Điều kiện, hồ sơ và thủ tục trở lại quốc tịch Việt NamHỏi: Tôi là việt kiều, đã mất quốc tịch Việt Nam. Hiện tôi cư trú tại Việt Nam để thực hiện một dự án đầu tư tại TP.HCM. Vậy nếu tôi muốn trở lại quốc tịch Việt Nam liệu có được không? Điều kiện, hồ sơ và thủ tục giải quyết hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam như thế nào? (Hoài Phương - CHLB Đức)

 

Trả lời:

Theo khoản 1 điều 23 Luật Quốc tịch năm 2008, những người đã mất quốc tịch Việt Nam mà nay có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì có thể trở lại quốc tịch Việt Nam, nếu thuộc một trong các trường hợp: xin hồi hương về Việt Nam; có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam; có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; thực hiện đầu tư tại Việt Nam; đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài. Như vây, chị hoàn toàn có thể trở lại quốc tịch Việt Nam, do chị thuộc trường hợp thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam (điểm đ, khoản 1 Điều 23 Luật Quốc tịch năm 2008).

Theo quy định tại khoản 1 điều 24 Luật Quốc tịch năm 2008, hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam bao gồm: đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam; bản sao Giấy khai sinh, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế; bản khai lý lịch; giấy tờ chứng minh người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam; giấy tờ chứng minh đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định; phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài (Phiếu lý lịch tư pháp được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ).

Theo quy định tại điều 25 Luật Quốc tịch năm 2008, chị sẽ tiến hành nộp hồ sơ cho Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi chị cư trú. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp sẽ gửi văn bản đề nghị cơ quan Công an cấp tỉnh xác minh về nhân thân của chị.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, kết luận và đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy chị có đủ điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam thì gửi thông báo bằng văn bản cho chị để làm thủ tục xin thôi quốc tịch nước ngoài. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy xác nhận thôi quốc tịch nước ngoài của chị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét, quyết định. Như vậy, thời gian giải quyết hồ sơ khoảng 3 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ.

 

Luật sư Phạm Công Hải

Dat Cau Hoi




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC