Sau sự kiện chế độ độc tài của Tổng thống Assad tại Syria sụp đổ, các chính trị gia và giới chuyên môn tại Đức đã ngay lập tức mở ra các cuộc thảo luận sôi nổi xoay quanh việc hồi hương người tị nạn Syria.

Vấn đề này đang trở thành chủ đề nóng trên khắp châu Âu, đặc biệt tại Đức - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ làn sóng người tị nạn trong suốt nhiều năm qua.

1 Tin Vui Cho Chau Au Dac Biet La Nuoc Duc Co Hoi Hoi Huong Cho Nguoi Ti Nan Syria

Người tị nạn đến trại trung chuyển biên giới Friedland vào năm 2016. Vấn đề di cư là một trong những điểm gây tranh cãi chính hiện nay.  Ảnh: Swen Pförtner

Người tị nạn Syria và ảnh hưởng tại châu Âu

2 Tin Vui Cho Chau Au Dac Biet La Nuoc Duc Co Hoi Hoi Huong Cho Nguoi Ti Nan SyriaKhi cuộc nội chiến tại Syria bùng phát, hàng triệu người Syria đã phải rời bỏ quê hương, với châu Âu là điểm đến hàng đầu.

Trong đó, nước Đức là nơi tiếp nhận số lượng người tị nạn lớn nhất. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là một số quốc gia như Nga và Belarus đã sử dụng người tị nạn như "quân bài chiến lược" nhằm tạo áp lực chính trị và gây bất ổn cho khu vực biên giới của châu Âu.

Các quốc gia này đã bị cáo buộc sử dụng những tuyến đường phức tạp, đưa người tị nạn qua Nga và Belarus, sau đó đẩy họ sang biên giới của các nước như Ba Lan, Phần Lan, các quốc gia vùng Baltic và Bắc Âu.

Tại Đức, người tị nạn Syria đã gây ra không ít thách thức.

Theo Bộ Nội vụ Đức, tính đến ngày 31/10 năm nay, có tổng cộng 974.136 người gốc Syria sinh sống tại Đức. Trong số này, chỉ 5.090 người được công nhận quyền tị nạn chính thức.

Ngoài ra, 321.444 người đang trong quá trình cứu xét hồ sơ tị nạn, và 329.242 người khác hưởng quy chế bảo vệ nhân đạo do lo ngại nguy cơ họ có thể gặp phải nếu hồi hương. Phần còn lại bao gồm những người có giấy phép cư trú tạm thời thông qua đoàn tụ gia đình, hôn nhân, hoặc các lý do đặc biệt khác.

Cuộc tranh luận về hồi hương người Syria

Việc hồi hương người tị nạn Syria hiện là một vấn đề gây tranh cãi tại Đức. Các chính trị gia thuộc liên minh đảng CDU/CSU đã đưa ra đề xuất thúc đẩy quá trình này.

Jens Spahn, Phó trưởng nhóm nghị sĩ CDU/CSU, cho biết: "Đề xuất của tôi là chúng ta cần tạo điều kiện thuận lợi cho người Syria muốn hồi hương. Chính phủ Đức có thể thuê máy bay đưa họ về và hỗ trợ tài chính ban đầu với mức 1.000 Euro cho mỗi người."

Ngoài ra, Jens Spahn còn gợi ý tổ chức một "Hội nghị tái thiết và hồi hương" với sự tham gia của Đức, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan - bốn quốc gia đã tiếp nhận nhiều người tị nạn Syria nhất. Hội nghị này nhằm xây dựng lộ trình tái thiết Syria, đồng thời thúc đẩy hồi hương người tị nạn một cách an toàn và bền vững.

Hy vọng mới cho Đức và châu Âu

Đối với phần lớn người dân Đức và châu Âu, việc hồi hương hàng triệu người Syria không chỉ giảm tải áp lực kinh tế - xã hội mà còn mang đến cơ hội ổn định tình hình biên giới và an ninh khu vực.

Đây thực sự là một tín hiệu lạc quan trong bối cảnh nhiều năm liền châu Âu phải đối mặt với các thách thức từ làn sóng di cư.

Thu Phương - Báo TIN TỨC VIỆT ĐỨC

Theo: RTL/ntv/Taggesschau




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC