Trong khi một số hãng xe như Tesla, Volvo đã tiên phong phát triển xe hơi điện thì các "ông lớn" trong ngành công nghiệp ô tô Đức như Daimler, Volkswagen vẫn đang loay hoay tìm phương hướng cho tương lai.

 

Nếu chậm chân, các hãng xe và các hãng sản xuất linh kiện xe của Đức có thể đứng trước nguy cơ thoái trào như cách mà hãng điện thoại Nokia bị “hạ đo ván” bởi Apple,Samsung...

Chậm chân, ngành ô tô Đức đứng trước mối đe dọa sống còn - 0

Dieter Zetsche, Giám đốc điều hành hãng xe Daimler giới thiệu xe điện thương hiệu Mercedes Benz EQ tại một cuộc triển lãm ô tô ở Paris, Pháp vào tháng 9-2016. Ảnh: Reuters

Bị tụt lại đằng sau

Hôm 28-7, hãng xe điện Telsa chính thức giao xe điện Model 3, dòng xe điện rẻ nhất của Tesla cho đến nay, cho 30 khách hàng đầu tiên. Với mức giá khởi điểm 35.000 đô la Mỹ, xe điện Model 3 đang nhận được sự quan tâm của đông đảo khách hàng. Tesla cho biết hơn nửa triệu khách hàng đã đặt cọc để mua xe điện Model 3.

Tại một cuộc họp báo mới đây ở thành phố Stuttgart, Đức, nơi động cơ đốt trong ra đời, Dieter Zetsche, Giám đốc điều hành hãng xe Daimler tươi cười khi ông đứng bên chiếc xe điện thương hiệu Mercedes Benz EQ để cánh phóng viên chụp ảnh sau cuộc gặp với các nhà chính trị để thảo luận về tương lai ngành công nghiệp ô tô Đức.

Song chiếc xe hơi điện Mercedes-Benz chỉ là xe mô hình mới được bốn nhân viên kéo vào để chụp ảnh. Xe điện Mercedes EQ sẽ không lăn bánh trên đường cho đến cuối thập kỷ này.

Trong khi đó, hãng xe Porsche, công ty con của Volkswagen cũng đang bắt tay sản xuất xe điện thể thao có tên gọi Mission E nhưng dự kiến đến năm 2020, dòng xe này mới chính thức xuất hiện trên thị trường.

Đó là các dấu hiệu cho thấy Đức, cái nôi của ngành công nghiệp ô tô, đã chậm chân đón nhận xu thế xe hơi điện và công nghệ liên quan khi các hãng xe nước này vẫn chưa thể đoạn tuyệt hoàn toàn với các dòng xe động cơ đốt trong đã giúp Đức thịnh vượng vào thời kỳ hậu chiến tranh thế giới thứ hai, theo Reuters.

“Trung Quốc đã thống lĩnh thị phần sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời. Hãng xe Tesla (Mỹ) đang dẫn đầu trong cuộc đua sản xuất xe hơi điện và nước Đức đã thua trước Google, Apple và các hãng công nghệ khác trong vòng đấu đầu tiên của số hóa”, Winfried Kretschmann, Thủ hiến bang Baden-Württemberg, nơi đặt trụ sở của hãng xe Daimler, thừa nhận.

“Liệu trong tương lai Đức có còn là một nền kinh tế công nghiệp hay không sẽ phụ thuộc vào việc liệu chúng ta có thể quản lý sự chuyển dịch sang số hóa và hệ sinh thái của nền kinh tế chúng ta hay không”, ông Kretschmann nói tiếp.

Nỗi bất an lan rộng

Chậm chân, ngành ô tô Đức đứng trước mối đe dọa sống còn - 1

Elon Musk, Giám đốc điều hành hãng xe Tesla, lái xe điện Model 3 ra sân khấu tại một sự kiện ở thành phố Fremont, bang California tối 28-7. Ảnh: NPR

Mặc dù xuất khẩu xe hơi của Đức vẫn đang bùng nổ và ngành công nghiệp ô tô nước này đang sử dụng một lực lượng lao động khổng lồ, gần đây, có một nỗi bất an bắt đầu xuất hiện, ít nhất là trên báo chí. Tuần báo Die Zeit đặt câu hỏi: “Liệu xe hơi Đức đã hết thời?” hoặc tạp chí Sterncũng đăng bài viết với tựa đề “Nỗi sợ ở đất nước xe hơi”.

Những nỗi sợ như vậy ngày càng dâng cao kể từ khi vụ bê bối gian lận khí thải của hãng xe Volkswagen nổ ra vào năm 2015.

Song nỗi bất an này vượt ra khỏi ngành công nghiệp ô tô và lan sang cả nền kinh tế rộng lớn của Đức. Các nhà chính trị lo ngại Đức không đầu tư đầy đủ cho công nghệ và cơ sở hạ tầng mới.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã xem kế hoạch đưa Đức bước vào kỷ nguyên số hóa là một phần quan trọng trong cuộc vận động cho các cuộc bầu cử quốc gia vào ngày 24-9 tới. Bà cam kết thúc đẩy mạnh chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển

“Tôi tin tưởng vững chắc rằng số hóa không có nghĩa là chúng ta sẽ có ít việc làm hơn trên thực tế. Tuy nhiên, nếu các việc làm bị mất đi không được thay thế bằng các việc làm mới trong lĩnh vực quản lý dữ liệu thì chúng ta sẽ gặp phải các vấn đề”, bà Merkel nói vào tháng trước.

Bà Merkel nhận thức được các rủi ro đối với ngành công nghiệp ô tô Đức khi lưu ý rằng chỉ có một công ty duy nhất trên thế giới trong số nhiều công ty sản xuất xuất xe ngựa có thể tự thay đổi để thích nghi với tình hình mới và tồn tại cho đến ngày nay khi kỹ sư người Đức Karl Benz phát minh ra chiếc xe hơi đầu tiên cách đây 131 năm.

Đó là hãng Studebaker của Mỹ, được thành lập năm 1852, hiện đang sản xuất xe ngựa lẫn ô tô.

“Chúng ta phải quản lý chuyển động của ngành công nghiệp ô tô ngày nay hướng tới thế hệ xe hơi mới của thế kỷ 21 tốt hơn sự chuyển dịch từ xe ngựa sang xe hơi”, bà Merkel, nói trong một bài phát biểu vào tháng 1-2017.

Vào tháng 5-2017, bà Merkel nói rằng Đức cần phải làm nhiều hơn nữa để đầu tư nghiên cứu pin khi bà dự lễ động thổ nhà máy sản xuất pin lithium-ion trị giá 562 triệu đô la Mỹ của hãng xe Daimler ở thị trấn Kamenz.

Đức đã tụt lại đằng sau trong lĩnh vực phát triển pin, vấn đề trọng tâm của xe hơi điện và cũng chậm xây dựng các trạm sạc điện cho xe hơi đồng thời từ bỏ mục tiêu sản xuất một triệu xe hơi điện vào năm 2020.

Đức cần phải chi 50-80 tỉ euro cho cơ sở hạ tầng xe hơi điện, Rolf Bulander, một thành viên hội đồng quản trị của hãng sản xuất linh kiện ô tô Bosch, nói.

Công nhân lo lắng

Vào tháng 3-2017, Daimler cho biết bằng khoản đầu tư 10 tỉ euro, hãng này đang tăng tốc chương trình phát triển xe hơi điện với mục tiêu giới thiệu hơn 10 dòng xe hơi điện mới ra thị trường vào năm 2020.

Trong một video gửi cho các nhân viên của Daimler, ông Zetche nói:

“Hướng vận động của xe hơi điện cũng gần giống như chuyển động của tương cà chua trong chai. Các bạn biết nó đang chảy ra nhưng không biết khi nào chảy ra và chảy ra nhiều đến mức nào”, ông nói khi cố lắc chai tương cà chua để nước tương chảy ra một dĩa khoai tây chiên.

“Tôi tin rằng đây là thời điểm để nhảy vào thị trường xe hơi điện”, ông nói.

Tại nhà máy sản xuất xe hơi Mercedes-Benz của Daimler bên ngoài Stuttgart, công nhân vẫn lo lắng về tương lai việc làm của họ. Vào tháng 7-2017, họ từ chối làm việc quá giờ để sản xuất xuất linh kiện cho xe hơi điện tại nhà máy.

“Tương lai ở đây gắn chặt với tương lai của cơ cấu truyền động. Đó là lý do tại sao quyết định mở đường cho tương lai bắt đầu từ hôm nay trở nên quan trọng”, Wolfgang Nieke, Chủ tịch công đoàn của nhà máy nói.

Nhà máy này, nơi 19.000 công nhân đang sản xuất động cơ, trục bánh xe và hệ thống xử lý khí thải cho hơn một triệu xe hơi mỗi năm, là một trong những nhà máy lâu đời nhất của Daimler, nơi thương hiệu Mercedes-Benz được thành lập cách đây hơn 100 năm.

Frank Deiss, Giám đốc nhà máy, cho rằng công nhân không nên lo sợ bị cắt giảm việc làm vì Daimler vẫn kỳ vọng nhu cầu động cơ đốt trong vào năm 2025 cao hơn hiện nay dù xe hơi điện sẽ chiếm 20% doanh số của dòng xe Mercedes vào lúc đó.

Sau các cuộc đàm phán căng thẳng với công nhân, đầu tháng 7 vừa qua, Daimler quyết định sản xuất linh kiện xe hơi điện và pin tại nhà máy này.

Song mối lo lắng cũng len lỏi đến các hãng xe khác của Đức.

“Nhiều công nhân ở các nhà máy đang hỏi rằng tại sao chúng ta phải dừng sản xuất những thứ đã giúp chúng ta thành công? Có một nỗi sợ về tương lai vì họ biết rằng xu thế chuyển sang xe hơi điện đồng nghĩa với việc việc làm sẽ ít hơn ở Đức.

Chúng ta xác định rõ với họ rằng nếu chúng ta không bước trên con đường chông gai và gập ghềnh này, tương lai thậm chí sẽ còn xấu hơn rất nhiều”,  Thomas Steg, Giám đốc đối ngoại và quan hệ chính phủ của hãng xe Volkswagen, nói.

Nguy cơ thoái trào như Nokia

Viện Nghiên cứu kinh tế Ifo ở München(Đức) cảnh báo hơn 600.000 việc làm có thể bị đe dọa ở Đức nếu một lệnh cấm bán xe động cơ đốt trong vào năm 2030 theo đề xuất của đảng Xanh của Đức.

Đức đối phó như thế nào mối đe dọa này còn tùy thuộc vào sự chuyển đổi diễn ra nhanh ở mức nào, theo IG Metall, công đoàn ngành kim khí Đức với hơn 500.000 công nhân trong ngành công nghiệp ô tô.

Frederic Speidel, Trưởng ban chiến lược công đoàn IG Metall, cho rằng ngành công nghiệp ô tô có thể thích nghi nếu thay đổi diễn ra dần dần trong 10-15 năm tới khi nhiều công nhân thế hệ sinh vào thập kỷ 1940-1960 đến tuổi về hưu vào lúc đó và những công nhân mới có thể được đào tạo lại.

Tuy nhiên, đó chỉ là khoảng thời gian dự liệu không chắc chắn, đặc biệt khi giá xe hơi điện chuẩn bị giảm nhanh nhờ các hãng xe tăng tốc sản xuất hàng loạt và chi phí sản xuất pin giảm. Một số chuyên gia dự báo chi phí sản xuất xe hơi điện sẽ giảm mức ngang bằng với chi phi sản xuất xe động cơ đốt trong vào năm 2022.

Trong khi các hãng xe như Daimler Porsche hy vọng có thể bắt kịp và hưởng lợi xu thế xe điện thì đối với các hãng sản xuất linh kiện cho xe động cơ đốt trong, đó là lại mối đe dọa sống còn. Christian Hochfeld, Giám đốc phụ trách mảng vận tải của tổ chức tư vấn Agora Energiewende ở Berlin (Đức) ghi nhận áp lực đang gia tăng.

“Chúng ta biết rằng các công ty ở đỉnh cao của thành công cũng có thể biến mất khỏi thị trường giống như trường hợp của hãng điện thoại Nokia”, ông cảnh báo.

Nguồn: Chánh Tài - THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC