Tại Nhật, khách muốn ăn cam sẽ có cam, ở Việt Nam khách muốn quýt nhưng phải miễn cưỡng ăn dưa hấu.

Có một giai đoạn “Thế giới phẳng” (The world is flat) của Thomas Friedman đã trở thành cuốn sách gối đầu giường của độc giả ở nhiều quốc gia. Trong một nỗ lực tìm kiếm lời giải cho khái niệm “toàn cầu hóa”, tác giả được một doanh nhân giải thích đơn giản: “Trước kia có gì chúng tôi sẽ bán nấy, còn bây giờ, chúng tôi phải tìm hiểu xem thị trường cần gì mới đưa ra quyết định. Sân chơi đang trở nên công bằng, khách hàng đang trở thành một phần của chuỗi giá trị toàn cầu”.

Cuốn sách đã trở thành best-seller (bán chạy nhất), cái tên Việt Nam được nhắc đến với một ví dụ minh họa để chứng minh trong một thế giới phẳng không phải lúc nào cũng có sự công bằng. Đó là dịp tác giả tá túc ở các khách sạn thuộc hai quốc gia: Nhật Bản và Việt Nam. Thomas Friedman đã chứng thực sự khác biệt của hai cung cách phục vụ xuất phát từ hai lối tư duy khác nhau.

42 1 Nguoi Viet Ban Cai Minh Co Khong Ban Cai Khach Hang Can

Tại Nhật Bản, khi muốn ăn một quả cam “còn tươi nguyên”, vị khách đã được người lễ tân kiên nhẫn đáp ứng, dù phải đến lần thứ ba mới đúng ý nguyện của mình. Kết quả khách phải trả phí nhiều gấp ba, nhưng vẫn có cảm giác hài lòng.

Tại Việt Nam, khi đề đạt nguyện vọng muốn có vài quả quýt tráng miệng sau bữa ăn, vị khách ngay lập tức nhận được câu trả lời của người phục vụ: “Đã hết mùa quýt, trong tủ lạnh chỉ còn dưa hấu”. Khách miễn cưỡng chấp nhận dù trước đó vừa mới nhìn thấy người ta bày bán loại quả này ngay trước cổng khách sạn. Sau bữa ăn, khách đã không thoải mái khi người phục vụ bưng ra đĩa quýt với lời thanh minh: “Xin lỗi, dưa hấu trong tủ lạnh vừa hết, ông xơi tạm quýt vậy”.

Thái độ phục vụ trên của người lễ tân khách sạn đã phản ánh một thực tế đang diễn ra tại Việt Nam, đó là biểu hiện của tư duy thời bao cấp. Về bản chất, nó là thói quen “có gì cung cấp nấy” và “cho gì phải nhận nấy”. Lối tư duy đó bó buộc, tạo sự thụ động, kiềm tỏa sự năng động, sáng tạo và đột phá.

Tư duy bao cấp thường cào bằng trong nhìn nhận, đánh giá, đó là lý do cơ bản dẫn đến mất công bằng. Tư duy bao cấp hình thành cơ chế “xin – cho”, căn nguyên của bệnh tha hóa quyền lực.

Mặc dù hiện nay, chúng ta nói “đã xóa bỏ thời bao cấp”, nhưng thực tế di chứng của nó vẫn còn khá phổ biến với nhiều biểu hiện khác nhau. Trong quan hệ cung – cầu của lĩnh vực cung ứng dịch vụ công, người ta thường chỉ trích thói nhũng nhiễu, thái độ ban phát và sự trục lợi của các chủ thể cung ứng. Tuy nhiên, ít ai nghĩ rằng, chính khách hàng vừa là nạn nhân nhưng cũng là nguyên nhân của những “vấn nạn” hách dịch và nhũng nhiễu đó.

Đòi hỏi sự công bằng khi tham gia dịch vụ, nhưng cái cách để được thụ hưởng giá trị dịch vụ của nhiều khách hàng lại hoàn toàn thiếu công bằng. Để tối ưu hóa quyền lợi của mình, nhiều người sẵn sàng “lách, luồn”, “đi cửa sau”, điều đó đặt chủ thể phục vụ vào thế người ban phát.

Sự công bằng chỉ diễn ra trong một quan hệ khép kín theo kiểu sòng phẳng “tiền trao, cháo múc”. Không có cửa cho một tư duy toàn cầu hóa với một thế giới phẳng ở đây.

Tư duy thời kỳ bao cấp trong hệ thống các cơ quan công quyền sẽ là thách thức không nhỏ cần phải vượt qua nếu thực sự muốn hội nhập quốc tế, nhưng để vượt qua nó, chỉ nỗ lực của hệ thống chính trị không chưa đủ. Sự thay đổi của mỗi người dân, sự tham gia, đóng góp tích cực vào chuỗi giá trị cộng đồng, quốc gia của họ sẽ là sức mạnh tạo bước đột phá để thoát khỏi lực hút của sự ì trệ.

Muốn đạt được điều đó, cần phải có một hệ thống hành lang pháp lý chặt chẽ, đủ tin cậy. Cùng với đó là ý thức thượng tôn pháp luật của người dân. Toàn cầu hóa, theo đó không chỉ là câu chuyện của một quốc gia, mà còn là câu chuyện của mỗi cá nhân.

TS Nguyễn Thị Hường

Nguồn: VnExpress




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC