Sau thông tin được tiết lộ gần đây về hành động chung giữa Mỹ và Nhật Bản nếu Ðài Loan “có biến”, giới quan sát dự đoán kế hoạch này chắc chắn bị Trung Quốc và Nga phản đối quyết liệt.

 1 Nga Trung Canh Giac Truoc Thong Diep Tu My Nhat

Hải quân Nga và Trung Quốc trong cuộc tập trận chung trên Biển Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Hãng thông tấn Kyodo News mới đây dẫn các nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản tiết lộ Tokyo và Washington đã soạn thảo phương án hành động một khi Ðài Loan xảy ra “biến cố bất ngờ”. Theo đó, thủy quân lục chiến Mỹ sẽ lập căn cứ tác chiến tạm thời dọc theo chuỗi đảo Nansei nằm ở Tây Nam nước Nhật. Lầu Năm Góc có thể điều binh sĩ đến đây khi cần thiết và không loại trừ khả năng triển khai hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao; trong khi lực lượng phòng vệ Nhật Bản đảm nhiệm vai trò hậu cần, hỗ trợ cung cấp đạn dược và nhiên liệu cho các căn cứ, hoạt động của quân đồng minh. Kyodo News còn cho hay, cuộc họp “2+2” diễn ra vào ngày 7-1 tới giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước tại Washington sẽ “chính thức hóa” kế hoạch trên.

Thông tin được tiết lộ giữa thời điểm Tokyo ngày càng quan tâm đến tình hình xung quanh đảo Ðài Loan. Cuối năm ngoái, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người có ảnh hưởng lớn trong đảng cầm quyền, khẳng định bất kỳ kịch bản nào xảy ra cho Ðài Loan đều là “tình huống khẩn cấp” đối với liên minh Mỹ - Nhật. Chính quyền người kế nhiệm Fumio Kishida cũng có các động thái như phát đi tín hiệu về việc cân nhắc các lựa chọn và chuẩn bị cho “những kịch bản khác nhau” ở Ðài Loan. Gần đây, Tokyo liên tục củng cố năng lực quân sự, bao gồm khả năng tấn công căn cứ của đối phương. Quốc hội Nhật Bản cũng vừa thông qua ngân sách quốc phòng lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai.

Nga - Trung theo dõi chặt chẽ

Ðối với các động thái trước đây của Nhật Bản, giới quan sát cho biết Trung Quốc và Nga dường như không quá e ngại vì cả hai vốn còn chờ xem liệu Tokyo có thực hiện bước đi lớn tiếp theo hay không: Sửa đổi hiến pháp để mở rộng vai trò của quân đội. Nhưng sau thông tin về việc Mỹ - Nhật có ý lập căn cứ tấn công ở cửa ngõ vào Thái Bình Dương, các nhà phân tích dự đoán Mát-xcơ-va và Bắc Kinh chắc chắn “phản ứng dữ dội”.

Mối quan tâm đầu tiên là khả năng tên lửa Mỹ triển khai ở Nhật. Trước đó, Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo họ “không đứng yên” nếu Washington đưa tên lửa đất đối không tới châu Á. Riêng với Nga, nước này và Nhật vẫn đang tranh chấp quần đảo Kuril. Ðây cũng là nguyên nhân khiến hai nước về mặt kỹ thuật chưa chính thức kết thúc tình trạng chiến tranh trong Thế chiến thứ hai. Với khả năng Mỹ đưa tên lửa tới chuỗi đảo Nansei, Nga có thể coi đây là bước đầu cho kế hoạch tương tự trên quần đảo Kuril nếu chúng được trao trả cho Tokyo. Diễn biến này sẽ tạo ra mối đe dọa quân sự trực tiếp với Mát-xcơ-va, do quần đảo Kuril nằm ở khu vực Ðông Thái Bình Dương chiến lược, nơi hải quân Nga đang đối đầu với các chiến hạm của Mỹ và đồng minh.

Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tế địa chính trị, bất kỳ sự hồi sinh nào đối với năng lực của quân đội Nhật Bản giờ đây đều liên quan chiến lược Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương mà Mỹ đang triển khai nhằm giữ vững vị thế trước Nga - Trung. Trong bối cảnh này, giới phân tích cho rằng Mát-xcơ-va có thể tiếp tục thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh khi ngày càng nhận rõ sự đồng thuận về lợi ích.

Tăng cường hợp tác đối phó Mỹ

Những năm gần đây, khi Trung Quốc và Nga ngày càng mâu thuẫn hơn với Mỹ, lãnh đạo hai bên cũng trở nên thân thiết hơn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là “người bạn tốt nhất” của mình. Tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sau đó xác nhận ý định của Bắc Kinh về việc duy trì quan hệ đôi bên cùng có lợi với Mát-xcơ-va. Về phần Ðiện Kremlin, ông Putin trong cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Trung Quốc hồi giữa tháng 12-2021 nói rõ mối quan hệ song phương là mô hình hợp tác thực sự trong thế kỷ 21. Trước đó, Bộ trưởng quốc phòng hai nước đã nhất trí hợp tác Nga - Trung là yếu tố cần thiết đối với ổn định toàn cầu.

Trong năm 2021, quân đội hai bên đã tăng cường hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những đột phá mới trong lĩnh vực tập trận và huấn luyện chung. Ðáng chú ý, trong đợt diễn tập vào tháng 10, hai cường quốc lần đầu tiên cùng điều tàu chiến đi qua eo biển Tsugaru để tiến vào Thái Bình Dương. Dù không xâm phạm lãnh hải của Nhật Bản, nhưng đây giống như tín hiệu cảnh báo, rằng họ có thể tạo ra những thách thức đối với đồng minh của Mỹ. 

MAI QUYÊN (Theo eurasiareview)

Nguồn: baocantho.com.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC