Bộ Tài chính lập luận giá xăng không đánh úp dân Trước luồng ý kiến cho rằng Bộ Tài chính "đánh úp" dân, lợi dụng tăng giá xăng khi người dân mải xem bóng đá, Phó Cục trưởng Cục quản lý giá cho biết, không hề có chuyện này. Việc điều chỉnh giá xăng dầu được tiến hành đồng loạt trên cả nước chứ không riêng gì Hà Nội.

 Vào lúc 20h ngày 17/7, Liên Bộ Tài chính - Công thương đã chính thức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu lên 468 đồng/lít.

Điều đáng nói là thời tăng giá lại trùng hợp vào đúng lúc diễn ra trận bóng đá giao hữu giữa Việt Nam và Arsenal, khiến nhiều người tỏ ý nghi ngờ bị Bộ Tài chính và các doanh nghiệp “đánh úp”, lợi dụng tăng giá xăng khi người dân mải mê xem bóng đá.

Giải thích về sự trùng hợp này, Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính khẳng định, Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu thực hiện rất nghiêm túc theo Nghị định 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường.

“Về việc điều chỉnh giá xăng dầu ngày 17/7 vừa qua có ý kiến cho rằng có phải điều chỉnh trong lúc người dân mải mê xem bóng đá trận giao hữu Việt Nam – Arsenal hay không, xin thưa rằng không có chuyện đó. Việc điều chỉnh giá xăng dầu được tiến hành đồng loạt trên cả nước chứ không riêng gì Hà Nội, giá điều chỉnh thích hợp với việc thống kê, điều hành giá xăng dầu”, ông Tuấn khẳng định.

Theo ông Tuấn, cơ quan quản lý đã theo dõi rất sát sao diễn biến giá xăng dầu thế giới, đặc biệt là có sự tham chiếu, đánh giá theo quy định của pháp luật rồi mới quyết định tăng giá.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long thì ngoài lý do này, còn cần phải xem xét lại cách quản lý của cơ quan Nhà nước.

"Lý do tăng giá vẫn là do giá thế giới tăng. Tuy nhiên phải kiểm chứng lại xem mức tăng này có hợp lý hay không? Vì hiện nay số liệu tiền hậu bất nhất, lúc thì kêu lỗ thế này, lúc thì kêu lỗ thế khác cho nên cần xem xét lại tần suất tăng giảm có theo đúng quy định hay không. Kinh doanh xăng dầu còn độc quyền mà cứ tăng thì nhanh, giảm thì chậm. Xăng dầu mới biến động một chút thôi là đã đòi hỏi phải tăng ngay, nhưng chờ mãi mà chẳng thấy giảm.

Vậy nên ở đây có 2 vấn đề. Thứ nhất là cần xem lại cách tính toán, chi phí mà cơ quan chức năng thẩm định đã chuẩn xác chưa?

Thứ hai là tần suất tăng như vậy sẽ gây khó khăn rất nhiều cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay. Mặc dù chúng ta luôn nói là đã kiềm chế được lạm phát nhưng không thể vì thế mà chủ quan, không thể vì giá xăng dầu thế giới tăng mà chúng ta cứ tăng liên tục, tăng như hiện nay.

Nếu như theo quy chuẩn trước kia, khi giá thế giới tăng rất cao, lên đến 40 USD thì giá xăng cũng chưa tăng đến mức độ như bây giờ, thì đây cũng là câu hỏi phải đặt ra? Thời kì giá xăng thế giới tăng cao nhất thì giá xăng trong nước cũng chưa tăng đến mức kỷ lục.

Có thể hiện nay do tỷ giá thay đổi, nhưng vấn đề này phải xem xét lại cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Tài chính có quyết định chuẩn xác hay không? Hay là cứ nghe kêu ca của các doanh nghiệp xăng dầu, lại giàu tình với các doanh nghiệp này mà cho tăng giá" - Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận xét.

Cũng theo ông Long, việc tăng giá xăng dầu như hiện nay thì người dân chỉ biết vậy.

"Người dân sẽ bị sức ép tăng giá xăng mà tác động đến cuộc sống chung, mặt bằng chung, làm cho người dân và các doanh nghiệp càng khó khăn hơn nữa. Không thể vì chỉ số giá 6 tháng đầu năm thấp mà làm như vậy" - Ông Long nhận định.

Theo Đất Việt.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC