Với một nhà lãnh đạo phù hợp, Đức có thể trở thành hình mẫu tiêu biểu của phương Tây về tính cởi mở và đa dạng trong thời đại mới.

Thời gian gần đây, người ta thường nói nhiều về khó khăn mà Berlin phải đối mặt. Nước Đức, dưới ngòi bút của truyền thông quốc tế, là quốc gia với những công dân luôn đăm chiêu cùng một nền chính trị bế tắc.

Trong khi đó, Thủ tướng Angela Merkel tiếp tục duy trì phong cách điều hành từng bị chỉ trích là “quá thận trọng”. Bởi vậy, sự trỗi dậy của đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) khiến bà phải đối mặt với không ít khó khăn và tốn tới 6 tháng chỉ để tìm kiếm một liên minh rời rạc. 

Tuy vậy, nếu nhìn toàn cảnh, có thể thấy nước Đức đang ở giai đoạn chuyển mình mới, với chu kì 25 năm/lần kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Nước Đức chuyển mình trước thách thức thời đại - 0Nước Đức đang đứng trước giai đoạn chuyển mình. (Nguồn: Alamy)

Vòng lặp đầu tiên là quá trình tái thiết nước Đức thời hậu chiến. Vòng lặp thứ hai bắt đầu vào đầu những năm 1960, khi Berlin bắt đầu thẳng thắn đối diện với quá khứ chiến tranh của mình. Vòng lặp thứ ba diễn ra vào những năm 1990 với một nước Đức thống nhất, trở thành quốc gia bình thường và rũ bỏ hầu hết ám ảnh quá khứ.

Giờ đây, bánh xe lịch sử lại một lần nữa xoay vòng, khi kỷ nguyên của Thủ tướng Merkel dần đi đến hồi kết. Một số ý kiến cho rằng bà Merkel sẽ không nắm quyền đến hết nhiệm kỳ hiện tại. Những giá trị từng được gắn với nước Đức, từ tính đồng nhất sắc tộc và văn hóa, tinh thần thượng tôn nguyên tắc trong xã hội, cũng như sự miễn cưỡng trong thể hiện tầm ảnh hưởng quốc tế,... đang dần thay đổi.

 

Tín hiệu đầy hứa hẹn

Biến chuyển lớn nhất đến từ chính sách “mở cửa” của Thủ tướng Merkel đối với người tị nạn, đưa 1,2 triệu người vào nước Đức trong những năm 2015 – 2016. Điều này đã biến quốc gia trở nên đa dạng hơn và có cái nhìn thoáng hơn đối với những người không sinh ra và lớn lên tại đây.

Bên cạnh đó, xã hội Đức cũng đã có nhiều thay đổi tích cực. Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi lao động tìm được việc làm đã tăng từ 58% lên 70% trong vòng 15 năm qua. Người Đức đang cưới ít đi và ly dị nhiều hơn. Năm 2000, sau hơn nửa thế kỷ không có bất kỳ một chiến dịch quân sự nào ngoài lãnh thổ, Berlin đã gửi quân tới Mali, Afghanistan và Lithuania.

Những biến chuyển này đang thay đổi Đức, quốc gia vốn đề cao sự ổn định. Nó cũng vạch rõ những khác biệt giữa phe chào đón sự mới mẻ và bên trân trọng giá trị cũ; giữa cử tri nông thôn và thành thị, hay giữa người trẻ và bậc cha ông của họ.

Sự nổi lên của thế hệ những nhà làm luật trẻ tuổi và nhiệt huyết, bước tiến lịch sử của AfD trong Bundestag hay tranh cãi về hướng đi mới nơi đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) đều là một phần trong hành trình tìm kiếm “bản sắc” đất nước. Câu trả lời được người Đức lựa chọn sẽ không chỉ quyết định tương lai của nền kinh tế lớn nhất châu Âu, mà còn có sức ảnh hưởng vượt xa biên giới quốc gia. Quan trọng hơn, cách họ định nghĩa lại “bản sắc” của mình có thể là điều mà nhiều nước phương Tây, vốn đang đau đầu với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, đang kiếm tìm.

Nước Đức chuyển mình trước thách thức thời đại - 1

Sự ra đi của Thủ tướng Angela Merkel sẽ đánh dấu chấm hết cho một kỷ nguyên của nước Đức. (Nguồn: Bloomberg)

 

Chập chững thay đổi

Hơn ai hết, người Đức hiểu rõ những vấn đề mà họ đang phải đối mặt. Sau những năm 1990, Berlin đã rũ bỏ tàn dư kinh tế thời hậu thống nhất và tiếp tục phát triển, song phải tìm cách giải quyết thực trạng dân số già ở mức báo động bởi lứa tuổi chiếm đa số tại Đức là 50 – 54. Tốc độ mạng Internet ở mức chậm và thiếu ổn định; đường, trường, trạm đang dần xuống cấp; nhiều đạo luật ngăn cản ngành công nghiệp dịch vụ phát triển; và dưới thời bà Merkel, tuổi nghỉ hưu đang giảm dần, thậm chí là thấp hơn ở Pháp. Để duy trì sự thịnh vượng của đất nước, Chính phủ cần tiến hành nhiều cải cách hướng về tương lai. 

Bởi vậy, dòng người nhập cư có thể mang đến luồng sinh khí mới, phần nào hóa giải tình trạng già hóa dân số. Tuy nhiên, điều đó chỉ diễn ra nếu thủ tục nhập cảnh được tinh giản hóa, giáo dục được phổ cập một cách bình đẳng và giới hạn về những công việc “dành riêng cho người Đức” bị loại bỏ.

Trên chính trường quốc tế, đã đến lúc Berlin thể hiện sức mạnh tương xứng với tiềm năng. Đức vẫn đang tự “trói” mình trong tư tưởng nước nhỏ: rụt rè trong chi tiêu quốc phòng, từ chối đối mặt với chênh lệch đến từ thặng dư thương mại hay gánh thêm những trách nhiệm trong khu vực tiền tệ chung Eurozone.

Tuy nhiên, dưới sự thúc giục của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Đức đang dần chấp nhận một số bước đi để tiếp tục tiến trình hội nhập Eurozone, dù còn ở mức khiêm tốn. Việc nền kinh tế dễ bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại khiến Berlin buộc phải trở thành trung gian trong cuộc chiến tranh thuế quan. Hồi tháng 3, tân Bộ trưởng Kinh tế Peter Altmaier đã thuyết phục thành công Nhà Trắng hoãn kế hoạch đánh thuế thép và nhôm đối với Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh khác.

Nước Đức chuyển mình trước thách thức thời đại - 2
Đức cần thể hiện vai trò và tầm ảnh hưởng quốc tế tương xứng với tiềm năng đất nước. (Nguồn: Getty Images)

Trong Thượng đỉnh G20 2017 tại Hamburg, Thủ tướng Angela Merkel đã thúc đẩy kế hoạch “Hiệp ước với châu Phi” để củng cố phát triển và cải thiện khả năng quản trị của các chính phủ lục địa Đen. Dù thường bị đánh giá thấp và chưa được đầu tư đúng mức, dự án vẫn cho thấy tiềm năng của Đức trong kiến tạo động lực phát triển, duy trì ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Cần "thuyền trưởng" táo bạo hơn

Từ những thực trạng trên, vai trò của người sẽ kế nhiệm vị Thủ tướng 63 tuổi càng trở nên cấp thiết và nổi bật.

Phong cách ôn hòa, thậm chí đôi lúc có phần bị động, đã tỏ ra hữu ích cho bà Merkel trong nhiều thời khắc then chốt. Song, nước Đức mới sẽ cần một “thuyền trưởng” táo bạo hơn - người có thể duy trì thế chủ động tại quê nhà, thể hiện tham vọng nơi trường quốc tế và quan trọng là biết cách thuyết phục được những công dân Đức khó tính nhất về tầm nhìn của mình.

Với một người lãnh đạo như thế, tiềm năng sẽ có thể khai thác của Đức trở nên vô cùng to lớn. Trong giai đoạn lịch sử trước, Berlin đã dung hòa được người anh em bị chia cắt sau gần 50 năm, vượt qua khủng hoảng kinh tế những năm 2000, tiếp nhận và trao cho hơn 1 triệu người nhập cư cuộc sống mới.

Đứng trước những thách thức thời đại, một lần nữa, Đức sẽ “thay da đổi thịt” để tiếp tục vươn tầm thế giới – Lịch sử thế giới đã nhiều lần chứng minh điều đó.

 

Nguồn: Minh Quân

The Economist/ Báo Quốc tế




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC