Người trí thức khuyết tật và Bệnh xương thủy tinh cướp đi đôi chân của chị. Mọi di chuyển đều nhờ chiếc xe lăn. 9 tuổi Lan Anh mới  đi học lớp 1. Nhưng chị đã không ngừng vươn lên và "mạnh dạn" mơ ước trở tành đại biểu Quốc hội. Hiện chị  đang làm việc tại Trung tâm Kinh tế và Phát triển Cộng đồng, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam.

Nhớ hết những chuyện buồn, trái tim sẽ đầy đất đá

Thú thực là tôi bị ấn tượng mạnh với hình ảnh một phiên dịch viên ngồi xe lăn như chị. Tại sao chị lại chọn nghề này?

Tôi học ĐH Ngoại ngữ. Ra trường tôi đi làm phiên dịch. Tôi cho rằng đó là cách để mình bình đẳng với mọi người. Cùng với việc đi làm phiên dịch tôi còn quản lý diễn đàn http:/www.ideavietnam.org cho người khuyết tật.

Công việc phiên dịch  phải đi lại nhiều mà chị lại di chuyển bằng xe lăn. Có bao giờ chị thấy ái ngại hoặc sự kỳ thị?

Đúng là tôi thường xuyên phải đi gặp các đối tác. Nhưng sự phân biệt hay kỳ thị với người khuyết tật trong giới trí thức, những người có hiểu biết gần như không có.

Vậy ngoài giới trí thức ra thì sao?

Cũng có không ít người rất vô duyên. Họ dùng những từ ngữ không tốt. Với người khuyết tật thì họ nhạy cảm hơn người bình thường. Vì thế, chỉ cần một tiếng còi xe thôi có khi cũng làm họ mất ăn mất ngủ cả tuần lễ.

Chị vừa nói dứt lời thì một chiếc ô tô đi ngang qua. Mặc dù nơi chúng tôi ngồi trò chuyện là khuôn viên của một khu nghỉ dưỡng nhưng người lái xe vẫn bấm còi inh ỏi. Chị vội vã di chuyển để tránh đường rồi nhìn theo người lái xe đầy buồn rầu. Tôi hiểu được phần nào cảm giác của chị và hỏi chuyện tiếp. Lần mà chị cảm thấy bị xúc phạm nhất là gì, chị còn nhớ không?

Tôi không nhớ được. Nếu nhớ thì trái tim tôi giờ đã đầy đất đá rồi. Tôi nghĩ, xã hội cần có cái nhìn thiện cảm hơn với người khuyết tật. Nhìn nhận họ với những đóng góp cho xã hội chứ không phải là những sinh vật chỉ biết ăn bám và vô tích sự.

Người trí thức khuyết tật và

Cơ thể và cái đầu

Đã có bao nhiêu người khuyết tật được chị giúp đỡ để có công việc?

(Cười) Nhiều lắm. Không nhớ được. Chẳng bao giờ mình tính cả bởi đó là công việc, là tâm huyết, niềm vui của mình mà.

Nói đến phiên dịch viên, người ta thường liên tưởng đến một người có hình thức ưa nhìn, linh hoạt, di chuyển nhiều. Chị có ngại không khi gặp chị người ta sẽ có một liên tưởng khác?

Tôi không có cảm giác đó. Hiện văn phòng tôi có nhiều phiên dịch nhưng khi có các cuộc họp với đối tác lớn thì mọi người thường yêu cầu tôi làm phiên dịch riêng cho chuyên gia. Vì thế công việc của tôi không giống như các phiên dịch khác mà chỉ là một đồng nghiệp để nói lại cho họ hiểu.

Không có nhiều người khuyết tật giỏi ngoại ngữ, chị có cho đó là ưu thế của mình?

Thời sinh viên đi học còn không có xe lăn. Vì thế việc di chuyển rất hạn chế. Nhưng cũng chính vì vậy mà thời gian rảnh rỗi tôi có nhiều. Do vậy mà thời gian dành cho việc học so với các bạn khác cũng có thể nhiều hơn. Có lẽ vì thế mà khá hơn một chút so với bạn bè.

Cũng còn một lý do khác. Tôi luôn nghĩ mình không vận động được cơ thể thì cái đầu mình phải vận động. Vì thế mà trong suốt những ngày đi học, lúc nào tôi cũng đứng ở top đầu. Tôi cho rằng đã đi học thì phải học thật tốt. Không được dừng lại. Không được để cái đầu ngừng vận động.

Tôi tò mò một chút. Thời sinh viên rất nhiều người ra trường với một vài mối tình vắt vai. Tôi không hiểu với chị thì thế nào?

Có chứ. Cũng yêu. Cũng mãnh liệt như mọi người thôi. Và mối tình mãnh liệt đó hiện đã là chồng của tôi. Anh ấy làm cho một tổ chức phi chính phủ. Con trai chúng tôi đã 2 tuổi rồi.

Ước mơ là cái đích để tôi cố gắng

Mơ ước bây giờ của chị?

Mơ ước là kiếm một cái chân đại biểu Quốc hội.

Ồ. Thật thú vị. Chị có thể chia sẻ nhiều hơn về ước mơ này không?

Tôi còn nhớ hôm đóng góp Dự thảo Luật cho người khuyết tật, có một đại biểu là người Kiên Giang. Chị đó bị khuyết tật. Nhờ chị đó mà Dự thảo Luật có tiếng nói trước Quốc hội. Chị ấy đã trình bày những tâm tư, tình cảm, nỗi khó, khổ của người khuyết tật. Tôi theo dõi rất kỹ các hoạt động của chị ấy và thán phục con người có nhiều nghị lực đó.

Người trí thức khuyết tật và

Vậy nếu chị là đại biểu Quốc hội, chị sẽ làm gì?

Tôi có rất nhiều dự định ấp ủ và chưa thể nói trước được điều gì. Tháng 5/2010, Luật Người khuyết tật sẽ ra đời có hiệu lực chính thức từ 1/1/2011. Con đường cho người khuyết tật dù còn lắm gian truân nhưng đã rộng mở hơn rất nhiều.

Vậy theo chủ quan thì có cản trở nào trên con đường chị đi đến hiện thực hóa ước mơ của mình không?

Tôi chưa phải là đảng viên. Không học hàm học vị.

Tiếng nói của người khuyết tật trong xã hội cũng không cao. Tôi chỉ âm thầm tích lũy kinh nghiệm. Cố gắng làm được cái gì có ích là làm. Vì thế ước mơ chỉ là cái đích để tôi cố gắng nhiều hơn nữa trong cuộc sống. Còn ước mơ có thành hiện thực hay không thì tôi nghĩ rằng còn cần phải có cơ duyên.

Nếu là người bình thường thì chị sẽ...?

(Cười rồi nói ngay - PV) Sẽ rất ăn chơi và không hề giản dị. (Chị dừng lại nghĩ một lúc lâu rồi nói tiếp - PV) Nói vậy thôi, chứ nếu là một người bình thường thì có khi tôi đã không làm được nhiều như thế này. Tôi thích kinh doanh. Thích làm các công việc liên quan đến thời trang. Nhưng rồi bản thân tôi lại không thể phát triển theo hướng đó nên đành gác lại.

Tôi thấy thật thú vị khi được trò chuyện và được chị chia sẻ những suy nghĩ của mình. Tôi xin chúc cho chị sớm đạt được ước mơ "bé nhỏ" của mình.

Theo Bee.

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC