Chiếc quạt hút gió đưa vào bộ quần áo bảo hộ, chia ca, tăng nhân lực lấy mẫu,... là các đề xuất nhằm giảm áp lực cho nhân viên y tế trong tiết trời nóng bức.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết đợt dịch mới bùng phát vào thời điểm nắng nóng gay gắt, nhiều nhân viên y tế bị ngất xỉu, kiệt sức. Đây là quan ngại lớn của Bộ phận thường trực chống dịch.

Để giảm áp lực công việc, đảm bảo sức khỏe cho tuyến đầu, các chuyên gia khuyến cáo người quản lý cần bố trí nhân lực và thay đổi ca hợp lý, nhất là khi làm việc ngoài trời như đến ổ dịch để lấy mẫu, xử lý ổ dịch, điều tra truy vết... "Không để một người làm việc liên tục trong thời gian dài mà phải luân phiên nghỉ ngơi, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe", ông Nga nói.

1 Giai Phap Chong Nong Cho Nhan Vien Y Te O Tam Dich

Sau nhiều giờ làm việc trong thời tiết nắng nóng, nhân viên y tế phải lấy đá chườm để giảm thân nhiệt. Ảnh: Lưu Hà.

Cải tiến trang phục bảo hộ, làm mát cơ thể

Theo quy định, người tham gia chống dịch bắt buộc phải mặc bộ đồ bảo hộ 4 cấp tùy theo vị trí làm việc, để bảo vệ an toàn, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo. Tuy nhiên, dưới thời tiết nắng nóng, lực lượng y tế mặc bộ đồ bảo hộ chỉ chịu đựng được khoảng 4 đến 6 tiếng.

Ông Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế, cho biết viện đã thực hiện thử nghiệm trên 30 người mặc bộ bảo hộ, làm các công việc ngoài trời hoặc trong phòng thí nghiệm, với 4 giờ liên tục như đo nhiệt độ cơ thể, sát khuẩn, hướng dẫn khai báo y tế; xử lý hay phân tích mẫu...

Tuy nhiên, khi mặc đồ bảo hộ, nhiệt độ bên trong bộ đồ thường chênh lệch từ 0,5 độ C đến 4,5 độ C, dù làm việc ở ngoài trời hay trong phòng xét nghiệm. Kết quả, 93,4% nhân viên thử nghiệm có cảm giác nóng và rất nóng, đặc biệt ở nhóm làm việc ngoài trời. Trạng thái khó chịu và không thể chịu nổi tăng dần theo từng giờ, tỷ lệ thuận với thời gian mặc quần áo chống dịch. Một người phải dừng thử nghiệm ở giờ thứ tư do không thể chịu nổi, phải nhờ y tế chăm sóc sức khỏe.

Vì vậy, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường nghiên cứu, thêm vào bộ bảo hộ hai chiếc quạt hút gió chạy bằng pin sạc để thông khí phía trong, làm mát toàn bộ cơ thể. Trong đó, hai quạt được gắn ở phía lưng bộ bảo hộ, đảm bảo tiêu chí nhẹ và thổi mạnh, có gió mát. Quạt có cánh nhỏ, đảm bảo không quấn vào quần áo bên trong song vẫn hút được gió qua lớp áo phòng hộ, hai mặt có tấm lưới lọc. Pin sạc và bộ điều khiển được thiết kế nhỏ gọn, có thể đeo ở thắt lưng bên hông; pin sạc bền, đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho quạt chạy 4 tiếng đồng hồ (tức một ca làm việc) và có thể sạc lại. Tốc độ quạt có thể điều chỉnh được.

"Cách này không cần thay đổi cấu trúc bảo vệ của lớp đồ bảo hộ, song không hiệu quả với người mặc áo sơ mi, quần bò, còn người mặc áo blouse của bác sĩ cảm thấy mát rõ rệt", ông Hải nói.

Thiết bị vẫn đang thử nghiệm. "Nếu được sẽ cung cấp rộng rãi cho nhân viên lấy mẫu, nhân viên y tế làm việc trong khu tiếp nhận điều trị, cũng như hồi sức bệnh nhân", Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn nói.

Ngoài ra, viện tìm hiểu và thử nghiệm sử dụng một chiếc quạt điều hòa, có cơ chế làm mát tương tự điều hòa cố định trong gia đình, có thể di chuyển được, áp dụng trong buồng lấy mẫu (nếu có).

2 Giai Phap Chong Nong Cho Nhan Vien Y Te O Tam Dich

Ông Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (bên trái) giới thiệu về bộ đồ bảo hộ cải tiến.

Thay đổi thời gian lấy mẫu, chia ca làm việc

Để đảm bảo sức khỏe của người dân cũng như cán bộ y tế lấy mẫu, Sở Y tế Bắc Ninh, Bắc Giang chỉ đạo các trung tâm y tế giãn cách thời gian. Không lấy mẫu bệnh phẩm vào trưa và đầu giờ chiều. Thời gian lấy mẫu bệnh phẩm được đẩy lên sáng sớm và buổi tối, từ sáng sớm đến 9h, và từ 19h đến 23h. Ban ngày, các điểm lấy mẫu bố trí ở điểm râm mát, có thông khí, có quạt, buổi tối có ánh sáng.

Ngoài ra, nhân viên y tế cũng cần giữ gìn, chăm sóc bản thân, có kỹ năng để ứng phó trước bất lợi thời tiết. Trường hợp có người bị say nắng cần đưa vào chỗ mát, cởi bỏ quần áo bảo hộ, cho uống nước mát, chườm đá. Trong tình huống xấu, chuyển nhanh nạn nhân vào cấp cứu tại bệnh viện. Khu vực nghỉ cần thoáng mát, thông gió tốt.

Đào tạo nhân lực lấy mẫu

Theo chuyên gia, các địa phương nên chủ động mở rộng, đào tạo kỹ năng lấy mẫu cho nguồn nhân lực tại chỗ. Gồm sinh viên y khoa, điều dưỡng, bác sĩ, kỹ thuật viên các khoa khác (ngoài chuyên ngành Truyền nhiễm) để có người thay thế ngay khi cần. Đây là cách duy nhất giúp giảm tải bền vững cho lực lượng lấy mẫu. Nguồn chi viện nhân sự từ các tỉnh, thành khác cũng là một giải pháp, song có tính chất tạm thời. Lưu ý, không tự ý cởi trang phục bảo hộ vì quá mệt, dễ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm.

"Đồ bảo hộ chỉ mặc một lần, khi cởi ra phải vứt bỏ đúng nơi quy định", ông Nga nhấn mạnh.

Lấy dẫn chứng, ngày 31/5, các y bác sĩ Bệnh viện Việt Nam Thuỵ Điển Uông Bí, Quảng Ninh ra quân hướng dẫn sinh viên tình nguyện và người dân trong khu cách ly cách lấy mẫu test nhanh. Bác sĩ Vũ Trí Tuệ, phó đoàn, nhấn mạnh việc tự lấy mẫu test góp phần đẩy nhanh quá trình sàng lọc, sớm phát hiện và tách ca dương tính nhanh ra khỏi khu vực cách ly, giảm tối đa nguy cơ lây chéo và áp lực lên nhân viên y tế.

Hay Trung tâm y tế huyện Tiên Du, Bắc Ninh cử 10 cán bộ có kinh nghiệm về trực tiếp cầm tay chỉ việc cho nhân viên y tế xã. Nhờ đó, mọi người có thể tự thực hiện toàn bộ quy trình từ tổ chức, lấy mẫu, đến nhập số liệu, bảo quản bệnh phẩm mà không cần đến sự hỗ trợ của tuyến trên.

Một số giải pháp khác như bổ sung thêm nước, chất khoáng, vitamin từ nước chanh, nước cam hoặc nước đỗ đen rang, nước vối...

Ngoài ra, chế độ ăn của người lao động cần giảm chất béo, đảm bảo đủ chất đạm, phải bổ sung nhiều rau củ quả, chất xơ. Người điều phối cần thường xuyên động viên, xốc lại tinh thần cho nhân viên, linh hoạt xử lý tình huống phát sinh.

Bắc Giang là tỉnh được Bộ Y tế huy động nhân lực hỗ trợ chống dịch đông nhất, với khoảng 2.200 cán bộ y tế, y bác sĩ, sinh viên, tình nguyện viên hỗ trợ công tác xét nghiệm, truy vết, thu dung và điều trị bệnh nhân, nhằm "khoanh vùng, dập dịch sớm". Bộ cũng liên tục đưa ra nhiều giải pháp khắc phục khó khăn về nhân lực và sức lực. Trong mọi hoàn cảnh, "an toàn cho nhân viên y tế luôn phải đặt lên hàng đầu", thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.

Thùy An - Chi Lê

Nguồn: vnexpress.net




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC