Ngồi trong ô tô lên kế hoạch đánh gục thằng đã chém tôi chí tử ban nãy, tôi chợt nhớ tới khuôn mặt con gái và tự hỏi: "Tôi giết hai mạng người chỉ để thỏa mãn lòng căm giận ư?".

Những năm đầu thập kỉ 90, do sự quản lý lỏng lẻo, cùng với sự hiểu biết luật pháp nước Đức mới kém, càng làm tăng thêm sự phức tạp trong cộng đồng người Việt. Những người lao động ngụ cư thì cố gắng bền bỉ và chịu khó, chắt chiu kiếm tiền.

Nhưng, dòng chảy người Việt từ Nga, các nước Đông Âu và số ít từ Việt Nam sang trà trộn vào một số băng đảng mafia, chẳng khác nào những "con sâu rau" trong "nồi lẩu" bập bềnh nổi đầy D.m. Choáng ngợp trước mọi hình thức kiếm tiền của những "kẻ ngụ cư" đến trước, nạn cướp, trấn lột có vũ khí bắt đầu xuất hiện ở Đức. Người Việt cướp, giết người Việt, tranh giành thị trường, nhất là buôn bán thuốc lậu làm chúng tôi sống khá căng thẳng.

Nhóm người Việt chúng tôi ở Potsdam sống co cụm tại trong một khu tập thể do đội phó Nguyễn Văn Hiền (chủ chợ Đồng Xuân giữa thủ đô Berlin nổi tiếng hôm nay) xây lại sau Hiệp định Potsdam. Nhưng, người Việt sống chung thì cũng không bảo vệ được nhau, chỉ giúp trấn an về tâm lý. Còn khi tụi cướp tới, chúng sục vào từng nhà thì chả nhà nào cứu nhà nào.

Quả nhiên, khu nhà ở của người Việt đã bị lũ cướp tới thăm hỏi. Chúng đột nhập qua lỗ thông hơi của tầng hầm, vào từng nhà một, chém đứt tai một kẻ giỏi võ có ý định chống trả ngay trong bếp. Tụi cướp cầm dao và kiếm Nhật đã cướp đi hàng trăm ngàn D.m chỉ trong một đêm. Chuyện ở Berlin còn kinh hãi hơn, băng đảng này thanh trừ băng đảng khác, giết một đêm sáu mạng người... Ở khu móng ngựa đối diện phố Rihn 100, sau cái chết của trùm băng đảng Vân phệ, bọn tay chân bắn nhau như trong phim bạo lực Mỹ, đạn cày mù mịt một sớm mùa hạ...   

Bị mafia tấn công, tôi suýt gây tội ác khi nung nấu ý định trả thù - 0 Tôi lui về ở ẩn trong căn nhà gỗ của một người Đức, nằm giữa khu vườn rộng bao la (ảnh minh họa)

Nhận thấy giai đoạn đầu hợp nhất Đông-Tây, việc điều tra các tổ chức tội phạm có người Việt gặp “bức tường“ khép kín của cộng đồng, nên cảnh sát Đức bất lực và phản ứng rất chậm trong việc ngăn chặn tội ác, tôi quyết định lui về ở ẩn trong căn nhà gỗ của một người Đức, nằm giữa khu vườn rộng bao la và nuôi một chú chó săn Đức chính hiệu.

 

Bí mật tuyệt đối ngõ ngách đi lại, luôn cảnh giác mỗi buổi tối trở về hay buổi sớm xuất phát đi kiếm ăn. Tôi đóng kín các cửa sổ bằng gỗ, chỉ chừa lỗ châu mai nhỏ để quan sát và để sẵn hai khẩu súng, một súng săn bắn đạn ria và một súng thể thao TOZ8 bắn đạn chì trong nhà. Khi có "kẻ địch" đột nhập, chó sẽ sủa báo động, từng lỗ châu mai sẽ sẵn sàng nhả đạn.  Chỗ tôi ở người dân rất hiền lành, hàng xóm cũng thuộc mặt bè bạn tôi. Để yên tâm hơn, tôi giữ quan hệ thân thiết với đội trưởng cảnh sát hình sự thành phố. Viên cảnh sát Đông Đức cũ đã từng nhiều lần làm việc với tôi. Từng ấy thứ, giúp tôi phòng ngự ở thế chủ động, y như sự phòng ngự của quân đội nhỏ, phân tán bí mật lực lượng, chứ không bộc lộ lực lượng. Cứ như thế, tôi tồn tại an toàn qua hai năm khủng khiếp nhất ở Đức một cách bình an, nhưng đầy lo âu và bất an với một cộng đồng khép kín người Việt. Tất nhiên tôi cũng phòng ngự là chính. Nếu cướp tới, tôi sẽ nổ súng dọa và gọi điện cho anh bạn cảnh sát kia, xua chúng đi là tốt nhất. Một người đã tham gia chiến tranh 11 năm, hiểu rõ thế nào bản năng tồn tại bất kể đó là kẻ liều lĩnh tham lam hay một tay giang hồ đầy kinh nghiệm. Nhưng hậu họa có chừa một ai. Dường như tạo hóa luôn thử thách sự kiên nhẫn và lòng bao dung từng người, từng số phận. Nơi tôi ở thì yên tâm rồi, nhưng khi tôi đi lấy hàng, ra khỏi “căn cứ“ của mình sang “đất lạ“, tai nạn bất ngờ ập tới. Đó là một ngày đông lạnh cứng không có tuyết. Tôi lên khu lấy hàng trên Berlin, cách thành phố tới 50 cây số đường xe ô tô. Khi ấy là năm 1996, con gái tôi vừa tròn 2 tháng tuổi. Lấy hàng xong, tôi ra xe. Thấy trước xe mình chềnh ềnh một xe khác. Một cô gái bước ra khỏi chiếc xe bênh cạnh và bảo: "Anh biết cái chủ xe kia không?". Cô chỉ vào chiếc xe có phần đầu nằm chắn xe tôi và phần đuôi chắn xe của cô ấy. "Không!", tôi nói. "Em đến giờ đón cháu, đã hơn nửa giờ mà xe kia vẫn ở đấy, chả nhẽ gọi cảnh sát tới". Vừa khi đó, hai thanh niên trẻ độ tuổi 19, 20 bước tới, chúng mở cửa chiếc xe chắn lối, nói cười ầm ĩ.   

Bị mafia tấn công, tôi suýt gây tội ác khi nung nấu ý định trả thù - 1 Có ai đó nói: "Thành viên băng Quảng Bình rồi. Tụi trẻ ấy giờ máu lắm, sao anh không chạy đi" (ảnh minh họa)

Tôi cất tiếng: "Các cậu sao đỗ xe như vậy? Chị này cần đi đón con". Một thằng sán lại chỗ tôi chả nói, chả rằng, tát tôi một cái rõ đau. Không ngờ nó dám hỗn thế nên tôi tránh không kịp. Tôi sờ lên má. Nó cười: "Tao đỗ xe như thế đấy, thằng già?". Tôi mới 42 tuổi, khi ấy đúng là “thằng già“ của chúng rồi. "Các anh vừa láo vừa hỗn", tôi bỏ đi, vừa mở cửa xe vừa nói.

Chiếc xe đứng chắn chả thèm nhúc nhích. Thằng ranh đứng đầu xe lập tức sán lại gần tôi: "Ăn một cái tát không đủ hả?", nói xong nó vung tay đấm vào mặt tôi. Tôi xoay mặt đáp trả hắn một cú trời giáng vào hàm. Rắc! Thằng bé ngã xuống. Kẻ vừa tát tôi lập tức rút ra một khẩu súng mà trong lúc nhập nhoạng, tôi cũng không phân biệt được đó là súng bắn hơi cay hay đạn chì. 

Tôi sững người. Đầu tôi lóe nhanh một ý nghĩ như điện: "Gặp phải tụi mafia trẻ rồi". Cũng ngay lập tức, thằng bé bị tôi giáng trả, lồm cồm bò dậy với một chiếc xẻng trên tay. Tôi lùi vào tường nhà sau chiếc xe. Choang, lưỡi xẻng chém trượt vào mặt đường đá tóe lửa. Choang, tôi đếm đến lần chém thứ 8, 9 gì đó...Tôi cũng không hề biết tay mình đã sũng máu vì bị lưỡi xẻng sượt qua, cái đinh chốt xẻng bung ra cào xé vào cổ tay tôi.

Rồi tiếng còi cảnh sát hú lên, ai đó đã gọi điện thoại cho cảnh sát. Hai kẻ kia lập tức biến mất. Tôi cũng biến vào sau cảnh cửa. Tôi bận làm ăn, chả dại gì mất thời gian với cảnh sát Đức. Một chị bán quần áo kêu lên, kìa cánh tay anh chảy máu rồi. Bà con xúm lại, một người quen lôi ở đâu ra cuộn bông băng giúp tôi băng bó cổ tay. Máu đỏ lòm rỉ từ vết rách sâu hoắm. 

Tôi không nói gì. Có ai nói: "Thành viên băng Quảng Bình rồi. Tụi trẻ ấy giờ máu lắm, sao anh không chạy đi". Tôi im lặng. Nhưng trong lòng tức tối vô cùng.

Tức quá, mình từng tham gia chiến trận bao năm, ra xứ người lại bị thương với khẩu súng bé như muỗi kia. Trong lòng hậm hực, tôi vòng xe ra mặt sau của khu buôn bán. Trời ơi hai thằng nhóc! Chúng đang ngồi trong quán ăn của bà Tám. Trong bóng tối, tôi nhìn rõ hai thằng đang cười nói mà lòng giận sôi lên.       Quán ăn này tôi rất thông thuộc, đằng sau có lối riêng đi vào bếp để tiếp thực phẩm bia, thịt và rau. Nếu tôi vòng qua đấy lấy một con dao trên giá, chỉ mất 6-8 giây để tiến đến cửa giao thức ăn cho thực khách, nhẩy thêm 2-3 giây tới cái bàn có hai thằng nhãi ranh ấy. Tôi sẽ đâm thằng có súng trước, hạ nó bằng lưỡi dao và phất  dao ngược lại, đánh gục thằng đã chém tôi chí tử 12 nhát xẻng.   

Bị mafia tấn công, tôi suýt gây tội ác khi nung nấu ý định trả thù - 2 Ngồi trong ô tô, đang tính toán như đi đánh trận năm nào, tôi chợt nhớ tới khuôn mặt con gái với đôi mắt đen nháy và đôi môi đỏ (ảnh minh họa)

Ngồi trong ô tô, tôi tính toán như đi đánh trận năm nào, từng hủy diệt bao kẻ thù nơi rừng xanh núi thẳm. Tôi chợt nhớ tới khuôn mặt con gái tôi, đôi mắt nó đen nháy và đôi môi cũng đỏ. Giết kẻ thù xong tôi sẽ đi đâu? Lại chạy qua biên giới Tiệp, Ba Lan? Tôi đâu ngại vì đời tôi đã chui rừng cả 11 năm, ngán gì. Tôi hút thuốc liên tục, đến điếu thứ 10 hay 12 gì đó cho đến khi bao thuốc không còn điếu nào. 

    Nhưng đấy là giết người, đâu phải liều thân vì một lý tưởng cao đẹp gì? Tôi giết hai mạng người để làm gì? Để thỏa mãn lòng căm giận của cá nhân tôi?! Không, con người không thể sống như vậy! Tôi muốn thét lên mà không sao thét được. Đôi khi cuộc đời cần trừng phạt những kẻ như tôi, những kẻ thừa bản năng, thú tính nhưng lại có cái tôi quá lớn. Cần một ai đó để giác ngộ ngay lập tức cái bản năng vốn hoang dã của con người. Nhưng, khi đó tôi chỉ có một mình.

    Trong ô tô im lặng quá, chỉ nghe tiếng tim tôi đập, nghe rõ cả tiếng băng vỡ lạo xạo dưới gót giầy của đám người Việt trên con đường đá nhỏ, trở về nhà với vợ con họ. Tôi cố gắng hít thở đều để quên đi ống tay áo đang đẫm máu, cố nhấn chìm lòng căm giận. Tôi lùi xe, nghe rõ tiếng lép bép bánh xe bò trên băng. "Nếu con cầm bút viết lại, hãy sống tử tế trước đã", lời cha tôi nói hôm nào văng vẳng bên tai. “Vâng cậu ơi, con không thể“. 

Xe tôi lao đi trong đêm, vượt qua 50 cây số băng giá trở về nhà với tốc độ 120 km/giờ. Tôi đi thật nhanh, thật nhanh để về với con gái bé bỏng của mình. Và, tự nhiên sống mũi cay cay, chỉ có mình tôi và chiếc xe đơn độc, chạy hun hút trong đêm mênh mang nơi xứ người, giữa con đường lạnh cứng và những cánh đồng đen sẫm cũng lạnh hoang vô hồn.

    Tết ấy, tôi trở về thăm cha tôi, người họa sĩ già đã về hưu. Bên ấm trà nóng hổi và những những đóa hoa violet sẫm tím, tôi ngồi với ông và kể lại câu chuyện đau lòng trên. Cho ông xem vết sẹo sượt dài đã trở thành vệt trắng chạy dọc trên cánh tay. Cha tôi nói: "Con đã hành động đúng. Con đã chín chắn, đỡ nóng tính đi đấy. Nếu con giết hai sinh linh ấy chỉ vì một va chạm thiếu hiểu biết thì con cũng tựa như chúng, những con thú hoang dại.

Con người ta có lúc rơi vào những tình huống oái oăm như thế. Có một khoảng cách như sợi chỉ rất khó phân định giữa một bên là con người có lòng tha thứ, bác ái và bên kia là bản năng thú vật để thỏa mãn cái tôi, đánh mất bản ngã của mình. Và đánh mất bản ngã thì cũng đánh mất luôn mình. Con người tay đã nhúng chàm, lại là máu có khi nào rửa sạch? Trở thành kẻ tội đồ trong xã hội chỉ vì vài phút mất trí cả giận, bấm cò hay hạ dao kiếm xuống, gây nên chết oan nghiệt thì làm sao sống an nhàn ở tâm tưởng. Thêm một tội ác để chồng thêm nghiệp chướng vốn đã chật đầy trong cõi nhân gian này“.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC