Một lao động Campuchia làm việc tại chợ ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Standard
Thủ tướng Campuchia Hun Manet ngày 24/7 đăng thông điệp trên Facebook, kêu gọi người dân Campuchia đang sinh sống, học tập, làm việc tại Thái Lan quay về nước nếu họ phải "chịu áp lực phân biệt đối xử" khi hai quốc gia láng giềng nổ ra xung đột vũ trang ở biên giới.
Quân đội Campuchia và Thái Lan sáng 24/7 nổ súng ở khu vực gần đền cổ Ta Moan Thom tại khu vực tranh chấp. Đụng độ sau đó leo thang và lan sang các khu vực biên giới khác, khi lực lượng hai bên sử dụng vũ khí hạng nặng, trong đó có pháo phản lực BM-21 và tiêm kích F-16 để tập kích nhau.
Giao tranh nổ ra giữa hai nước sau thời gian dài căng thẳng đã tác động lớn đến cộng đồng người Campuchia ở Thái Lan, với số lượng ước tính khoảng 1,5 triệu người, trong đó số lao động nhập cư là khoảng 500.000, theo Bộ Lao động Thái Lan.
Vài giờ sau khi đụng độ nổ ra, truyền thông Thái Lan ghi nhận trường hợp một người Campuchia làm việc tại tỉnh Chanthaburi đã bị người địa phương hành hung, gây ra nỗi lo lắng về an ninh, an toàn của cộng đồng này.
Lao động Campuchia tên Bon Thongteem, 24 tuổi, trên đường về nhà sau ca làm tại lò mổ thì bị một ôtô chặn đường. Hai thanh niên bước xuống xe và hỏi: "Anh là người Campuchia à?".
Khi Thongteem trả lời: "Phải", hai người này lập tức lao vào hành hung rồi lái xe bỏ đi. Lực lượng cứu nạn được điều đến hiện trường. Thongteem bị rách mặt, bầm tím toàn thân nhưng từ chối đến bệnh viện, nên đội cứu nạn chỉ sơ cứu tại chỗ.
Người dân sơ tán khỏi vùng giao tranh tại biên giới Thái Lan - Campuchia ngày 25/7. Ảnh: AFP
Trang Facebook của chính quyền quận Warin Camrap, tỉnh Ubon Ratchathani, Thái Lan, cuối ngày 24/7 đăng tâm thư của một du học sinh Campuchia, bày tỏ quan ngại sâu sắc về cuộc xung đột, cũng như tương lai quan hệ hai nước.
"Tôi là du học sinh từ Campuchia, sống và học tập tại Đại học Ubon Ratchathani gần một năm nay. Thực lòng, mọi thứ ở đây đều tuyệt vời. Tôi cảm nhận được sự tốt bụng, hào sảng của người Thái mỗi ngày. Mọi người động viên, hỗ trợ bất cứ nơi nào tôi đến, giúp tôi học tiếng Thái, đón nhận văn hóa", du học sinh giấu tên giới thiệu.
"Nhưng kể từ khi xung đột bùng phát, cảm xúc của tôi trở nên nặng nề. Tôi thấy buồn theo một cách chưa từng cảm thấy như vậy trước đây. Tôi lo lắng mỗi ngày, về tương lai, về cách mọi người nhìn nhận mình. Và tôi bắt đầu tự hỏi: Liệu người Thái có ghét bỏ chỉ vì mình là người Campuchia không?", du học sinh này viết.
Sinh viên gốc Campuchia nói việc phải suy nghĩ vậy khiến anh đau lòng, do bản thân không coi Thái Lan chỉ là một đất nước xa lạ, mà như quê hương thứ hai của mình từ ngày đầu tiên.
"Tôi chưa bao giờ có ý đồ xấu hay có mục đích nào khác ngoài mong muốn sống, học hỏi, tôn trọng mọi thứ thuộc về Thái Lan. Giờ đây, khi tình hình căng thẳng, tôi cảm thấy mình là một người Campuchia đơn độc", anh bày tỏ.
"Nhưng bất chấp nỗi sợ và nỗi lo bất định, tôi vẫn tin vào hòa bình, vào lòng tốt của con người. Tôi hy vọng bằng cả trái tim rằng hai bên sẽ chọn đối thoại thay vì tiếp tục xung đột", du học sinh kết thư.
Lá thư của du học sinh Campuchia lan truyền trên mạng xã hội, phản ánh tác động người dân phải gánh chịu khi kẹt giữa hai quốc gia trong giai đoạn căng thẳng. Nhiều người đã bày tỏ cảm thông với du học sinh, bình luận rằng anh vẫn an toàn và được chào đón ở Thái Lan.
Về phần mình, dù bị hành hung, Thongteem khẳng định luôn yêu quý đất nước, con người Thái Lan, và đến đây làm việc lương thiện. Trên mạng xã hội, nhiều người Thái Lan đã thể hiện nỗi phẫn nộ về vụ hành hung những lao động nhập cư người Campuchia.
"Hãy biết phân biệt, đừng vơ đũa cả nắm và suy nghĩ hợp tình hợp lý. Hãy nghĩ đến những người Thái đang ở Campuchia", một người dùng mạng bình luận.
Tuy nhiên, Thongteem cho biết sẽ trở về Campuchia trong hôm nay, do không còn cảm thấy an toàn và không dám tiếp tục ở lại Thái Lan khi tình hình tiếp tục diễn biến căng thẳng. Nhưng nếu quan hệ hai nước dịu đi trong tương lai, anh vẫn muốn quay lại Thái Lan làm việc.
Đức Trung (Theo Khaosod, Thai Rath, Nation)
Nguồn: VNEXPRESS.NET