Thi trượt Trường Đại học Y Dược TP.HCM, người phụ nữ ở Rịa – Vũng Tàu dùng bằng giả để xin vào làm việc cho nhiều bệnh viện ở TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu và đơn vị bảo hiểm xã hội TP.HCM từ năm 2008 đến năm 2019.

1 Bac Si Rom Dung Bang Gia Lam Viec Cho Nhieu Benh Vien Trong 11 Nam

Phòng khám đa khoa Đ.P., nơi bà Trần Xuân Ngọc làm việc. (Ảnh: Tuấn Anh Nguyễn Hoàng/google-maps)

Chiều ngày 2/6, Cơ quan CSĐT Công an huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) cho hay vừa hoàn tất kết luận điều tra và chuyển hồ sơ, tài liệu sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố bị can Trần Xuân Ngọc (SN 1978, ngụ Bà Rịa – Vũng Tàu) về hành vi “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức”.

Theo đó, vào cuối tháng 4/2020, sau khi kiểm tra phòng khám đa khoa Đ.P. (ấp Phước Lý, xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch), Thanh tra Sở Y tế tỉnh Đồng Nai phát hiện bằng tốt nghiệp Đại học Y khoa mang tên Trần Xuân Ngọc có nhiều nghi vấn bị làm giả. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ bằng của bà Ngọc và chuyển hồ sơ qua cơ quan công an để điều tra.

Được biết, bà Ngọc phụ trách chuyên môn Phòng Chẩn đoán hình ảnh của Phòng Khám đa khoa Đ.P.

Theo lời khai ban đầu của bà Ngọc, năm 1996, bà Ngọc là thí sinh phổ thông thi tuyển vào Trường Đại học Y Dược TP.HCM nhưng không đậu. Bà Ngọc được Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cử đi học tại trường Đại học Y Dược TP.HCM theo hệ cử tuyển bằng ngân sách của tỉnh.

Vào trường này, bà Ngọc học lớp Bác sĩ Y đa khoa khóa Y96 (năm học 1996-2002). Sau khi tốt nghiệp, có được tấm bằng, từ năm 2008-2019, Ngọc đã xin được vào làm việc tại các nơi như: nhiều bệnh viện ở TP.HCM, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và một đơn vị bảo hiểm xã hội tại TP.HCM.

Qua lời khai của bà Ngọc, Công an huyện Nhơn Trạch đã làm việc với các cơ quan, trường học có liên quan bằng cấp trên để xác minh, tất cả đều khẳng định bà Ngọc không có tên trong danh sách được cử đi học tại trường Đại học Y Dược TP.HCM, không có tên trong danh sách công nhận tốt nghiệp đại học hệ chính quy y khoa năm 2002 và cũng không được cấp bằng vào ngày 10/10/2002.

Theo tài liệu chứng cứ, cơ quan điều tra kết luận chữ ký, con dấu trên bằng tốt nghiệp đều là giả. Cuối cùng, bà Ngọc thừa nhận đã nhờ người thân (đã mất) làm giả tấm bằng trên.

Tổng số tiền lương bà Ngọc nhận được từ các bệnh viện, đơn vị bảo hiểm xã hội là gần 637 triệu đồng.

Người dân lo lắng khi bác sĩ dùng bằng giả

Sau khi thông tin về việc bà Ngọc dùng bằng giả được đăng trên báo chí, nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự bức xúc trước hành vi gian dối của bà Ngọc và cho rằng đây là hành vi coi thường pháp luật và tính mạng, sức khỏe của người dân.Trên fanpage của Báo Đồng Nai, tài khoản Thoan Vu viết: “Quá nguy hiểm cho tính mạng con người, chết oan vì những người không có chuyên môn”.

Có độc giả thắc mắc không hiểu vì sao một người sử dụng bằng cấp giả như bà Ngọc lại có thể làm việc ở nhiều cơ quan nhà nước, cơ sở khám chữa bệnh ở TP.HCM, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai suốt một thời gian dài mà không bị phát hiện. Tài khoản Thịnh Nguyen bày tỏ: “Cũng giỏi chứ! Lừa được cả cơ quan nhà nước hết nơi này đến nơi khác trong vòng gần 20 năm, có thể do học và thi hoài không đậu nên làm cái bằng cho xong?”.

Một số bạn đọc bày tỏ sự lo lắng khi gần đây, ở tỉnh Đồng Nai đã phát hiện 2 trường hợp sử dụng bằng bác sĩ giả để hành nghề. Trước đó vào tháng 4/2020, qua phản ảnh của người dân, Thanh tra Sở Y tế cũng phát hiện bà Đinh Kim Loan (SN 1988) là bác sĩ thực hành tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai sử dụng bằng bác sĩ và dược sĩ giả. Bạn đọc Tống Thị Ngọc Hoa còn đặt vấn đề: “Phát hiện có ít quá không?”.

Thạch Lam (t/h)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC