"Biến" đất thành hoaDưới bàn tay khéo léo của người nghệ nhân, những cục đất sét trắng được pha màu, nhào nặn, tô vẽ thành những bình hoa đủ sắc màu của xuân, hạ, thu, đông.

Có mặt ở thị trường Hà Nội vào năm 2007, nhưng hai năm gần đây, hoa đất mới được nhiều người biết đến bởi tính độc đáo, lạ mắt và được đánh giá là “đẹp hơn cả hoa thật”.

Nằm trên con phố cạnh Hồ Tây, cửa hàng hoa đất đầu tiên của Hà Nội rực rỡ với nhiều màu sắc đẹp mắt. Hàng trăm loại hoa lan, hướng dương, đồng tiền... với những chậu, bình lớn nhỏ được xếp cạnh nhau khiến căn phòng nhỏ như một vườn hoa của chốn thần tiên. Vài người khách qua đường bước vào chiêm ngưỡng, cũng có nhiều người ở khắp nơi đến để mua hoa.

Ở góc cuối căn phòng, người nghệ nhân, chị Trần Ngọc Quỳnh chủ cửa hàng hoa đang làm công đoạn cuối cùng là lên cành và tạo dáng. Đến với nghệ thuật hoa đất như một cơ duyên, chị vừa làm, vừa học suốt mấy năm lao động xuất khẩu ở Nhật Bản.

"Tôi mê hoa đất ngay từ ngày đầu nhìn thấy. Thế nên dù bận rộn với công việc tôi vẫn miệt mài học nhào nặn, pha trộn, làm hoa. Đến ngày kết thúc đợt xuất khẩu lao động thì tôi cũng đã đủ kiến thức và kinh nghiệm để có thể làm nghề", chị tâm sự.

Với mong muốn đem loại hình nghệ thuật độc đáo này đến với người dân Hà thành, tháng 12/2007 chị cùng người em họ chung vốn mở một cửa hàng hoa đất có tên Yukiko Design trên phố Yên Phụ. Những cục đất sét được trộn màu, nhào nặn, tô vẽ đã trở thành những bông hoa lan, hướng dương, đào, mai…tươi tắn.

Chị Quỳnh cho biết: “Đất để làm hoa không phải là đất sét bình thường mà là một loại đất sét chuyên dụng nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Do vậy, khi đã nặn thành bông hoa, được phơi khô thì cánh hoa vẫn dẻo, mịn, không hề bị nứt. Nếu biết cách bảo quản, hoa đất có thể để được 10 năm”.

Để làm một bông hoa thành phẩm cần trải qua nhiều công đoạn. Trước tiên là pha màu, sau đó, bột sẽ được nhồi mịn, rồi đưa vào cán mỏng bằng chiếc máy quay tay. Khi độ mỏng vừa đủ, đất sẽ được đem dập khuôn tùy theo từng bộ phận cánh, lá hay nhụy hoa. Từ những bộ phận ấy, người nghệ nhân sẽ ghép chúng lại thành một bông, một nhành, rồi bình hoa nhờ những sợi thép làm khung.

“Phức tạp nhất là khâu pha màu và vẽ chi tiết lên cánh hoa bởi hai khâu này đòi hỏi kỹ thuật cao và sự khéo tay. Hoa có giống thật về màu sắc, hình dáng, điểm nhấn…hay không chính là nhờ khâu này”, chị Quỳnh cho biết.

Hoa đất Nhật Bản được cắm theo hai phong cách là Ikebana và dáng cây trồng. Với những bình hoa cắm theo dáng Ikebana đều được chú trọng đến đường nét và nghệ thuật xếp đặt. Theo dáng này, mỗi mùa sẽ có một đặc trưng riêng. Mùa xuân là cách xếp đặt đầy sức sống với các đường cong biểu hiện sinh lực. Mùa hạ là cách xếp đặt tỏa ra và tràn đầy. Mùa thu có cách xếp đặt mỏng và thưa thớt. Còn mùa đông lại thiên về cách xếp đặt đượm buồn và lắng nghỉ.

Chị Quỳnh chia sẻ, người Việt Nam thường thích sự tràn đầy nên các bình hoa, chậu hoa um tùm, có xu hướng vươn cao được lựa chọn nhiều hơn. Bên cạnh “vốn liếng” là hàng trăm loại hoa lan, đào... khi về Việt Nam chị đã mày mò thêm để làm những loại hoa phù hợp với văn hóa, sở thích của người Việt như hoa sen, hoa chuối, cây sung…

Giá cho mỗi bình hoa trung bình khoảng 500.000 cho đến vài triệu đồng. Các chậu cây trồng thì có giá vài trăm nghìn đồng.

Chăm chú chọn hoa cùng chồng, chị Đặng Thu Nga (phố chùa Láng) cho biết, chị biết được loại hoa đất này qua mạng, thấy đẹp nên mua trang trí trong nhà. "So với hoa thật thì hoa đất có màu sắc tươi tắn không kém, cũng không đắt hơn vì nó có thể chơi được nhiều năm”m chị Nga nói.

Hà Thu.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC