Tết sắp tới gần, người người lại rục rịch chuẩn bị những món quà Tết độc lạ, có ý nghĩa để thể hiện được hết tấm lòng mình gửi tới những người thân yêu và ân nhân. Năm nay, đã khác hơn so với mọi năm, thực phẩm sạch trở thành món quà được săn lùng và đặt hàng từ rất sớm.

Thay vì những sản phẩm ngoại nhập đắt tiền, độc đáo, xu hướng quà Tết là thực phẩm tươi sạch là một bước chuyển đáng mừng.

Bởi người ta đã dần bớt lệ thuộc vào hình thức, mà tặng nhau những thứ thiết yếu, thiết thực hơn hẳn. Đã có một thời kỳ người Việt ước ao loại bỏ những biến tướng của việc tặng quà Tết, mong sao người ta chỉ cần tặng nhau thịt thà, gạo muối, thậm chí giấy vệ sinh như người Hàn, hay những món quà nhỏ bé thể hiện tình cảm giống như người Nhật là được rồi.

Thế nên, giờ đây, việc tặng nhau thực phẩm chắc chắn sẽ làm cả người tặng và người được tặng thấy dễ chịu hơn nhiều. Nhưng phía sau một xu hướng tốt đẹp, ta lại thấy một thực tế đáng buồn.

Thực phẩm sạch, từ lúc nào đã trở thành đồ quý giá, người nghèo ít dám dùng và là thứ người ta săn lùng, xếp hàng đặt mua vì số lượng không nhiều và giá cả không hề rẻ.

Món quà đắt giá và nỗi lo chung

Lương thực, thực phẩm là sản phẩm thiết yếu mà ai cũng cần dùng tới, nó trực tiếp ảnh hưởng tới thể chất và sức khỏe của con người. Nhưng ngày nay, người ta đành phải nhắm mắt làm ngơ để tiêu dùng những sản phẩm có khả năng nhiễm độc, không rõ nguồn gốc vì cả giá thành và nguồn cung của thực phẩm sạch khó tiếp cận với đa số quần chúng.

Một điều tra xã hội vào đầu năm 2016 cho thấy 66% số người được hỏi cho rằng an toàn thực phẩm là mối quan tâm hàng đầu của họ. Và theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca mắc ung thư tại Việt Nam không ngừng tăng, từ 68.000 ca năm 2000 lên 165.000 ca trong năm 2018. Những vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm bị phát hiện ngày càng vô đạo đức và kinh hoàng.

42 1 Qua Tet Huu Co Thu Dang Le Duong Nhien Chung Ta Duoc Huong Gio Lai Thanh Mon Qua Sang Quy Vi Dau

Nào là pha trộn nước bột pin vào hỗn hợp vỏ cà phê, sỏi đá nhỏ; đổ bột than tre vào vỏ con nhộng thuốc chữa ung thư; hạt dưa trộn luyn; thực phẩm tẩm hóa chất bị cấm như lưu huỳnh, methanol, bột đinh hương… Những câu chuyện về “rau hai luống, lợn hai chuồng” trở thành quen thuộc, nhưng chưa thấy có ai bị kết tội để làm gương răn đe, mặc dù chứng cứ ở ngay trong vườn sau nhà họ.

Khi mà chúng ta tự hào rằng xã hội đang ngày càng phát triển hơn, thì một điều đương nhiên mà đáng lẽ mỗi người đều được hưởng trong một xã hội văn minh là được ăn đồ tươi sạch, giờ đây lại trở nên khó khăn đến như vậy. Tất cả cũng bởi một chữ “Lợi”.

Sau những năm tháng đói khát, thiếu thốn, người Việt thi nhau làm kinh tế khi được “mở cửa” bước vào cơ chế thị trường.

Mục tiêu của cả đất nước lẫn từng người dân đều là phát triển kinh tế, làm giàu. Giáo dục đạo đức chưa đủ hiệu quả, bản thân giáo dục cũng chạy theo hình thức số lượng nên sinh ra nhiều tiêu cực, đẩy đạo đức xuống dốc. Sau khi hệ tư tưởng Nho giáo chứa đựng nhiều giá trị đạo đức cốt lõi nhất bị hiểu sai và bài xích, Việt Nam không có hệ tư tưởng truyền thống nào thay thế nên việc giáo dục đạo đức chơi vơi không có gốc rễ.

42 2 Qua Tet Huu Co Thu Dang Le Duong Nhien Chung Ta Duoc Huong Gio Lai Thanh Mon Qua Sang Quy Vi DauNgày nay, người ta đành phải nhắm mắt làm ngơ để tiêu dùng những sản phẩm có khả năng nhiễm độc, không rõ nguồn gốc. (Ảnh minh họa: farm360.vn)

Phải gian thì mới giàu?

Người xưa dùng sở học từ văn hóa truyền thống để luôn răn dạy nhau và nhắc nhở bản thân rằng: “Thấy lợi xét nghĩa”, “Người quân tử hiểu tầm quan trọng của nghĩa, kẻ tiểu nhân chỉ biết sự quan trọng của lợi”. Nên người làm kinh doanh luôn có sự câu thúc để kinh doanh cho chính trực, cho đúng với đạo nghĩa. Và việc làm đó chẳng hề cản trở tăng trưởng lợi nhuận một chút nào như cách nhìn thiển cận của những người trọng lợi mà quên nghĩa.

Công trình nghiên cứu của hai giáo sư John Kotter và James Heskeu thuộc Trường Đào tạo Quản lý Kinh doanh Harvard đã cho thấy: Trong vòng 11 năm, những công ty chú trọng đạo đức trong kinh doanh có tăng trưởng thu nhập lên tới 682% (trong khi những công ty đối thủ không xem trọng các chuẩn mực đạo đức chỉ đạt được 36%).

Giá trị cổ phiếu của những công ty trên thị trường chứng khoán tăng tới 901% (còn ở các đối thủ kém hơn thì chỉ số này chỉ là 74%). Lãi ròng của các công ty chú trọng đạo đức trong kinh doanh ở Mỹ trong 11 năm đã tăng tới 756%. Ít nhất trong khảo sát này, đạo đức kinh doanh đã có một tác động nào đó tới hoạt động kinh doanh quan trọng của các doanh nghiệp, từ đó dẫn tới thành công.

Trong các doanh nghiệp và doanh nhân nổi tiếng của Nhật Bản, có rất nhiều ví dụ về việc tuân theo đạo đức cơ bản của văn hóa truyền thống để tiến tới thành công và để lại di sản xuất sắc cho xã hội. Đầu tiên phải kể tới Shibusawa Eiichi, được gọi là cha đẻ của các công ty Nhật Bản.

Ông là người đầu tiên sử dụng những tư tưởng của Nho gia trong quản lý kinh doanh.

Chuyển từ chính trị sang kinh doanh vào tuổi 33, ông đã thề rằng sẽ theo đúng những tiêu chuẩn trong Luận Ngữ của Khổng Tử trong những hoạt động kinh doanh của mình. Trong sự nghiệp của Shibusawa, ông đã thành lập hơn 500 công ty trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm tài chính, sản xuất giấy và dịch vụ vận chuyển. Vào năm 88 tuổi, ông đã viết quyển sách nổi tiếng của mình, “Luận ngữ và Bàn tính” (Analects and the Abacus), trong đó thể hiện niềm tin rằng những lời dạy trong Luận Ngữ và công việc kinh doanh là tương hành với nhau.

Bám sát một câu trong Luận Ngữ: “Theo đuổi lợi nhuận sẽ sinh ra oán hận lớn”, Shibusawa không bao giờ chạy theo cơ hội kiếm lợi.

Ông biết rằng mua trái phiếu đường sắt của chính phủ sẽ đem lại cho ông rất nhiều lợi nhuận nhưng ông đã không làm như thế.

Bởi nếu ông kiếm lợi chỉ bằng cách suy đoán, đầu cơ như đánh đề, nó sẽ tạo ra lòng tham và khó kiểm soát hành động. Từ đó có thể mất tất cả những gì ông có, và tệ hơn nữa, đem lại sự mất mát lớn cho các nhà đầu tư của ông. Shibusawa chính là người đã đặt lợi ích của các cổ đông, của người khác lên trước lợi nhuận của bản thân.

42 3 Qua Tet Huu Co Thu Dang Le Duong Nhien Chung Ta Duoc Huong Gio Lai Thanh Mon Qua Sang Quy Vi DauShibusawa Eiichi. (Ảnh: yam.com)

Một doanh nhân Nhật Bản khác cũng đã chứng minh thương trường không phải là chiến trường và người ta hoàn toàn có thể làm giàu chân chính bằng sự tử tế của mình.

Ông Inamori Kazuo là người giàu thứ 28 Nhật Bản theo bình chọn của tạp chí Forbes với tổng tài sản ước tính đạt gần 1 tỷ USD sau giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008. Không lâm vào hoàn cảnh khó khăn như nhiều doanh nghiệp khác trong giai đoạn khủng hoảng, tập đoàn Kyocera thậm chí lớn mạnh và mua lại hãng Japan Airlines trước nguy cơ phá sản vào năm 2010.

Ông đã chia sẻ bí quyết kinh doanh của mình trong cuốn sách “Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế”. Triết lý kinh doanh của Kyocera là “Kính Thiên, Ái Nhân” – tôn trọng quy luật của vũ trụ, của thiên nhiên và yêu thương con người. Ông tin rằng khi tư tâm của của người lãnh đạo xuất hiện cũng là lúc công ty gặp khó khăn. Mỗi người cần gọt bớt lòng tham của mình, chịu thiệt một chút vì người khác thì mọi việc sẽ suôn sẻ.

Đạo đức là yếu tố thiết yếu để kiếm tiền

Tránh xa ham muốn, mài giũa lòng thành, cống hiến cho người — Đó chính là phương thuốc cho thời đại, là triết học để mọi người sống đúng đắn và kiếm tiền một cách đúng đắn.

Amartya Sen, một người đạt giải Nobel nói rằng:

Khi kinh tế phát triển, thì cần phải quay lại với đạo đức, vì bất kể con người cố thoát khỏi sự hạn chế của đạo đức như thế nào, họ sẽ bị thất bại vì đạo đức là một thuộc tính tự nhiên của các hoạt động kinh tế.

Nếu như có đạo đức chỉ đạo trong mọi suy nghĩ, hành động của con người, thì dù ngành nghề nào cũng sẽ cho ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng nhất.

Ai nói rằng “mười người buôn chín kẻ gian”, ai nói rằng làm kinh doanh thì phải “lắt léo”, ai nói rằng làm kinh doanh không thể nào công bình, liêm chính được. Đó đều là do nhân tâm dẫn dắt, một khi đã thiếu đạo đức thì dù làm nghề gì cũng sẽ có cơ hội vi phạm đạo đức mà thôi. Ngành nghề nào cũng cần phải có đạo đức nghề nghiệp, và thật ra nó chính là điều bắt nguồn từ nền tảng đạo đức cơ bản của con người.

Xưa người ta chỉ bán thiếu, cân điêu. Giờ người ta đã dám đầu độc, giết người gián tiếp. Nhìn vào riêng mâm cơm mỗi gia đình thôi, là đã có thể thấy nông nỗi lụn bại của một xã hội vì thiếu đạo đức. Để đến mức thứ đồ đầy rẫy cái thời ngày xưa lại trở thành món quà đắt giá trong ngày Tết. Vậy đã đến lúc chúng ta phải giật mình lo sợ hay chưa?

 

Nguồn: Thu Hiền

DKN.tv




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC