Sau khi nhiều nghị sĩ đệ đơn đòi trục xuất đại sứ Mỹ, thêm nghị sĩ của Đức đã thẳng thắn yêu cầu NATO giải tán càng sớm càng tốt.

42 1 Bao Dong Do Duc Ngay Cang Chan Ghet My

Đức muốn cùng Pháp lập quân đội chung châu Âu thay NATO

Nghị sĩ Đức Alexander Neu cho biết: 

"Nhìn vào kỷ niệm 70 năm thành lập NATO không phải để chúc mừng, mà là để suy nghĩ lại trước khi mọi thứ trở lên quá muộn.

Khối quân sự do Mỹ đứng đầu này là hiểm họa của toàn cầu, nó đã phá hoại mọi luật lệ quốc tế một cách có hệ thống, bài bản. Đức nên rời khỏi đó càng sớm càng tốt" - Nghị sĩ Neu cho biết.

Theo quan điểm của nghị sĩ này NATO đã bộc lộ bộ mặt thật của mình khi tiến hành cuộc chiến tranh Nam Tư mà chưa được Liên Hợp Quốc thông qua, và vô số lần can thiệp vào tình hình nội bộ của các quốc gia có chủ quyền trên thế giới với vỏ bọc "bảo vệ những nạn nhân bị chà đạp".

Chỉ trong năm 2018, các quốc gia NATO đã chi hơn 1.000 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng. Số tiền này vượt xa khoản chi quốc phòng của cả Nga và Trung Quốc cộng lại - những nước mà NATO cho là "kẻ thù nguy hiểm nhất".

Trước đó, một tập thể các nghị sĩ của Đức đã gửi đơn yêu cầu tổ chức một cuộc bỏ phiếu trong Quốc hội để trục suất đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell. Người Đức cho rằng Grenell đã lộng ngôn và can thiệp sâu vào các quyết sách của nước Đức.

Mối quan hệ Mỹ và Đức vốn tương đối êm đềm thời Tổng thống Barack Obama đã không còn tồn tại kể từ khi ông Donald Trump lên nắm quyền. Những lời chỉ trích đã liên tiếp được ông Trump chĩa vào phía Berlin.

Thậm chí, Mỹ đã từng đe dọa sẽ rút khỏi NATO vì "nhiều quốc gia thành viên học tập Đức không gia tăng chi tiêu quốc phòng".

Đáp lại, tại Hội nghị An ninh Munich hồi tháng 2/2019, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh báo kết thúc thời kỳ Berlin và Washington có thể tin tưởng lẫn nhau và "châu Âu cần tự nắm lấy vận mệnh của mình".

42 2 Bao Dong Do Duc Ngay Cang Chan Ghet My

Quân lính Đức trong một cuộc tập trận chung khối NATO

Hai bên hiện vẫn đang có nhiều tranh cãi, chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực thương mại, chính sách dân tị nạn và nhập cư, lập trường đối với việc liên kết của châu Âu, về NATO, quản lý thế giới,...

Thứ nhất, mặc dù Đức là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Mỹ và ngược lại, nhưng Tổng thống Trump lại luôn tỏ ra bất bình đối với Berlin trong vấn đề chính sách thương mại và nhập siêu, nhiều lần chỉ trích Đức, gây ra tranh cãi quyết liệt giữa hai nước.

Trong khi nhà lãnh đạo này theo chủ nghĩa bảo hộ thương mại thì Đức kiên quyết chủ trương thương mại tự do, cho rằng chính sách bảo hộ thương mại của người đứng đầu Nhà Trắng sẽ làm cho kinh tế hai nước trả giá bằng tăng trưởng trì trệ và giảm sút việc làm, cũng làm lung lay hệ thống của thị trường thương mại tự do.

Thứ hai, tranh cãi về chính sách dân tị nạn và nhập cư, giữa Đức và Mỹ có bất đồng nghiêm trọng trong vấn đề đối xử thế nào với nhiều dân di cư ở Trung Đông.

Sau khi ông Trump lên nắm quyền, ông liên tiếp ký các sắc lệnh hành chính, tạm thời cho ngừng nhập cảnh dân tị nạn, ngừng cấp visa cho đông đảo công dân 7 quốc gia Tây Á và Bắc Phi.

Trái ngược lại, từ khi bùng nổ cuộc khủng hoảng dân tị nạn năm 2015, bà Merkel lại quyết định mở cửa biên giới, đón nhận rất nhiều dân tị nạn đến từ khu vực Trung Đông, đồng thời cho biết không thể hạn chế trong việc tiếp nhận dân tị nạn. Tổng thống Mỹ đã chỉ trích chính sách này là quá cởi mở và ngu ngốc khiến Đức rơi vào thảm họa.

Tranh cãi giữa hai nước về chính sách đối với dân tị nạn thể hiện rõ sự khác biệt về quan niệm giá trị giữa hai nước: Mỹ coi trọng nhiều hơn lợi ích thực tế, còn Đức coi trọng trách nhiệm đạo đức do nguyên nhân lịch sử.

Thứ ba, về việc liên kết của châu Âu, Tổng thống Mỹ đã công khai ca ngợi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), gọi đây là một phong trào thành công, là một "sự kiện vĩ đại và thông minh" của người dân muốn tìm lại sự đồng thuận của họ, đồng thời coi việc này là do quản lý biên giới lỏng lẻo của EU và làn sóng người tị nạn kéo đến quá đông.

Chưa dừng lại ở đó, người đứng đầu Nhà Trắng thậm chí còn dự báo, nếu cuộc khủng hoảng dân tị nạn không được giải quyết ổn thỏa, một trong những hâu quả sẽ là rất nhiều quốc gia sẽ đi theo Anh, lựa chọn rút khỏi EU.

Hành động cũng như tuyên bố của ông Trump là hoàn toàn trái ngược với thái độ và chính sách liên kết châu Âu của Đức.

Thứ tư là vấn đề hợp tác với Nga. Đức bảo lưu quan điểm làm ăn kinh tế với Moscow và phi mục đích chính trị với dự án Nord Stream 2.

Tuy nhiên Mỹ đang tìm cách cô lập Berlin để đảm bảo dự án này bị hủy hoại. Thay vào đó, Mỹ muốn trở thành nhà cung cấp khí hóa lỏng lớn nhất cho thị trường châu Âu.

Washington đã nhiều lần gây sức ép lên Berlin, đặc biệt đe dọa áp thuế vào mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đức sang Mỹ là ô tô, ngoài ra đe dọa cấm chia sẻ thông tin tình báo...

Những mâu thuẫn này cùng với quan điểm của các nghị sĩ Đức nêu trên đã đặt ra một báo động đỏ cho mối quan hệ hai nước.

Nguồn: Đỗ Tú/ Baodatviet.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC