Hỏi: Tôi là người VN, mang quốc tịch VN, đã đăng ký kết hôn với người VN mang quốc tịch nước ngoài. Tôi đã định cư ở nước ngoài được 2 năm và có một con trai mang quốc tịch nước ngoài...

Xin hỏi:

1- Sắp tới, khi về VN du lịch, tôi muốn ở lại luôn cùng con trai và muốn làm thủ tục ly hôn ở VN có được không? Nếu được thì làm thế nào?

2- Chồng tôi có quyền mang con tôi đi không?

Xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

1. Thủ tục xin ly hôn

Theo khoản 14 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 (Luật HNGĐ) và Điều 9 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài ngày 10/07/2002 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 69/2006/NĐ-CP ngày 21/07/2006, quan hệ hôn nhân của vợ chồng bạn là quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài.

Do vậy, “Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì theo pháp luật Việt Nam” (khoản 2 Điều 104 Luật HNGĐ).

Tại thời điểm yêu cầu ly hôn bạn không thường trú tại Việt Nam (đã định cư ở nước ngoài được 2 năm) nên việc ly hôn sẽ được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng bạn. Nếu vợ chồng bạn không có nơi thường trú chung thì mới áp dụng theo pháp luật Việt Nam.

Trong trường hợp việc ly hôn của bạn được giải quyết theo quy định của pháp luật Việt Nam thì theo Điều 102 Luật HNGĐ cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn này là Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Nếu muốn ly hôn, bạn phải nộp đơn yêu cầu ly hôn tại Toà án, sau khi thụ lý đơn Toà án sẽ tiến hành hoà giải (Điều 87, Điều 88 Luật HNGĐ). Trong trường hợp hoà giải không thành, Toà án sẽ xem xét, giải quyết việc ly hôn.

2. Quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con sau ly hôn

Toà án sẽ căn cứ vào các quy định về ly hôn tại Luật HNGĐ để giải quyết các vấn đề ly hôn như con chung, chia tài sản… (Điều 104 Luật HNGĐ). Cụ thể theo Điều 92 Luật HNGĐ: “Vợ, chồng thoả thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thoả thuận được thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thoả thuận khác”.

Như vậy, tại thời điểm ly hôn, con bạn dưới ba tuổi thì bạn được nuôi con, chồng bạn không được mang con đi. Tuy nhiên, chồng bạn sẽ được mang con đi trong trường hợp anh ta có đủ điều kiện để chăm sóc tốt nhất cho con và cháu bé (từ đủ 9 tuổi trở lên) có nguyện vọng muốn sống cùng bố.

Dat Cau Hoi




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC