Cuộc đảo chính hồi cuối tháng 7 do lực lượng cận vệ Tổng thống Niger tiến hành để lật đổ lãnh đạo thân phương Tây Mohamed Bazoum đã khiến Mỹ bất ngờ. Điều khiến họ cảm thấy cay đắng hơn là khi chuẩn tướng Moussa Salaou Barmou xuất hiện cùng nhóm sĩ quan tiến hành đảo chính trên truyền hình quốc gia Niger, thông báo thành lập chính quyền quân sự.
Tướng Barmou là người mà quân đội Mỹ đã đặt niềm tin và xây dựng quan hệ trong gần 30 năm qua, coi ông như một đồng minh thân cận trong cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và al-Qaeda ở châu Phi.
Ông là người đã được quân đội Mỹ gửi tới học ở Đại học Quốc phòng danh giá tại Washington, từng mời các sĩ quan Mỹ tới nhà dùng bữa tối. Ông cũng là chỉ huy lực lượng tinh nhuệ từng đóng vai trò quan trọng trong ngăn chặn làn sóng IS và al-Qaeda lan rộng ở Tây Phi. "Chuẩn tướng Barmou là người rất phù hợp với chúng tôi", một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết vài tháng trước.
Sau khi đảo chính xảy ra, tướng Barmou dường như vẫn có vai trò như vậy với Mỹ.
Hai tuần sau khi Tổng thống Bazoum bị lật đổ, tướng Barmou đã nổi lên như kênh ngoại giao chính giữa Mỹ và chính quyền quân sự Niger. Các sĩ quan quân đội và nhà ngoại giao Mỹ có số điện thoại của Barmou và nghĩ rằng ông là cơ hội tốt nhất để khôi phục nền dân chủ ở Niger, cũng như ngăn chặn nguy cơ một cuộc chiến quy mô lớn bùng lên trong khu vực.
Ngày 8/8, Barmou gặp quyền Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland tại thủ đô Niamey của Niger trong hai giờ. Cuộc nói chuyện không mang lại kết quả như mong đợi, nhưng bà Nuland nhân cơ hội này đã thúc giục Barmou làm trung gian đàm phán một thỏa thận cho phép Niger và các đồng minh phương Tây lâu năm quay lại hợp tác chống al-Qaeda, IS và Boko Haram. Mỹ cũng không muốn quốc gia Tây Phi này trở thành tiền đồn khác cho tập đoàn quân sự tư nhân Wagner của Nga.
"Rất nhiều người trong chúng tôi hy vọng ông ấy có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng này một cách nhẹ nhàng nhất có thể", thiếu tướng không quân về hưu Mark Hicks, người từng chỉ huy lực lượng đặc nhiệm của Mỹ ở châu Phi năm 2017-2019 và xem Barmou là bạn thân, nói.
Chuẩn tướng Moussa Salaou Barmou (trái) gặp chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến dịch đặc biệt của Mỹ ở Niger hồi tháng 6. Ảnh: WSJ
Sahel, nằm ở phía nam sa mạc Sahara, là nơi các nhóm Hồi giáo cực đoan hoạt động mạnh, khiến hàng nghìn dân thường thiệt mạng trong những năm gần đây. Đây được xem là chiến trường lớn nhất trong nỗ lực đối phó các nhóm Hồi giáo cực đoan trong hơn 20 năm qua của Mỹ và đồng minh.
Trọng tâm chiến lược của Mỹ là cử sĩ quan tới huấn luyện lực lượng đặc nhiệm của nước sở tại để họ tiến hành các chiến dịch truy quét phiến quân. Barmou, người đứng đầu lực lượng tinh nhuệ của Niger, là trụ cột của cách tiếp cận đó. Lực lượng đặc nhiệm Niger mà Barmou chỉ huy đã kề vai sánh cánh với đặc nhiệm lục quân Mỹ trong các chiến dịch chống phiến quân suốt nhiều năm.
Mỹ đã chi khoảng 500 triệu USD để xây dựng lực lượng phòng vệ Niger, trong đó có căn cứ máy bay không người lái trị giá 110 triệu USD ở thị trấn Agadez. Khoảng 1.100 lính Mỹ đồn trú ở Niger, cùng một căn cứ với lực lượng đặc nhiệm của Barmou ở thị trấn Ouallam, nơi họ chiến đấu với IS và al-Qaeda, và thị trấn Diffa, nơi họ chống lại phiến quân Boko Haram.
Sau cuộc đảo chính, Mỹ đình chỉ chương trình huấn luyện lực lượng Niger và cắt các hỗ trợ quân sự khác cho quốc gia Tây Phi.
Barmou nhận thức rõ cuộc đảo chính có thể khiến ông mất hỗ trợ chiến đấu quan trọng, khi không còn được huấn luyện chung hay nhận tư vấn chiến thuật và thông tin trinh sát của Mỹ. "Nếu đó là cái giá phải trả cho chủ quyền của chúng tôi, tôi chấp nhận", Barmou cho biết vài ngày sau đảo chính.
Giới chức Mỹ đang cố xác định liệu ông Barmou sẽ chọn trung thành với chính quyền quân sự hay sẽ hỗ trợ đàm phán để khôi phục chính phủ dân sự tại Niger.
Quyền Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Nuland mô tả cuộc nói chuyện với tướng Barmou ở Niamey là "cực kỳ thẳng thắn và đôi lúc khá khó khăn". "Lập trường của họ khá kiên định và nó không phù hợp với hiến pháp Niger", bà Nuland nói sau cuộc gặp.
Trong cuộc thảo luận với Barmou, bà Nuland đã nhấn mạnh mối quan hệ lâu năm giữa ông với lực lượng đặc nhiệm Mỹ, nhắc nhở rằng họ có thể mất hỗ trợ quân sự từ Washington nếu nền dân chủ không được khôi phục.
Các quan chức Tây Phi khác nói rằng việc Mỹ có thể thuyết phục thành công Barmou đứng về phía họ hay không sẽ là chìa khóa để giải quyết cuộc khủng hoảng. Một sĩ quan cấp cao cho biết nỗ lực ngoại giao của Mỹ vẫn là hy vọng tốt nhất cho một kết cục "không đổ máu".
"Mỹ sẽ phải lựa chọn ở lại Niger hoặc nhường chỗ cho Wagner", người này nói.
Ông Barmou ôm một sĩ quan Mỹ tại Niamey, Niger hồi tháng 6. Ảnh: WSJ
Quân đội được xem là sự nghiệp cả đời của Barmou. Ông nhập ngũ năm 1989 và sớm được quân đội Mỹ coi là ngôi sao sáng, nỗ lực kéo ông xích lại gần họ.
Năm 1994, ông tham dự khóa học tiếng Anh tại căn cứ không quân Lackland tại San Antonio, bang Texas. Barmou hiện giao tiếp trôi chảy tiếng Anh, Pháp và Hausa, ngôn ngữ của khu vực từ Nigeria tới Sudan.
Chính phủ Mỹ sau đó cử Barmou theo học nhiều khóa khác ở căn cứ quân đội tại Fort Benning, bang Georgia với hy vọng đào tạo ông thành người chỉ huy các chiến dịch tấn công đổ bộ từ máy bay. Ông cũng từng tham dự khóa học tại Đại học Tác chiến đặc biệt liên quân ở Florida.
Năm 2004, Barmou nắm quyền chỉ huy đại đội đặc nhiệm đầu tiên của Niger do Mỹ huấn luyện. Ông rời vị trí sau đó ba năm, để theo đuổi tấm bằng thạc sĩ về nghiên cứu an ninh chiến lược tại Đại học Quốc phòng Mỹ ở Washington.
Trong khi đó ở Tây Phi, các nhóm nổi dậy liên kết với al-Qaeda và IS bắt đầu trỗi dậy, tràn vào Mali và đến năm 2017, tiến hành các cuộc tấn công ở Burkina Faso và Nigeria.
Mỹ coi lực lượng đặc nhiệm Niger là một trong những đội quân tốt nhất ở Tây Phi. Sau khi các lãnh đạo quân sự ở Mali và Burkina Faso tiến hành đảo chính và ký hợp đồng an ninh với Wagner, yêu cầu lực lượng phương Tây rút đi, Mỹ cảm thấy yên tâm khi Niger không có xu hướng chào đón đội quân lính đánh thuê của Nga.
"Ngay từ đầu, chúng tôi đã có quan hệ đối tác vững chắc với Mỹ. Họ rất quan trọng với chúng tôi", tướng Barmou từng nói hồi tháng 11 năm ngoái.
Chưa đầy 6 tuần trước khi Tổng thống Bazoum bị lật đổ, quân đội Mỹ đăng bức ảnh Barmou mỉm cười ôm trung tướng Jonathan Braga, chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến dịch Đặc biệt của quân đội Mỹ tại căn cứ không quân ở Niamey. Mục đích chuyến thăm của tướng Braga là thảo luận về chính sách và chiến lược chống khủng bố.
Vị trí Niger và vùng Sahel. Đồ họa: AFP
Mối quan hệ đối tác bền chặt cũng giúp phát triển tình bạn giữa họ. Barmou từng mang một con dê nướng tới căn cứ bí mật ở Niamey để ăn tối cùng Hicks, khi đó là chỉ huy tác chiến đặc biệt của Mỹ, và nhân viên đại sứ quán Mỹ.
Bất chấp khởi đầu không thuận lợi trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và chính quyền quân sự Niger, những người bạn Mỹ của Barmou vẫn hy vọng ông có thể giúp vận động hành lang cho giải pháp giữ Niamey đứng về phía Washington.
Tuy nhiên, bà Nuland đã rời cuộc họp tuần này với Barmou mà không hứa hẹn đàm phán thêm. Chính quyền quân sự từ chối đề nghị cho bà tới thăm Tổng thống Bazoum hoặc gặp tướng Abdourahamane Tiani, người lãnh đạo cuộc đảo chính.
"Chúng tôi cần ông Barmou xác định rõ lập trường", bà Nuland nói.
Thanh Tâm (Theo WSJ)
Nguồn: VNEXPRESS.NET
TIN TỨC: THỜI SỰ THẾ GIỚI
-
Thái tử Iran Reza Pahlavi kêu gọi lật đổ chế độ Mullah sau cuộc tấn công của Israel 15/06/2025
-
Học sinh xả súng ở trường trung học, ít nhất 9 người chết 10/06/2025
-
Nga tìm cách lôi kéo Lào tham chiến ở Ukraine, tình báo Ukraine cáo buộc 05/07/2025
-
Hun Sen tung bản ghi âm cuộc trò chuyện riêng khiến Thủ tướng Thái Lan bẽ bàng 18/06/2025