Luật Thủ đô tiếp tục "đòi" hạn chế nhập cưMuốn nhập cư vào nội thành Hà Nội phải “có biên chế”, có nhà ở hoặc nhà thuê với diện tích tối thiểu 5m2/người và đã ở đó từ 3 năm trở lên…

 Đây là quy định nhằm hạn chế người nhập cư được quy định trong dự thảo Luật Thủ đô do Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường trình bày trước Quốc hội sáng nay, 26.10.

 

Theo đó, Ban soạn thảo luật Thủ đô đưa ra 2 phương án quy định việc “siết” điều kiện nhập cư. Phương án 1, người lao động “có biên chế” hoặc hợp đồng lao động không xác định thời hạn được đăng ký thường trú ở nội thành với điều kiện có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở. Ngoài ra, thời hạn tạm trú tại chỗ ở đó phải đảm bảo từ đủ 3 năm trở lên.

Phương án 2 còn chặt hơn nữa: khi nhà thuê thì phải bảo đảm diện tích mặt sàn tối thiểu là 5m2/người.

Theo tính toán của Bộ Tư pháp, nếu áp dụng phương án 1, mỗi năm số người đăng ký thường trú vào nội thành Hà Nội sẽ giảm khoảng 28% (tương đương 14.000 người) so với hiện nay. Còn phương án 2 thì giảm khoảng 38% (tương đương 19.100 người).

Điểm mới quan trọng trong dự thảo Luật lần này so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội khóa XII là bổ sung quy định các biện pháp về kinh tế - kỹ thuật bên cạnh biện pháp hành chính nhằm giảm tải việc tập trung dân cư quá đông trong khu vực nội thành. Theo đó, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành biện pháp ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm nhằm hạn chế tình trạng di dân tự phát vào nội thành.  

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng thực tế tình trạng gia tăng dân số cơ học ở Thủ đô hiện nay là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải đối với hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo nên những áp lực về giao thông, trường học, chỗ ở, y tế, việc làm…

“Việc quy định điều kiện đăng ký nhập hộ khẩu vào nội thành Hà Nội chặt chẽ hơn đối với một số đối tượng tuy chưa phải là giải pháp tối ưu để quản lý dân cư nhưng cũng là một trong những giải pháp cần thiết kết hợp với các giải pháp khác nhằm giãn bớt số lượng dân cư thường trú trong nội thành”, báo cáo nêu rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết: nhiều ý kiến tán thành với Phương án 1 quy định về điều kiện đăng ký thường trú ở nội thành Hà Nội như quy định của dự thảo Luật.

Tuy nhiên, Ủy ban này cũng lưu ý về lâu dài cần phải có các giải pháp tổng thể, đồng bộ về kinh tế - xã hội, quy hoạch, như chuyển một số cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ quan, tổ chức ra khỏi nội thành; hạn chế việc xây dựng các chung cư cao tầng trong nội thành, xây dựng tuyến đường giao thông thuận lợi kết nối nội thành với ngoại thành và các vùng phụ cận... thì mới có thể giải quyết được tận gốc vấn đề này.

Theo Đất Việt.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC