Hồi tháng 4/2025, Thiếu tướng Phattanasak Bupphasuwan – Tư lệnh Tổng cục Cảnh sát Bảo vệ Người tiêu dùng Thái Lan, Đại tá Wiraphong Klaithong – Chỉ huy Đội Cảnh sát Bảo vệ Người tiêu dùng số 4 và Trung tá Thanthawach Anuraksanim đã dẫn đầu lực lượng cảnh sát tiến hành chiến dịch chống hàng giả tại quận Rat Burana và quận Bukkhalo ở Bangkok, Thái Lan. Họ đã khám xét 5 kho hàng, thu giữ tổng cộng 34.806 chai nước hoa nhái các thương hiệu nổi tiếng, với tổng giá trị khoảng 4.361.200 baht (hơn 3,5 tỷ đồng).
Cụ thể, trước đó cơ quan quản lý Thái Lan đã thu giữ một lô mỹ phẩm và nước hoa bất hợp pháp từ một tay bán hàng giả. Dựa trên các manh mối này, cảnh sát Thái Lan đã mở rộng phạm vi điều tra và phát hiện những sản phẩm này được thu mua từ một đối tượng bán hàng xuyên biên giới.
Người này đồng thời thuê nhiều kho hàng khác nhau để cất giấu các sản phẩm nước hoa giả, khiến lực lượng chức năng khó lòng phát giác, từ đó đưa các mặt hàng giả sản xuất ở nước ngoài thâm nhập vào thị trường Thái Lan.
Sau khi xác định được địa điểm cất giữ hàng hóa, cảnh sát Thái Lan đã chỉ huy lực lượng tiếp tục điều tra sâu hơn và phát hiện chủ sở hữu số hàng này sử dụng tài khoản ngân hàng Campuchia để nhận tiền thanh toán, hoạt động cực kỳ kín đáo.
Ngoài ra, những chai nước hoa thu giữ tại 5 kho hàng có bao bì gần như giống hệt hàng thật của hơn 20 thương hiệu nổi tiếng như CHANEL, DIOR, BURBERRY, JO MALONE, LOUIS VUITTON... nhưng chất lượng sản phẩm bên trong lại rất kém. Dựa vào những chai nước hoa làm giả tinh vi này, người bán đã âm thầm xây dựng mạng lưới hoạt động suốt ba năm tại Thái Lan, chuyên bán buôn số lượng lớn hàng giả, phân phối qua nhiều kênh khác nhau, bao gồm cả bán online và cửa hàng truyền thống.
Cơ quan quản lý Thái Lan đã khởi tố người bán hàng xuyên biên giới này với các tội danh như "đồng phạm phân phối mỹ phẩm chưa đăng ký" và "kinh doanh mỹ phẩm không có nhãn tiếng Thái mà chưa được cấp phép". Toàn bộ tang vật thu giữ cũng đã được chuyển giao cho Đội Cảnh sát Bảo vệ Người tiêu dùng số 4 để xử lý.
Ngoài ra, cảnh sát cũng nhắc nhở đông đảo người tiêu dùng không nên vì ham rẻ mà mua các loại mỹ phẩm hoặc nước hoa chưa được cấp phép lưu hành, vì hàng giả có thể gây hại cho sức khỏe, kích ứng hệ hô hấp, dẫn đến viêm mũi, phát ban dị ứng và nhiều vấn đề khác. Khuyến cáo người dân chỉ nên mua hàng từ những kênh uy tín, đáng tin cậy.
Thực tế, cùng với quá trình siết chặt các quy định thương mại điện tử, việc Thái Lan mạnh tay trấn áp hàng giả, hàng kém chất lượng đã trở thành một hoạt động thường xuyên, và những vụ triệt phá kho hàng giả quy mô lớn như vậy cũng đã diễn ra không ít lần.
Trước đó, Bộ Tài chính Thái Lan từng ra thông báo rằng, các cơ quan chức năng đã đạt được những thành tựu nổi bật trong công tác chống hàng giả. Theo số liệu chính thức, trong năm 2024, tổng giá trị hàng giả và hàng kém chất lượng bị tịch thu tại Thái Lan lên tới 445,92 triệu baht (khoảng 358 tỷ đồng), số vụ điều tra cũng tăng 45,79% so với cùng kỳ năm trước, vượt mốc 30.000 vụ.
Phải thừa nhận rằng, việc đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng không phải chuyện có thể thực hiện trong một sớm một chiều, mà đòi hỏi phải bỏ ra rất nhiều nhân lực và vật lực. Tuy vậy, xét từ góc độ người bán lẫn người tiêu dùng, đây là việc hết sức cần thiết.
Đối với người tiêu dùng, mua phải hàng giả không chỉ đồng nghĩa với việc mất tiền oan, mà còn có thể gây hại cho sức khỏe. Còn đối với người bán, đặc biệt là các thương hiệu lớn, việc hàng giả lưu hành trên thị trường không chỉ làm sụt giảm doanh số sản phẩm chính hãng, mà còn gây tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh thương hiệu.
Theo QQ, Bangkok post
Minh Ánh
Đời sống Pháp luật