Phở, bún cá, canh khổ qua, bánh mì, chả giò… là những món Việt thơm ngon, trên bàn ăn bữa tối của ông Jens Berhausen (người Đức) và các con.

Cuối tuần, ông Jens rời khỏi khu chợ châu Á tại TP Mainz (Đức), tay lỉnh kỉnh các món đồ như nước mắm, xì dầu, xương ống, bánh phở… Người đàn ông 48 tuổi dành 3 tiếng trong bếp để ninh nước dùng từ xương gà, thái hành, trụng bánh phở.

Buổi tối, Lan Chi (20 tuổi) và Viet Anh (13 tuổi) reo lên khi tô phở gà nghi ngút khói được đặt trên bàn ngay khi vừa trở về nhà. Đây là bữa ăn thường thấy của gia đình, kể từ khi ông Jens bắt đầu niềm đam mê với ẩm thực Việt Nam.

1 Ong Bo Nguoi Duc Me Mam Tom Cau Ky Nau Hon 50 Mon Viet Cho Con

Năm 2009, ông Jens lần đầu đến Việt Nam và lập tức bị thu hút bởi những món ngon. “Tôi ấn tượng với sự đa dạng nguyên liệu và cách chế biến. Mỗi vùng miền đều có đặc trưng riêng. Tôi dành nhiều thời gian để trải nghiệm ẩm thực, từ phở ở Hà Nội, bánh đa cua ở Hải Phòng, bún cá Nha Trang cho đến bánh mì Sài Gòn”, ông nói.

Ông Jens hiện đang là kỹ sư cơ khí nhưng đã nuôi dưỡng niềm đam mê nấu ăn hơn 20 năm. Jens đã từng thử nấu món Pháp, món Ý, nhưng đặc biệt yêu thích món Việt Nam.

Người đàn ông Đức cho rằng, các món bún của Việt Nam thật thú vị, khi bạn nhận ra sự khác biệt của chúng. Bún bò thoang thoảng mùi mắm ruốc, bún cá có chút chua của cà, phở thanh tao, có vị ngọt từ xương và rau củ.

2 Ong Bo Nguoi Duc Me Mam Tom Cau Ky Nau Hon 50 Mon Viet Cho Con

Vợ cũ của Jens vốn là người Việt Nam. Trong thời gian chung sống, bà thường chia sẻ với gia đình những món ăn đậm vị quê hương. Sau khi cả hai chia tay, Jens luôn cố gắng dành 2 lần/tuần để nấu món Việt cho các con như một cách kết nối với văn hóa, truyền thống của người mẹ.

Jens kể, lần đầu tiên ngửi mùi nước mắm, ông đã cảm thấy có chút “kỳ lạ”, nhưng lâu dần thành quen. Hiện tại, ông xem đây là nguyên liệu không thể thiếu trong các món ăn Việt Nam.

Khó khăn lớn nhất khi ông Jens thực hiện các món ăn là tìm nguyên liệu. “Thật khó để bạn có thể tìm được một lọ mắm ruốc chuẩn vị ở giữa châu Âu”, Jens tâm sự.

3 Ong Bo Nguoi Duc Me Mam Tom Cau Ky Nau Hon 50 Mon Viet Cho Con

Jens tập nấu phở đầu tiên, sau đó cố gắng thử làm thêm bánh cuốn, chả giò, bún bò và bánh mì. Ông đã “nếm” không ít lần thất bại như nước dùng phở không được thanh, vỏ bánh mì chẳng giòn xốp… Để có công thức chuẩn, ông đã phải tham khảo trên YouTube, Google, học hỏi thêm một số người Việt Nam. Đồng thời, ông cũng theo dõi một số đầu bếp trên Instagram để “cập nhật” cách nấu.

Theo ông Jens, món ăn Việt Nam đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu và độ chăm chút của người thực hiện. Thậm chí, có món ăn mất khoảng từ 5-6 tiếng, bao gồm cả khâu chuẩn bị. Công việc bận rộn, ông chỉ có thể dành ngày cuối tuần để nấu món Việt Nam cho các con. Người đàn ông Đức tỉ mỉ chiên cá, thái cà chua, bóc vỏ gừng, chẻ hành, luộc gà, dồn khổ qua, cuốn chả giò… Ở mỗi món ăn, ông đều dồn cả tâm huyết và tình yêu thương cho các con.

4 Ong Bo Nguoi Duc Me Mam Tom Cau Ky Nau Hon 50 Mon Viet Cho Con

Sau thời gian luyện tập, hiện, ông Jens đã có thể nấu hơn 50 món ăn Việt Nam, bao gồm lẩu, bánh đa cua, bún riêu, bún bò, gỏi cuốn, bún mọc, bò kho, bún măng hoặc các món ăn cùng cơm như trứng chiên, cải xào bò, thịt kho trứng, canh chua.

Ông nói, các con đã “ồ” lên thích thú trước bàn ăn đầy màu sắc, tô canh khổ qua xanh được đặt cạnh đĩa thịt cháy cạnh vàng ươm, thêm đĩa rau xào bắt mắt. Khi bạn bè đến nhà Jens dùng bữa, họ cũng phải khen ngợi rằng “một hương vị thật đặc biệt” và bày tỏ mong muốn được đến Việt Nam vào kỳ nghỉ.

Lan Chi, con gái Jens, hiện vẫn chưa ăn được mắm tôm, nhưng cô gái đặc biệt yêu thích các món Việt mà bố nấu. Trong hai lần về thăm quê mẹ, cô đã có những hình dung đầu tiên về đất nước đậm đà bản sắc, văn hóa truyền thống. “Trong tương lai, tôi rất sẵn lòng dạy các con món Việt Nam”, ông Jens nói.

Nguồn: dantri.com.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC