EU đã đóng băng khoảng 200 tỉ euro tài sản Ngân hàng Trung ương Nga nắm giữ tại EU. Đây là một phần trong các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Nga, nhằm phản đối "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine từ tháng 2-2022.

Ngày 21-5, Liên minh châu Âu (EU) phê duyệt việc dùng lợi nhuận từ tài sản Ngân hàng Trung ương Nga để vũ trang cho Ukraine, giữa lúc Mỹ kêu gọi một kế hoạch tham vọng hơn.

1 Eu Chinh Thuc Phe Chuan Viec Dung Loi Nhuan Tu Tai San Nga Cho Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock gặp gỡ tại Kiev (Ukraine) ngày 21-5 - Ảnh: REUTERS

Việc EU dùng tài sản Nga để hỗ trợ vũ khí cho Ukraine là chủ đề gây tranh cãi. Nội bộ EU trước đây đã cân nhắc kỹ trước quyết định này, trong khi Nga nhiều lần cảnh báo sẽ đáp trả nếu kế hoạch trên được thực hiện.

Khi phê chuẩn động thái trên, EU hy vọng sẽ mang tới 3 tỉ euro mỗi năm để giúp Ukraine chống lại Nga. Cuộc xung đột Ukraine - Nga đã kéo dài tới năm thứ ba, và hiện Kiev đang gặp nhiều bất lợi cũng như thiếu hụt vũ khí, nhân sự.

Hiện nay khoảng 90% tài sản trên ở EU đang được giữ tại Công ty dịch vụ tài chính Euroclear, trụ sở ở Bỉ. Theo kế hoạch của EU, 90% lãi suất của số ấy sẽ được chuyển tới một quỹ trung tâm, dùng để trả tiền cho vũ khí viện trợ Ukraine, và 10% còn lại được đưa vào ngân sách tái thiết.

Đã mất nhiều tháng tranh cãi, EU mới phê duyệt kế hoạch này. Trong khi đó, Mỹ và Anh được cho đang cố gắng thúc đẩy một kế hoạch khác tại nhóm các nền kinh tế G7.

Theo kế hoạch này, Anh và Mỹ muốn có một khoản vay chừng 50 tỉ USD, vốn được hỗ trợ bằng các khoản lợi nhuận trong tương lai từ các tài sản của Nga bị đóng băng trên toàn cầu.

Nếu được thông qua, kế hoạch của G7 sẽ thay luôn hệ thống mà EU đang áp dụng, theo Reuters. Hiện chủ đề này có khả năng sẽ là phần thảo luận chính trong cuộc gặp giữa các ngoại trưởng G7 tổ chức ở Ý tuần này. Nếu thuận lợi, thỏa thuận trên sẽ được các lãnh đạo nhất trí trong cuộc họp thượng đỉnh tháng tới.

Phát biểu ngày 21-5, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cảm ơn EU, nhưng nhấn mạnh mục tiêu lớn nhất của Ukraine là tịch thu tài sản tài chính của Nga, thay vì chỉ hưởng lợi từ lãi suất.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen được cho sẽ thúc đẩy các nước G7 chấp thuận việc dùng lợi nhuận trên làm tài sản thế chấp, nhằm vay một khoản lớn hơn để hỗ trợ Ukraine.

Các kế hoạch tài chính mới được kỳ vọng sẽ giảm áp lực ngân sách lên các nước ủng hộ Ukraine.

NHẬT ĐĂNG

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC