Chống tăng giá, nói vậy mà không phải vậy Nỗi ám ảnh lạm phát đang quay lại. Đợt nnayf, lạm phát có nguyên nhân từ những đợt tăng giá độc quyền, theo các quyết định hành chính của Nhà nước.

 Không còn là mối lo ngại?

Từ đầu năm đến nay, diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) phần lớn thời gian là êm đềm. Hai tháng đầu tiên, CPI tăng mạnh trên 1% là chịu dư âm của Tết Nguyên đán và cú tăng giá điện cuối năm 2012. Năm tháng liên tiếp sau đó, CPI ”chuyển động” nhẹ nhàng. Tháng 3, CPI âm 0,19%, tháng 4, chỉ tăng 0,02% rồi lại tiếp tục giảm 0,06% trong tháng 5.

Sau đó, CPI chỉ tăng 0,05% trong tháng 6 và tăng 0,27% trong tháng 7. Tháng 8, CPI bứt phá trở lại nhưng tốc độ tăng 0,83% cũng là chấp nhận được.

Nhìn vào bức tranh này, những nhà quản lý phải chăng đang yên tâm sẽ hoàn thành mục tiêu của 2013?

Lạm phát đang được kiểm soát tốt! Đầu tháng 8, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá như vậy, kèm theo lời bình luận ”còn dư địa nhất định cho việc tiếp tục điều chỉnh giá theo nguyên tắc thị trường và áp dụng tỷ giá linh hoạt”.

 

Chống tăng giá, nói vậy mà không phải vậy_0

Lạm phát không còn là mối lo ngại lớn trong năm 2013 và có khả năng kiềm chế thấp hơn năm 2012! Thái độ lạc quan này được chính Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh chia sẻ tại phiên họp thường kỳ tháng 6 của Chính phủ.

Dường như, khoảng trống còn lại để thực hiện mục tiêu lạm phát thấp hơn năm ngoái (6,81%) là khá xông xênh. So với tháng 12/2012, CPI hiện mới tăng 3,53%.

Tuy nhiên, ngay khi tình hình tưởng như yên ổn đấy, các cảnh báo đưa ra không bao giờ là thừa. Bộ Tài chính mới đây đã gửi công văn ”nhắc nhở” các địa phương: Lạm phát tuy được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại trong những tháng cuối năm. Bộ này nhấn mạnh, giá một số mặt hàng tiếp tục được điều hành theo lộ trình thị trường như giá điện, giá than cho sản xuất điện; giá xăng dầu thế giới diễn biến thất thường tác động đến giá xăng dầu trong nước; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước; giá dịch vụ giáo dục (học phí).... sẽ gây sức ép lên mặt bằng giá”.

Các cuộc thăm dò của Ngân hàng Nhà nước gần đây về kỳ vọng lạm phát 2013 đã cho thấy rõ ràng rằng, không thể chủ quan. Có tới ¾ số các đơn vị tổ chức tín dụng đều e ngại, các động thái điều chỉnh giá của Nhà nước chính là nguyên nhân sẽ đẩy CPI quý IV và cả năm 2013 tăng mạnh. Giới này dự báo CPI năm 2013 có thể tăng tới 6,77%.

Cắn răng theo giá mới

Xét trên con số, CPI dường như đang rất đẹp. Nhưng trên thực tế đời sống dân sinh, giá cả vẫn cứ đắt đỏ. Ám ảnh nhất không phải là giá thế giới tăng mà giá trong nước cũng phải tăng mà chính là những cú ”điều chỉnh” bất thình lình về giá của Nhà nước.

Người dân đã chứng kiến, bước tiệm cận thị trường hiện nay của giá điện, giá than bán cho điện… thường theo kiểu tăng “đều đều”, rồi lại cắn răng chịu đựng những cú nhảy alpha ngoạn mục của giá xăng dầu, giá viện phí, giá thuốc, học phí.

Với viện phí. Mức tăng đột biến ngoài sức tưởng tưởng bắt đầu diễn ra kể từ khi Thông tư liên tịch của Liên Bộ Tài chính- Y tế cho phép tăng giá dịch vụ y tế được áp dụng. Gần 1 năm qua, mặt bằng giá của nhóm này trở nên ”náo loạn”.

CPI nhóm này luôn đứng đầu bảng. Ví dụ, tháng 1, thuốc và dịch vụ y tế tăng tới 7,4%, do có tới 11 địa phương bắt đầu áp giá dịch vụ y tế mới. Sau sự trầm lắng ở tháng 2 và 3, nhóm thuốc và dịch vụ y tế bật mạnh như tôm tươi khi tăng tới 3,9%, trong đó, dịch vụ y tế là 4,96% ở tháng 4, tăng 1,58%, trong đó, giá dịch vụ y tế là 1,92% ở tháng 5.

Đến nay, giá của nhóm dịch vụ thiết yếu này đã tăng tới 18,62%, riêng dịch vụ y tế tăng tới 23,41% so với tháng 12/2012. 8 tháng đầu năm so với bình quân cùng kỳ năm trước, CPI nhóm này có con số khiếp sợ, tăng tới 57,98%, riêng dịch vụ y tế tăng tới 82,07%, gấp hàng chục lần các loại hàng hóa, dịch vụ khác khi mức tăng của đại đa số các nhóm hàng chỉ loanh quanh dưới 10% (ngoại trừ giáo dục).

Với nhóm giao thông, mỗi lần có đợt tăng giá xăng dầu, CPI cũng chịu ảnh hưởng lớn và luôn gây ra sự bức bối trong dư luận. Trước đợt giảm 300 đồng/lít xăng hôm 1/8 vừa qua mà nhiều người cho là “giảm như không”, xăng đã có 3 lần liên tiếp tăng đều trên dưới 400 đồng/lít. CPI nhóm này cũng có nhiều tháng vượt tốc hơn 1%, như tháng 4 tăng 1,22%, tháng 7 tăng 1,34%, tháng 8 tăng 1,11%.

Đáng chú ý là, khi giá xăng dầu thế giới giảm, Nhà nước lại ưu tiên tăng thu cho ngân sách trước khi giảm giá cho người dân. Đến nay, thuế nhập khẩu xăng ở mức 18%, là mức gần kịch trần theo barem của Bộ Tài chính.

Bức bối nhất là việc âm thầm tăng thêm 5% từ 1/8 của giá điện. Kể từ khi Chính phủ “mở cửa” cho giá điện theo thị trường, 2 năm trở lại đây, giá điện cứ đến hẹn lại tăng tăng 5%. Mỗi “trận” tăng cách nhau chừng nửa năm. Chưa kể, đã thản nhiên tăng giá, ngành điện còn luôn kể lể chưa thể đủ bù cho khoản lỗ hàng ngàn tỷ đồng trước đó. Chính bởi vậy, không ai biết được sẽ còn phải chịu bao nhiều cái tăng 5% như vậy nữa thì cơn bão giá điện mới tạm tan.

CPI thấp là thấp trên thống kê còn với túi tiền của người dân hiện nay, mức giá bán lẻ trên 24.000 đồng/lít xăng hay mức giá hơn 2.000 đồng/kWh từ bậc thang tiêu thụ điện thứ 3 trở lên là không hề rẻ.

Lạm phát có thể là con số rất đẹp, đẹp như dự báo nhưng với đời sống dân sinh, đó vẫn là gánh nặng. Bởi là gánh nặng nên sức mua trong dân chúng mới yếu ớt như vậy. Hàng vạn doanh nghiệp lao đao từ năm ngoái, đến nay vẫn chưa hồi phục lại.

Theo VEF.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC