quan niệm quét nhà vào ngày Tết là sẽ đuổi Thần Tài ra khỏi nhà, quét tài lộc đi, gia đình năm đó sẽ làm ăn lận đận. Vì thế trong 3 ngày Tết, hầu hết các gia đình không quét nhà, nếu quét thì cũng chỉ để trong nhà chứ không vứt đi. Ở một số thành phố lớn và ở các gia đình hiện đại, quan niệm có thoáng hơn khi họ bắt đầu đổ rác từ ngày mùng 2 Tết, thay vì kiêng đến hết Tết.

Tránh làm đổ vỡ đồ đạc

Không chỉ vào ngày Tết mà vào mọi ngày trong năm, người Việt cũng kiêng đổ vỡ. Đồ vật trong gia đình như gương, bát, đĩa, ly… bị vỡ là điềm báo cho những điều không may mắn. Vì thế dịp Tết Nguyên Đán, mọi người nên cẩn thận để tránh xảy ra điều này.

Tránh vay mượn tiền bạc

Trong quan niệm của người Việt, ngày đầu năm mới là ngày rất quan trọng. Những sự kiện xảy ra trong những ngày đầu năm mới dự báo phần nào về công việc làm ăn có thuận lợi hay khó khăn, gặp may mắn hay xui xẻo. Vào những ngày Tết, người Việt kiêng cho vay mượn tiền bạc, đồ đạc. Đây là quan niệm có từ thời xưa vì người xưa cho rằng điều này sẽ khiến gia đình rơi vào cảnh túng thiếu, nghèo nàn. Ngày đầu xuân là ngày mở cửa để đón lộc vào nhà, nếu cho ai đó vay tiền thì giống như dâng phúc lộc vào tay người khác.

Ngoài ra, người Việt cũng kiêng trả nợ đầu năm vì quan niệm làm như vậy, cả năm mới sẽ nợ nần, túng quẫn và phải đi trả nợ liên tục. Vì thế, mọi người thường cố gắng thu xếp, trả hết các khoản nợ vào cuối năm, để đón năm mới với tâm thế tốt nhất.

Theo VnExpress




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC