Theo một cuộc thăm dò dư luận hôm 1/5, nhiều người Anh cho biết họ không yên tâm khi ra khỏi nhà của mình ngay cả khi chính phủ ra lệnh dỡ bỏ biện pháp phong toả nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan.

Theo hãng tin Reuters (Anh), nước Anh đã thực hiện phong toả từ hôm 23/3. Thủ tướng Boris Johnson hôm 30/4 tuyên bố nước này đã vượt qua đỉnh dịch và cam kết trong tuần tới sẽ đưa ra kế hoạch nới lỏng hạn chế, cho phép người dân trở lại cuộc sống thường ngày.

Tuy nhiên, một cuộc thăm dò của Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos Mori cho thấy hơn 60% người được hỏi không thoải mái khi quay lại các quán bar, nhà hàng, sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc đến các đám đông lớn như một sự kiện thể thao.

42 1 Nguoi Anh So Khong Dam Ra Khoi Nha Ngay Ca Khi Lenh Phong Toa Vi Covid 19 Duoc Do Bo

Trên 40% người được khảo sát cho biết họ phải đến các cửa hàng hoặc cho con đi học một cách miễn cưỡng. Trên 30% số người được hỏi cảm thấy lo lắng khi quay lại làm việc hoặc gặp gỡ bạn bè.

Dữ liệu thăm dò cũng cho thấy đại đa số người Anh đang tuân thủ biện pháp phong toả không phải do chính phủ ra yêu cầu mà vì họ không muốn lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

“Thật sự điều này rất đáng lo ngại. Nghiên cứu của chúng tôi đã cho thấy người dân Anh vô cùng lo lắng về vấn đề dỡ bỏ lệnh phong toả và họ không muốn ra ngoài”, ông David Spiegelhalter, một nhà thống kê tại Đại học Cambridge, chia sẻ.

Ông cho rằng có thể hiểu được khi người già và những người dễ bị tổn thương tự bảo vệ mình khỏi sự lây lan của virus. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là những người trẻ tuổi có rủi ro mắc bệnh thấp hơn cũng có ý thức tự bảo vệ mình.

“Nhiều người chắc chắn đã quá lo lắng về nguy cơ mắc bệnh và tác hại của dịch bệnh nếu họ nhiễm virus SARS-CoV-2. Chúng tôi cần phải có một chiến dịch để khuyến khích những người có nguy cơ thấp ra khỏi nhà và bắt đầu trở lại cuộc sống hàng ngày khi có thể”, ông Spelelterter nói và cho rằng chính phủ nên giáo dục công chúng và phân loại dân số thành các nhóm có rủi ro mắc bệnh khác nhau.

Trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi bình phục, Thủ tướng Johnson cam kết trong tuần tới sẽ đưa ra “một loạt lựa chọn” về việc nới lỏng các lệnh phong tỏa. Tuy nhiên, ông khẳng định bất cứ thay đổi nào cũng sẽ dựa trên dữ liệu và cố vấn khoa học. Ông kêu gọi người dân Anh tiếp tục tuân thủ các quy định hiện hành để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Tính đến ngày 1/5, Anh ghi nhận 171.253 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2. Nước này hiện có số ca thiệt mạng do COVID-19 cao thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Italy, với xấp xỉ 27.000 người qua đời.

Cho đến thời điểm hiện tại, Anh chỉ công bố số ca thiệt mạng của các bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 tại các bệnh viện, do đó, có nhiều lo ngại số ca thiệt mạng do COVID-19 trên thực tế ở Anh còn vượt quá con số trên.

Chính phủ Anh đang đứng giữa áp lực kiểm soát dịch bệnh và khởi động trở lại nền kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ của Thủ tướng Johnson cũng bị chỉ trích vì sự chậm trễ hơn so với hầu hết các nước châu Âu khác trong việc thực hiện phong tỏa chống dịch.

 

Hải Vân

Nguồn: Báo Tin tức




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC