Tranh luận về hành động bạo lực chống dân nhập cư trong các cuộc biểu tình của phe cực hữu tại miền đông nước Đức mới đây, rất có thể khiến lãnh đạo cơ quan an ninh nội địa của nước này mất chức.

42 1 Duc  Phu Nhan Co Bao Luc Trong Bieu Tinh Lanh Dao An Ninh Co Nguy Co Mat Chuc

Ông Hans-Georg Maassen, lãnh đạo cơ quan an ninh nội địa Đức (Ảnh chụp ngày 24/07/2018).

Hôm 12/09/2018, ông Hans-Georg Maassen phải ra điều trần trước Quốc Hội. Nhiều người kêu gọi lãnh đạo cơ quan an ninh từ chức, sau khi ông nghi ngờ tính xác thực của một đoạn video, được truyền thông đưa ra làm bằng chứng. Trước đó, thủ tướng Đức cũng như một số chính trị gia khác khẳng định đã có các hành động bạo lực.

Thông tín viên Pascal Thibaut tường trình từ Berlin :

Liệu ông Hans-Georg Maassen có giữ được đầu hay không ? Lãnh đạo cơ quan an ninh chắc chắn đã chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng cho buổi điều trần trước hai ủy ban của Quốc Hội Đức. Các nghị sĩ, đặc biệt là phe đối lập, cũng trong tư thế sẵn sàng. Nhiều nhân vật quan trọng của phe Xã Hội Dân Chủ đòi ông phải ra đi. Phía đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo cũng có nhiều người đồng quan điểm.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn cuối tuần trước, lãnh đạo Cơ Quan Bảo Vệ Hiến Pháp (tên gọi chính thức) đã tỏ ý nghi ngờ về tính xác thực của một đoạn video về các cuộc biểu tình chống nhập cư tại Chemnitz (hồi cuối tháng 8), trong đó người ta thấy nhiều người nước ngoài bị truy đuổi.

Phát biểu của lãnh đạo cơ quan an ninh tỏ ra mâu thuẫn với nhận định trước đó của chính thủ tướng Angela Merkel, lên án bạo lực tại Chemnitz. Việc một công chức lên tiếng nói ngược lại thủ tướng chính phủ là điều rất hiếm khi xảy ra (ông Hans-Georg Maassen vốn được sự ủng hộ của cấp trên, bộ trưởng Nội Vụ).

Hai người đều có chung quan điểm phê phán chính sách nhập cư trước đây của thủ tướng Merkel.

Kể từ sau phát biểu nói trên, lãnh đạo cơ quan an ninh nội địa Đức đã tìm cách sửa chữa, ông thừa nhận đoạn video nói trên là xác thực. Ngược lại, Hans-Georg Maassen trách cứ báo giới đã bất cẩn, khi phổ biến quá vội vã video này.

Ông Hans-Georg Maassen cũng bị chỉ trích về các quan hệ mập mờ với đảng cực hữu AfD (Vì một nước Đức khác). Người ta đặt câu hỏi là các cuộc gặp gỡ của đương sự với các lãnh đạo đảng AfD cần được coi là những tiếp xúc thông thường với các lãnh đạo chính trị, hay đã đi xa hơn ?

Nguồn: Trọng Thành/ RFI




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC