Bão Sơn Tinh gây thiệt hại hơn 7.500 tỷ đồngCơn bão mạnh nhất 30 năm qua đã khiến Thái Bình thiệt hại tới hơn 2.600 tỷ đồng, Nam Định 1.500 tỷ đồng, Hải Phòng 1.000 tỷ đồng. Nhiều diện tích cây dài ngày không thể khôi phục sản xuất vì đã quá thời vụ.

 Sáng 2/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp với các địa phương bàn việc khôi phục sản xuất sau bão Sơn Tinh. Theo thống kê mới nhất của các tỉnh, cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua đã gây hại trên 7.500 tỷ đồng.

Trong đó, nặng nề nhất là Thái Bình (2.662 tỷ), Nam Định (1.535 tỷ), Hải Phòng (gần 1.000 tỷ). Một số tỉnh nằm sâu trong đất liền cũng thiệt hại nặng như Hải Dương (trên 800 tỷ), Hưng Yên (trên 600 tỷ), Hà Nam (350 tỷ)...

Nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thiệt hại, đặc biệt là ngành trồng trọt với chục nghìn ha diện tích lúa vụ đông. Ngoài ra, còn một số diện tích sản xuất đặc thù như 2.000 ha ngô của Hà Nam; 10.000 tấn muối của diêm dân Nam Định... "Nhìn vườn chuối tôi bật khóc, không muốn trồng lại nữa", Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Hưng Yên Đoàn Thị Chải nói về 900 ha chuối trị giá 300 tỷ đồng của tỉnh. Ngoài chuối, tỉnh này còn có tới 1.400 ha ngô đổ gãy do gió bão.

Đại diện của thành phố Hải Phòng cho hay, để khôi phục sản xuất, địa phương sẽ cố gắng phát triển diện tích lúa xuân sắp tới để bù lại. "Chúng tôi kiến nghị Bộ hỗ trợ giống lúa, nếu được lúa lai thì càng tốt", Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Hải Phòng Dương Đức Tùng nói.

Do đã quá thời vụ nên trước mắt hầu hết địa phương đều đề nghị hỗ trợ giống cây ngắn ngày, cây ăn lá để khôi phục sản xuất. Để tránh bài học thừa nguồn cung của những năm trước, các tỉnh đều thận trọng khi nhắc đến trồng khoai tây.

Bão Sơn Tinh gây thiệt hại hơn 7.500 tỷ đồng_0

Diêm dân Trịnh Văn Toàn (Văn Lý, Nam Định) chỉ tay về kho muối chìm trong nước rồi nói: "Tôi mất mấy chục triệu rồi, biết làm gì để cứu vãn bây giờ. Làm nghề này cả năm mới lãi được hơn 20 triệu đồng giờ tay trắng". Ảnh: Hoàng Hà.

Trước đề xuất của các tỉnh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Bùi Bá Bổng đề nghị xuất ngay từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ giống. Tùy địa phương mà xuất tiền hoặc giống theo nhu cầu.

Do đặc thù của ngành trồng trọt, chưa thể thống kê chính xác được ngay thiệt hại, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Vũ Văn Tám đề nghị tuần tới các tỉnh báo cáo về Bộ thiệt hại và đề xuất cụ thể. "Còn hiện tại, cần phát huy sáng tạo của người dân để khắc phục hậu quả bão lụt", ông Tám nói.

Hình thành từ ngày 23/10, bão Sơn Tinh bắt đầu ảnh hưởng tới ven biển miền Trung từ tối 27/10. Cơn bão có lúc đạt tới cấp 14 quét dọc theo bờ biển Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ. Ngoài thiệt hại lớn về tài sản, 8 người đã chết, 3 người còn mất tích và gần 100 người bị thương...

Theo VNE.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC