Sau một hồi loay hoay tìm không ra, chị Hòa hỏi nhân viên siêu thị chỗ bày bán bột dinh dưỡng cho trẻ em. Đáp lại cô nhân viên chừng 30 tuổi hất hàm về phía quầy hàng trước mặt, mắt không rời khỏi chiếc điện thoại di động.

Chị Hòa lại khệ nệ xách chiếc giỏ vào góc bên trong và lia mắt nhìn quanh vẫn chẳng thấy sản phẩm cần mua. Quay lại phía nhân viên bán hàng, cô này đã rời khỏi vị trí cũ để sang buôn chuyện với mấy đồng nghiệp bên quầy mỹ phẩm.

Cố nén nỗi bực dọc, chị Hòa vòng ra phía sau quầy hàng và cố gắng tìm thật kỹ. 10 phút sau, chị phát hiện sản phẩm cần mua nằm ở dãy trong cùng của gian hàng và nó bị che khuất bởi các mặt hàng khác.

Nếu như vào ngày nghỉ chị Hòa đã "nổi cơn thịnh nộ" sẵn sàng làm cho ra nhẽ thái độ thiếu trách nhiệm của nhân viên siêu thị. "Nhưng lúc đó là 6h30 tối, mình vừa đi làm về, người mệt lừ chỉ muốn nhanh nhanh chóng chóng về nhà nên không muốn đôi co. Đúng là ở cái thời buổi vạn người bán, trăm người mua mà thượng đế vẫn khổ quá", chị Hòa nhận xét.

Tại cửa hàng quần áo trên đường Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội lúc 18h chiều, 5 phụ nữ đang loay hoay chọn đồ và thi nhau ướm thử hàng. Chẳng bận tâm đến khách, mấy nhân viên nữ túm tụm lại một chỗ trò chuyện. Cô nhân viên khác thì vừa gấp lại những chiếc quần khách đã thử, miệng lẩm bẩm không thành tiếng rồi vứt toẹt chỗ hàng đã xếp lên quầy.

 

Khi

Khách hàng là người bỏ tiền ra mua sản phẩm và họ phải được hưởng dịch vụ một cách tốt nhất

Chị khách hàng sau khi chọn được một chiếc áo vừa ý liền quay sang hỏi giá. Chẳng thèm nhìn khách, cô bán hàng dấm dẳng: "Giá ghi trên mác áo ấy, chị không nhìn thấy à?". Chị khách bực mình định trả lại áo nhưng cậu trưởng nhóm bán hàng kịp xuất hiện và xin lỗi khách hàng nên thương vụ mua bán vẫn thành công. Bước ra khỏi cửa chị khách "ném" lại một câu thề độc sẽ không bao giờ quay lại.

Chị Thu Hà vẫn nhớ mãi một buổi sáng thứ 7 cùng người bạn lòng vòng ra phố Hàng Dầu, Hà Nội để mua dép. Hai đứa loay hoay chọn mãi vẫn không tìm được đôi ưng ý. Cô bạn gái đi cùng thì có đôi chân "quá khổ" còn chị thì chân lại hơi nhỏ. Thành thử mất gần nửa giờ hì hục thử, cả hai vẫn không ưng ý chiếc nào. Thấy thế, cô bé bán hàng sẵng giọng: "Sao biết chân quá khổ rồi mà còn đến mua hàng. Sáng ngày ra đã gặp sao chổi. Hãm".

Ngại đôi co, chị Hà rời khỏi cửa hàng. Nhưng chị chưa kịp dắt xe xuống đường đã thấy cô bán hàng xé toạc một tờ báo vặn xoắn lại rồi châm lửa đốt. Cô hua qua hua lại mẩu giấy đang cháy trước bánh xe chị rồi lại sượt qua kệ dép. Sau đó, cô này giạng chân ra, luồn ngọn lửa qua háng rồi ném bộp mảnh giấy cháy dở ra ngoài cửa sát ngay chân người bạn chị Hà.

Giống như tâm lý của đông đảo người tiêu dùng khác, sau khi rời khỏi cửa hàng chị Hà cũng tự thề với mình là sẽ không bao giờ quay lại đây nữa.

Anh Hùng, Phó giám đốc một công ty xăng dầu tại TP HCM than thở chuyện đi ăn phở ở Hà Nội. Cách đây 2 tuần anh ra thủ đô và được người bạn dẫn ra quán phở được quảng cáo là nổi tiếng trên phố Lê Văn Hưu. Vừa bước ra khỏi cửa xe đã thấy đập vào mắt một đống rác nằm chình ình ngay gần khu chế biến đồ ăn. Khách bước vào, chủ quán hỏi mỗi câu: Ăn gì? Nhưng mắt vẫn không rời khỏi miếng thịt bò chín đang thái dở.

Anh bạn đi cùng nhanh nhảu gọi 2 bát bò tái chín kèm theo một quả trứng gà và đĩa quẩy rồi vào chỗ ngồi. 15 phút sau, mới thấy nhân viên bê phở tới. Cũng chẳng nói chẳng rằng cô nhân viên đặt uỵch bát phở xuống bàn rồi quay đi. Nhìn bát phở thấy thiếu mất quả trứng gà, anh gọi với cô nhân viên. Chẳng thấy ai ngoài một câu đáp lại từ phía trong gian bếp: "Đợi chút".

"Ăn được một bát phở bổ béo đâu chưa thấy mà chỉ biết mua được cả đống cái bực mình. Đúng là không phải lúc nào khách hàng cũng là thượng đế", anh Hùng nhận xét.

Chủ các tiệm kinh doanh cho biết họ luôn yêu cầu nhân viên bán hàng có thái độ thân thiện cởi mở với người mua. Nhưng không phải lúc nào, phương châm "Khách hàng là thượng đế" cũng được nhân viên thực hiện một cách đầy đủ.

Giám đốc bán hàng một công ty viễn thông ở Hà Nội - người nghiên cứu khá sâu về lĩnh vực maketting bán hàng cho rằng phải nhìn nhận thực tế rằng không phải lúc nào người mua cũng có thái độ đúng mực. Có chị mua một vài cái sim điện thoại nhưng lại hạch sách đủ kiểu rất ức chế với nhân viên. "Nhưng nhìn chung chúng tôi quan niệm rằng, khách hàng bỏ tiền ra mua sản phẩm và họ phải được hưởng dịch vụ một cách tốt nhất", vị giám đốc này nói.

Theo Vnexpress.





 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC