Các nhà lãnh đạo nhóm G7 ngày 20/5 nhất trí khởi động sáng kiến mới nhằm chống lại các biện pháp “cưỡng ép kinh tế”, South China Morning Post đưa tin.

1 G7 Ra Sang Kien Doi Pho Cuong Ep Kinh Te

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trả lời báo chí bên lề hội nghị thượng đỉnh G7, ngày 19/5. Ảnh: Kyodo.

Tuyên bố chung về kế hoạch đối phó với các biện pháp cưỡng ép và bảo vệ nền kinh tế của các nước thành viên cùng đồng minh không nhắc đến Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào khác. Dù vậy, thông cáo được đưa ra sau hội nghị khẳng định các nền kinh tế sẽ chung tay giảm phụ thuộc vào Trung Quốc trong các chuỗi cung ứng thiết yếu.

“Chúng tôi sẽ tìm cách đối phó với các thách thức từ chính sách và hành vi phi thị trường của Trung Quốc, điều làm méo mó nền kinh tế toàn cầu”, thông cáo viết. “Chúng tôi sẽ chống lại các hành vi xấu như chuyển giao công nghệ bất hợp pháp hay tiết lộ dữ liệu”.

Trong hội nghị thượng đỉnh tại Hiroshima, Nhật Bản, các nhà lãnh đạo G7 cũng tuyên bố họ không “phân tách” với Trung Quốc nhưng muốn giảm rủi ro trong mối quan hệ.

Ngoài ra, G7 cũng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông. “Chúng tôi mạnh mẽ phản đối mọi nỗ lực đơn phương để thay đổi tình hình bằng vũ lực hoặc cưỡng ép”, thông cáo chung viết.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh đã chuyển lời phản đối “nghiêm khắc” tới G7 và nước chủ nhà Nhật Bản. Theo phía Trung Quốc, các nước này đã “thao túng chương trình nghị sự liên quan đến Trung Quốc và bôi xấu Trung Quốc”.

Theo: ZING.VN




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC