Sở Giao thông Hà Nội giải trình về văn bản bị 'tuýt còi'Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, văn bản 89 ban hành đúng quy định và không gây phiền hà cho doanh nghiệp như phản bác của Cục Đường bộ.

Theo ông Linh, Hà Nội là đô thị đặc biệt, có những đặc thù về tổ chức giao thông. Trước khi Bộ Giao thông Vận tải ban hành quyết định 16 về vận tải khách bằng ôtô tuyến cố định, hợp đồng, Sở đã kiến nghị yêu cầu các bến xe trên địa bàn khi ký hợp đồng cho các phương tiện của doanh nghiệp vận tải vào bến đón trả khách phải có ý kiến của Sở Giao thông vận tải Hà Nội.

Theo ông Linh, kiến nghị của Sở Giao thông công chính Hà Nội (nay là Sở Giao thông vận tải) đã không nhận được phản hồi của cơ quan cấp trên. Do đó, để thực hiện tốt Nghị quyết 32 của Chính phủ, đồng thời tránh tái diễn tình trạng quá tải như những năm trước tại bến xe Giáp Bát, Lương Yên..., Sở đã thực hiện một số giải pháp đã kiến nghị trên và văn bản 89 đã ra đời.

Theo ông Linh, quyết định 16 của Bộ Giao thông vận tải hiện nay có nhiều bất cập. Nếu cho rằng, văn bản của Sở gây phiền hà cho các doanh nghiệp thì với cách quản lý hiện nay, doanh nghiệp còn gặp khó khăn hơn.

"Hiện một doanh nghiệp muốn khai thác tuyến phải 4-5 lần cầm giấy tờ gõ cửa các bến xe, sau đó, họ mang giấy đến Sở Giao thông vận tải các tỉnh xin phép. Với văn bản 89, các doanh nghiệp muốn khai thác tuyến ở Hà Nội chỉ cần xin phép Sở Giao thông Hà Nội là có thể vận hành", ông Linh nói.

Sau khi nhận được văn bản của Cục Đường bộ, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có báo cáo với Bộ trưởng Giao thông Vận tải và Chủ tịch UBND Hà Nội. Bộ trưởng đang giao cho Vụ Vận tải phối hợp với Sở Giao thông vận tải Hà Nội để giải quyết.

Trước đó, Cục Đường bộ đã có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND Hà Nội chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra thu hồi văn bản 89. Theo quyết định 16 của Bộ Giao thông Vận tải, việc yêu cầu các doanh nghiệp vận tải đăng ký cụ thể kế hoạch năm 2009 của từng tuyến chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp đăng ký lần đầu, bổ sung xe hoặc thay xe khai thác tuyến, không áp dụng đối với doanh nghiệp đang khai thác trên tuyến.

Ngoài ra, việc yêu cầu các doanh nghiệp vận tải khi ký kết hợp đồng khai thác với các bến xe phải có đủ ý kiến và chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý hai đầu tuyến là không đúng quy định, gây phiền hà cho các doanh nghiệp.

Cục Đường bộ cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu UBND Hà Nội chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn các doanh nghiệp vận tải có liên quan không thực hiện các nội dung trái quy định tại văn bản đã ban hành.

Đây là lần thứ hai trong năm, các văn bản của Hà Nội bị các cơ quan trung ương phản bác vì cho rằng, trái quy định, gây phiền hà.

Đầu tháng 2, Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp đã có văn bản cho rằng, quyết định 51 cấm vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm trên xe máy, xích lô, xe đạp là không có căn cứ, biểu hiện của "ngăn sông, cấm chợ".

Sau đó, UBND Hà Nội đã họp bàn và quyết định tiếp tục cho phép người dân dùng xe máy để chở gia súc, gia cầm.

Theo Vnexpress.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC