Trong showbiz Việt, chuyện “sao” này coppy phong cách của sao khác dần trở nên thường xuyên đến mức người ta chẳng ngại mang danh “đạo nhái”. Nhưng đạo nhái sức sáng tạo lại là một vấn đề còn cao hơn cả sự “hổ thẹn”.

Lạ là ở chỗ, người ta sao chép, đạo nhái đã thành quen nên cũng không còn thấy xấu hổ nữa, thậm chí còn rất hiên ngang, tự coi là đặc quyền để kinh doanh tên tuổi hoặc để nổi tiếng hơn. 

Đạo nhái từ phong cách đến chất xám Có lẽ, công chúng yêu nhạc không còn xa lạ chuyện Sơn Tùng M-TP bỗng được chú ý đặc biệt bởi xây dựng hình ảnh quá giống nam ca sĩ nổi danh xứ Hàn – Dragon (của nhóm nhạc BigBang). Tần suất giống nhau của Sơn Tùng và bản chính đã không đếm nổi. Dù hết lần này đến lần khác biện minh là vô tình, nhưng Sơn Tùng vẫn làm người ta khó thỏa mãn với sự giống nhau đến từng cái áo khoác, từng phong cách biểu diễn đến cả điệu nằm đọc ráp ngay trên sân khấu...

Những người không thích thì ra sức chỉ trích, người bênh thì mặc nhiên nói: “Giống thì đã sao”. Sau nhiều lần cố minh chứng mình không đạo nhái, ê-kíp phong cách của Sơn Tùng có lúc phải thừa nhận là họ học hỏi từ nhiều sao quốc tế, trong đó có Dragon.

Buồn cười là ở chỗ, Sơn Tùng là “bản sao” của Dragon, thì trong nước lại có một bản sao khác của chính Sơn Tùng. Showbiz Việt bây giờ đông đúc và khó khẳng định mình đến mức ai cũng phải tính kế dựa hơi, đạo nhái một hình tượng đã nổi nào đó để thu hút sự chú ý. Nếu Sơn Tùng lùm xùm vì đạo phong cách sao Hàn, thì Angela Phương Trinh lại ra sức đạo lại phong cách của minh tinh gốc Hoa - Phạm Băng Băng.

Angela Phương Trinh không ngại khoác lên mình những bộ trang phục được coppy từ nguyên mẫu Phạm Băng Băng để có thể tỏa sáng hơn trong các sự kiện mà “cô nàng lắm chiêu” tham gia. Với sự vô tình (hoặc hữu ý) cổ súy từ truyền thông, giới giải trí ngày càng nhiều có thêm những phiên bản “đạo” phong cách của người nổi tiếng hơn mà kì lạ, là vẫn được chú ý, tung hô quá mức.  

Không những đạo phong cách, giờ có cả những người sẵn sàng đạo chất xám của người khác. Bằng chứng là việc kiều nữ nhiều phát ngôn sốc Ngọc Trinh ra sức quảng bá cho những mẫu thiết kế đạo nhái của mình để đắt hàng buôn bán.  Ở giai đoạn phát triển cửa hàng, Ngọc Trinh thực hiện hàng loạt mẫu váy coppy của các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Dolce&Gabbana, Valentino, Stella McCartney, Elie Saab...

Ngọc Trinh không ngại diện váy nhái đi dự sự kiện để quảng bá cho sản phẩm của riêng mình nhờ vào “chất xám” của người khác. Ngọc Trinh chia sẻ rằng, cô là người con gái “đặc chất” miền Tây, tính tình thẳng thắn phóng khoáng lại có phần vô tư ngây thơ nên cô có làm váy nhái để xúng xính diện lên người, để bán cho người khác cũng là chuyện của riêng cô chứ chẳng tổn hại đến ai.

Thậm chí, cô còn thể hiện sự “tự hào” là mình coppy có chọn lọc, chỉnh sửa mà vẫn đẹp. Và không quên đá xéo những người theo cô là coppy nguyên mẫu mà còn nhận mình là “nhà thiết kế”.

 

Khi đạo nhái trở thành chuyện… không biết xấu hổ - 0
Ngọc Trinh thản nhiên khoe về các thiết kế đạo nhái của chính mình. Ảnh tư liệu

Đối với các nhà thiết kế danh tiếng nước ngoài, thực lòng, họ khó mà có thể biết trên thế giới có bao nhiêu nơi đạo nhái thiết kế của mình. Vì thế, chuyện coppy của Ngọc Trinh có vẻ rất thản nhiên. Khi đã chán các thiết kế ngoại, Ngọc Trinh chuyển sang coppy thiết kế của các nhà thiết kế trong nước như: Huy Trần, Lý Quý Khánh, Đỗ Mạnh Cường.

Loạt sáng tạo của họ đều đã lần lượt xuất hiện trong cửa hàng thời trang của Ngọc Trinh và được cô phân phối khắp nơi. Có người im lặng, có người chỉ biết than vãn và cũng có người lên tiếng mạnh mẽ. Nhà thiết kế Huy Trần đã chia sẻ trên trang cá nhân rằng “không biết nói gì” khi thấy thiết kế của Ngọc Trinh giống hệt của mình, còn Ngọc Trinh thì tinh quái đáp trả, cô đạo thiết kế của Victoria Beckham chứ không phải của Huy Trần.

Với sự không vững vàng về tâm lý, một bộ phận không nhỏ những người trong cộng đồng mạng đã hùa theo ủng hộ Ngọc Trinh, cho rằng cô này “dũng cảm” khi tự nhận mình là người đạo thiết kế, trong khi các nhà thiết kế khác cũng coppy mà lại nhận là sáng tạo của mình.

Huy Trần sau khi than vãn trên facebook cá nhân đã tự xóa dòng trạng thái, điều đó càng làm cho một đám đông không nhỏ hả hê về chuyện đi coppy chất xám của người khác một cách đường hoàng, để kinh doanh tên tuổi và kinh doanh luôn cả tiền bạc.  

Khi đạo nhái trở thành chuyện… không biết xấu hổ - 1
Angela Phương Trinh chủ động coppy phong cách Phạm Băng Băng để được chú ý hơn. Ảnh tư liệu

Đừng đánh mất sự “xấu hổ” Thực ra trong chuyện này, không có gì phải khó hiểu như nhiều người nhận định. Là coppy thì nhận, còn hơn coppy mà giấu giếm. Vậy có nghĩa là cổ vũ cho xu hướng bình thường hóa chuyện ăn cắp sức sáng tạo của người khác? Với nghệ thuật, điều tối kị là giống nhau, nhưng để sáng tạo bao giờ cũng từ những cái đã có mà phát triển thêm. Ranh giới mong manh giữa học hỏi có sáng tạo và coppy nguyên bản rất khó phân định.

Nhưng không vì thế mà ta lấy đó làm cái cớ để bênh vực những phiên bản coppy. Nếu Sơn Tùng muốn chứng mình mình không đạo Dragon, hãy làm mình khác đi chứ đừng lấy những người cùng giống Dragon ra để so sánh: Trên thế giới nhiều giống nhau. Nếu Ngọc Trinh muốn coppy bán hàng, thì đừng đem bản coppy của mình ra để khích bác các nhà thiết kế trong nước.

Trong thời trang, rất khó tránh khỏi những điều giống nhau. Bởi chính các nhà mốt danh tiếng nước ngoài cũng có những trang phục na ná nhau. Thời trang nhiều khi chính là sự lặp lại của thời gian và xu hướng. Hãy công bằng với nhà thiết kế trong nước. Không vội vàng ca tụng, nhưng không vội vàng cho rằng họ chỉ có đạo nhái ý tưởng. Quan trọng nhất của người làm nghệ thuật, dù ở lĩnh vực nào là cái riêng biệt, cái tôi duy nhất không trộn lẫn, không ai muốn giống ai cả. Bởi nếu giống một ai đó, bản thân phải cảm thấy không thỏa mãn. Và nếu bị chê coppy, họ phải biết xấu hổ. Chứ không phải cứ thản nhiên khoe “tôi coppy đấy, có sao không?”.

Coppy đâu có vẻ vang gì mà tự hào đến thế

Ở Việt Nam, chúng ta luôn có những cách nói so sánh kiểu như: “Taylor swift Việt Nam, Rihana Việt Nam”, hay bất kể hình bóng sao nổi tiếng nào cũng được gắn với sao trong nước.

Sự thực là danh xưng đó không để làm gì mà chỉ để cổ vũ cho việc, chúng ta thích tạo ra những bản coppy của phiên bản ngoại, cổ vũ cho các phiên bản ấy phát triển hơn mặc dù, với nghệ thuật, coppy đâu có vẻ vang gì mà tự hào đến thế!

Theo PL&XH




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC