Những kiến thức về các cuộc chiến tranh biên giới, chủ quyền biển đảo vẫn được các trường THPT lồng ghép vào trong nhiều chương trình.

 

Lồng ghép vào các chương trình dạy học tích hợp

Hiện nay, SGK hiện hành đề cập rất ít đến cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung, chiến tranh biên giới Việt Nam - Campuchia và một số nội dung liên quan đến Trường Sa, Hoàng Sa. 

Vì thế, Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường học đưa nội dung trên vào bài giảng, hoặc có thể là hoạt động ngoại khóa, chuyên đề, trong thời gian chờ đợi Bộ xem xét đưa thêm kiến thức này vào SGK mới.

Chúng tôi cũng lồng ghép vào các chương trình ngoại khóa, các bài học, cụ thể trong các chương trình dạy học tích hợp, ngoài giờ lên lớp, nhưng chỉ là các nội dung cần thiết.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, Lạng Sơn cho biết:

"Hiện nay, chúng tôi vẫn đưa vào chương trình giảng dạy, nhưng chủ yếu vẫn chỉ dừng ở mức giáo dục, tuyên truyền về vấn đề chủ quyền biển đảo, biên giới, nhưng không nhắc quá nhiều.

Thực ra về góc độ lịch sử chúng ta vẫn cứ phải đưa các kiến thức về chiến tranh biên giới, kiến thức chủ quyền biển đảo vào SGK, để phản ánh lịch sử, còn đánh giá mức độ cần thiết sẽ còn tùy thuộc từng địa phương".

 

Học sinh Việt học về chiến tranh biên giới thế nào? - 0

Bộ đội Việt Nam đánh trả quân Trung Quốc xâm lược tại Lạng Sơn năm 1979. Ảnh tư liệu

Đồng thời, là các chương trình hội thảo về sách giáo khoa biển đảo, tham quan thư viện, mượn sách tham khảo.

Bên cạnh đó, theo ông Thắng chia sẻ, hiện nay, trường Chu Văn An cũng đưa các em đi tham gia các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, cho nên các trường hay tổ chức, đặc biệt bộ môn cho các em đi tham quan Bảo tàng lịch sử.

Từ đó, đánh thức tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức trong việc phải có trách nhiệm bảo vệ Tổ Quốc của học sinh.

Cùng là một tỉnh biên giới, ông Đinh Trọng Dũng - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên tỉnh Cao Bằng cũng cho hay: "Hiện nay, trường chuyên vẫn có các chuyên đề về chiến tranh biên giới, có các đêm văn nghệ lồng ghép kiến thức vào cho học sinh tiếp cận kiến thức.

Những buổi hoạt động ngoại khóa này đã đáp ứng được nhu cầu của học sinh, cụ thể các học sinh chuyên Sử.

Cụ thể, thường tháng 2 và tháng 3 thì chúng tôi tổ chức các chương trình văn nghệ, bao gồm các tiểu phẩm, hoạt cảnh mô tả lại không khí các cuộc chiến.

Tất cả các hoạt động này lại do bên Đoàn TNCS HCM đứng dậy phát động thực hiện".

Mặt khác, đối với các học sinh miền núi, đặc biệt là Cao Bằng, vùng đất biên giới, thì kiến thức về các cuộc chiến tranh biên giới, đặc biệt là cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979, cho đến các kiến thức về chủ quyền biển đảo, các em đều nắm bắt rất rõ.

Bởi vì, tại các buổi hoạt động ngoại khóa, các buổi sinh hoạt văn nghệ, nhà trường đều đưa vào liên tục.

"Một năm chúng tôi có 2 chuyên đề về vấn đề này, do bộ môn Sử và bộ môn Văn tổ chức, kết quả đạt được rất tốt, nhưng kinh nghiệm là phải áp dụng vào các chương trình ngoại khóa, không nên để khô khan.

Còn bản thân đưa các kiến thức về chiến tranh biên giới, hay chủ quyền biển đảo vào SGK hay không, tôi thấy không nên quá nghiêm trọng vấn đề. Bộ GD&ĐT nên có hướng đưa các kiến thức này vào các chương trình ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ.

Về phía Sở GD&ĐT tỉnh Cao Bằng cũng đã chỉ đạo các trường THPT phải đưa các kiến thức hải đảo, Biển Đông vào thường xuyên, nên học sinh mới nắm bắt rõ như vậy, cho nên quan trọng nằm ở chủ trương từng tỉnh, từng Sở", ông Dũng chỉ rõ.

Tuy nhiên, ở trường chuyên thường có các chuyên đề buộc phải làm, ngoài kiến thức SGK, thì giáo viên phải có các chương trình dạy lồng ghép, đặc biệt chương trình giảng dạy cho đội tuyển học sinh giỏi quốc gia.

Các học sinh tiếp nhận thông tin rất hứng khởi, nhanh chóng, riêng học sinh trường chuyên thì dễ tiếp thu hơn là học sinh các trường THPT bình thường.

Đưa học sinh đi tham quan Bảo tàng

Là địa phương ở khu vực miền Trung, cũng chia sẻ quan điểm, ông Võ Văn Khánh - Phó Hiệu trưởng Trưởng THPT Tôn Thất Tùng, TP Đà Nẵng cho biết:

"Những kiến thức về chiến tranh biên giới, hay kiến thức hải đảo đưa vào chương trình giảng dạy chúng tôi vẫn đang thực hiện, đưa theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT thành phố.

Hiện nay, Sở cũng có quyển sách giáo dục địa phương, Sở yêu cầu dạy phần giáo dục địa phương, nhà trường bám vào nội dung quyển sách trên để giảng dạy.

Sở cũng đã có chỉ đạo cụ thể, dạy bài nào, chương trình nào, sách nào thì chúng tôi dạy theo.

Bên cạnh đó, chúng tôi có tổ chức các buổi ngoại khóa, dẫn học sinh đến các Bảo tàng ở Đà Nẵng, ở đó có các hướng dẫn viên sẽ giới thiệu cho các em về các kiến thức biển đảo".

Châu An/ Đất Việt




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC