Hôm qua (16.1), tròn 1 tháng kể từ ngày hệ thống xe đạp công cộng chính thức được đưa vào vận hành tại khu vực trung tâm TP.HCM.

Hệ thống xe đạp công cộng đang dần trở thành một loại hình phương tiện quen thuộc với người dân TP.HCM.

1 Phat Hien Hanh Vi An Cap Xe Dap Cong Cong Sau 1 Thang Thi Diem

Xe đạp công cộng xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố TP.HCM

Ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trí Nam (chủ đầu tư dự án) cho biết sau 1 tháng thí điểm, phía công ty ghi nhận hơn 60.000 khách hàng đăng ký; tổng số giờ xe chạy đạt hơn 63.000 giờ, tương ứng với hơn 418 km.

Theo nguồn tin của Thanh Niên, tối qua (16.1), lực lượng Công an TP.HCM trong thời gian đi tuần đã phát hiện đối tượng có hành vi ăn trộm xe đạp công cộng. Thông tin ban đầu, đối tượng này đã bị công an tạm giữ ngay khi đang chở chiếc xe đạp nằm trong hệ thống của Tập đoàn Trí Nam bằng xe máy di chuyển trên đường.

Đại diện Trí Nam xác nhận đây là trường hợp đầu tiên phát hiện hành vi cố tình di chuyển xe đạp công cộng không đúng mục đích. Trước đó, có một số trường hợp người dân để xe đạp không đúng vị trí trả xe (đa phần để trước cửa chung cư, sau đó bảo vệ dắt xe xuống hầm), ngay khi hệ thống GPS phát tín hiệu cảnh báo có bất thường, đơn vị vận hành đã lập tức cử người xuống nơi được định vị để nhận lại xe.

Ông Đỗ Bá Dân đánh giá mọi việc đang vận hành đi vào ổn định. Phía công ty vẫn đang tiếp thu ý kiến thông qua nhiều kênh và nâng cấp, hoàn thiện hệ thống, phục vụ người dân một cách tốt nhất. Song song, Trí Nam dự kiến sẽ làm việc với lãnh đạo thành phố, đề xuất sớm nhân rộng hệ thống trên địa bàn nhiều quận, huyện, đồng thời kết nối sâu hơn với mạng lưới xe buýt, sân bay Tân Sơn Nhất và các tuyến metro trong tương lai.

"Sắp tới, xe đạp công cộng sẽ được triển khai ở Hà Nội, Vũng Tàu và Đà Nẵng. Sau các giai đoạn thí điểm, chúng tôi sẽ đề xuất tiếp tục nhân rộng phạm vi ở các thành phố" - vị này thông tin.

Mô hình xe đạp công cộng tại khu trung tâm TP.HCM được chính thức đưa vào thí điểm sáng 16.12.

Để sử dụng dịch vụ này, người dân cài đặt (miễn phí) ứng dụng TNGO trên điện thoại thông minh. Sau đó, dùng chính ứng dụng này để quét mã code mở khóa xe sử dụng.Sau khi hoàn tất chuyến đi, người dùng đậu xe vào đúng nơi quy định để khóa xe. Nếu người thuê xe không trả phương tiện về đúng trạm bất kỳ thì hệ thống vẫn tiếp tục tính tiền.

Mỗi xe đạp đều gắn GPS, giúp kiểm soát vị trí xe và sẽ có những cảnh báo gửi lên ứng dụng.

Giá vé giai đoạn thí điểm được tính theo thời gian: 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/60 phút... Thanh toán thông qua một số loại ví điện tử, tài khoản ngân hàng.

Nguồn: Báo Thanh Niên điện tử




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC