Tảo tần "hậu phương" nghề cá  Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10) cũng như bao nhiêu ngày khác, các bà các chị ở các cảng cá Đà Nẵng vẫn bắt đầu một ngày mới từ 2-3h sáng, khi những khoang thuyền đầy ắp quà của biển cập bờ 

 Chợ cá Thuận Phước (Đà Nẵng) chừng 6-7h sáng đã bắt đầu vãn người. Các bà, các chị cho biết, thuyền về từ lúc 2-3h sáng, và các chị cũng tất tả ra bến giờ đó. 50 tuổi, có gần 30 năm theo nghề này, bác Nguyễn Thị Nhơn, nhà ở Q. Thanh Khê (Đà Nẵng) cho biết: “Chồng với hai đứa con trai tôi và mấy người “đi bạn” (ngư dân chung thuyền cá) làm nghề biển lâu năm rồi. Cứ thuyền về tới bờ là phụ nữ bọn tôi chờ sẵn ở bến khuân hàng vào bờ, phân loại rồi bỏ cho các mối lấy hàng ngay tại bến. Còn thì chia nhau tỏa đi các chợ trong thành phố. Cái nghề ni cực lắm chớ, thức dậy từ 2-3 giờ sáng, chân đẵm nước biển quanh năm. Trời mát còn đỡ, trời lạnh còn cực hơn. Chưa kể người lúc nào cũng có cái mùi đặc trưng của biển. Nhưng quen rồi. Tôi không phải người xứ biển ni nhưng về làm dâu làng biển, thuyền theo lái, gái theo chồng nên bám theo cái nghề ni rứa thôi”.

Khuân rổ cá lớn phăm phăm băng biển từ chỗ các thúng nhỏ chuyển hải sản từ thuyền lớn vô bờ, thả phịch xuống bãi cát, đưa tay quệt mồ hôi, chị Trần Thị Tới, cũng bám cảng cá Thuận Phước mưu sinh, ngồi nghỉ, nhìn mấy rổ cá tươi rói xếp thẳng một hàng, cười nói: “Bữa ni nhiều đồ ngon chắc ngày ni bán được. Vui nhất là mấy ngày thuyền về no như ri đây. Mà mẫy năm ni nghề biển cũng vô chừng lắm. Có hôm cá, tôm đánh bắt được bán xong chưa đủ tiền đổ dầu cho tàu chạy. Rứa là lỗ, công cốc. Ngày mô biển động mà tàu nhà mình còn ở ngoài khơi thì lo đứng lo ngồi có yên đâu. Làm cái nghề ni phải có sức bươn bả nên con gái tôi lớn lên không theo nghề của mẹ tôi cũng ừ”.

“Bạn hàng” của các bà, các chị nhà thuyền thu mua hải sản ngay tại cảng cũng đa phần là phụ nữ. Phái yếu vậy mà họ có thua gì cánh đàn ông. Cũng dậy từ nửa đêm chạy xe ra bến, cũng hùi hụi khuân hàng, cũng đen nhẻm, cũng những gương mặt hằn những nếp dãi dầu sương gió… Chị Phần, ở tận Thăng Bình (Quảng Nam) đã quen mỗi ngày chạy xe máy 40-50km  từ Thăng Bình ra Đà Nẵng lấy hàng. Đóng hàng xong rồi lại chạy về Thăng Bình mang ra chợ bán. Ngại ngần khi chúng tôi tỏ ý muốn ghi hình, chị cười lỏn lẻn: “Thì có nghề chi mà không cực. Nhưng nghề ni chịu khó cũng được. Có ngày trừ tiền xăng cũng còn lời một, hai trăm nghìn. Thấy cực không làm thì lấy cái chi mà ăn. Nhà có 4 đứa con đều còn tuổi ăn học hết. Chi thì chi chớ cũng phải lo cho tụi hắn học hành. Thời buổi chừ phải có cái chữ…”.

Cũng tảo tần mưu sinh ở cảng cá là các bà các chị gánh nước thuê. Có nhiều loại hải sản cần ngâm nước để tươi sống như cua, ghẹ… Nên hễ hàng vừa vô bãi, trút ra chậu là họ quảy quả gánh nước từ ngoài biển vào đầy chậu. Một gánh như vậy tiền công 500 - 1000 đồng. Một buổi chợ, họ kiếm được vài mươi nghìn. Mồ hôi thấm trong từng đồng bạc lẻ. Thương nhất các cụ già, đã ở vào cái tuổi thất thập cổ lai hi vẫn cặm cụi, tỉ mẩn nhặt nhạnh, phân loại từng con cá nhỏ vụn nhất sau khi những nước hàng đầu đã theo xe lớn, xe nhỏ rời bến.

Những ngày lễ dành riêng cho phụ nữ như ngày hôm nay, ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, phố phường tràn ngập những hoa, những quà, và những lời chúc…, họ vẫn bắt đầu ngày mới từ nửa đêm về sáng, tất tả mưu sinh từ những món quà của biển theo tàu thuyền cập bờ. Hình ảnh các bà, các bác, các chị ở trong phiên chợ ngay cảng cá khi tàu vào bờ phác họa thêm nét đẹp tảo tần, chịu thương chịu khó của người phụ nữ Việt Nam.

 

Tảo tần

khi tàu thuyền cập bến thì các bà các chị đã đón đợi sẵn từ sớm

 

Tảo tần

phân loại hải sản và chia bán cho những mối quen thu mua hải sản về bỏ cho các chợ

 

Tảo tần

đa số những người gánh nước thuê ở cảng cá cũng là phụ nữ

 

Tảo tần

 

Tảo tần

mặt trời đã lên cao, chợ vãn dần, các bác, các cụ lớn tuổi vẫn tỉ mẫn nhặt nhạnh, phân loại từng con cá nhỏ.

Theo Dân trí.

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC