Việc yêu cầu taxi Hà Nội có cùng một màu sơn từ năm 2025 là lộ trình phù hợp, khoa học và đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. 

Lộ trình phù hợp

Sở GTVT đang tổ chức lấy ý kiến dự thảo quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn thành phố, dự kiến phê duyệt trong năm 2017.

Đáng chú ý trong đó có nội dung từ 2025, thống nhất áp dụng màu sơn chung đối với xe taxi hoạt động trên địa bàn thành phố.

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết hoàn toàn đồng tình với việc các taxi hoạt động trên địa bàn thủ đô sẽ có cùng một màu sơn.

Theo ông Liên, đây không phải là vấn đề mới mẻ. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, các nhà quản lý đã áp dụng một màu sơn đối với các hãng taxi và cho thấy rõ tính hiệu quả.

“Ở Mỹ thì taxi từ nhiều năm nay có màu sơn vàng. Ở Nhật Bản, ngành giao thông đặt 1 số mẫu xe mang về và lấy ý kiến. Sau đó, họ đã chọn 1 số mẫu xe để làm taxi và lấy màu đen làm chủ đạo.

Thông thường tại các nước, xe taxi ngoài màu sơn cùng nhau thì chỉ có thêm đèn mào, chứ không có các hình ảnh vẽ vời màu mè như taxi ở Việt Nam”, ông Liên nói.

Đối với dự thảo mà Hà Nội đưa ra, ông Liên cho rằng Sở GTVT có một lộ trình rõ ràng đến năm 2025 để các doanh nghiệp cũng như các hãng xe trên địa bàn thủ đô dần dần chuyển đổi.

Taxi Hà Nội sẽ cùng một màu sơn: Nhiều nước đã làm - 0

“Đến năm 2025 thành phố mới thống nhất toàn bộ. Bây giờ quá trình sửa chữa hoặc đăng ký mới, các hãng xe có thể thay thế dần màu sơn thành phố quy định. Đây là một việc làm rất khoa học.

Một xe niên hạn sử dụng khoảng 8 năm. Giả dụ thành phố yêu cầu thay thế ngay màu sơn thì các doanh nghiệp vẫn có thể xem xét để chuyển đổi. Thực tế khi sơn lại màu sơn thì các hãng taxi sẽ mất thêm 1 khoản phí nhất định.

Theo như tính toán mà anh em lái xe nói với tôi thì số tiền khoảng 2 triệu. Tuy nhiên nếu đông khách, lái xe thu nhập một ngày từ 800.000 – 1 triệu. Đặc biệt trong niên hạn 8 năm thì việc này cũng không đáng là gì cả”, ông Liên nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, việc để các hãng taxi ở Hà Nội có cùng một màu sơn, ông Liên khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc đón taxi cũng như tham gia loại hình vận tải này.

“Trong giờ cao điểm có hàng trăm xe ô tô cùng lưu thông trên đường. Nếu có 1 màu đặc trưng của taxi thì người dân khi có nhu cầu và gọi taxi sẽ yên tâm hơn khi đón xe.

Thứ hai, ngành công an người ta cần đảm bảo an ninh. Khi phát hiện nghi vấn những xe phạm pháp bỏ chạy thì các đài quan sát, xe quan sát đuổi theo, máy bay trên trời cứ nhìn vào màu sơn đó để tập trung”, ông Liên nhấn mạnh.

Đặc biệt, theo ông Liên, trong một xã hội phát triển văn minh thì nên có loại xe, hãng xe mang tính chất đồng phục về màu sơn.

“Xe buýt hiện nay chủ yếu là màu vàng đỏ và chúng ta có thể nhận biết một cách dễ dàng. Quan chức nhà nước đến Viện trưởng viện kiểm sát, Chánh tòa án cũng mặc đồng phục theo quy định.  Hay như học sinh ngày nay có đồng phục trông đẹp và nghiêm chỉnh hơn trước nhiều.

Tôi nghĩ việc taxi có một màu sơn thống nhất, tiến tới tạo thành đồng phục hoàn toàn có thể áp dụng”, ông Liên nói.

Không nên chia vùng hoạt động

Ông Bùi Danh Liên cũng nhắc đến phản ứng của một số hãng taxi khi cho rằng sử dụng một màu sơn sẽ tốn kém, hạn chế hoạt động kinh doanh hay trái với kinh tế thị trường.

Theo ông Liên, quan niệm như vậy là hoàn toàn sai và không hiểu gì về quy luật kinh tế thị trường.

“Các hãng đưa ra ý kiến như vậy chẳng qua là do họ không muốn làm. Theo tôi, màu sơn không phải là thương hiệu. Thương hiệu ở đây là chất lượng phục vụ hành khác của các hãng taxi.

Thực tế hiện nay nhiều hãng xe taxi lớn có đồng phục màu sơn. Tuy nhiên do giá cả đắt, chất lượng phục vụ không tốt nên không thể chiếm lĩnh được khách”, ông Liên khẳng định.

Một vấn đề khác được vị chuyên gia nhắc đến là việc tổ chức hoạt động kinh doanh vận tải bằng taxi theo vùng trong dự thảo được Sở GTVT Hà Nội đưa ra.

Theo đó, Hà Nội chia làm 2 vùng để các hãng taxi hoạt động. Vùng 1 bao gồm địa giới hành chính các quận tên địa bàn Thành phố, vùng 2 gồm địa giới hành chính tại các huyện thị xã còn lại của Hà Nội.

“Tôi không đồng tình với quy định xe khu vực 2 không được vào đón khách ở khu vực 1.

Điều này là vô lý và đi ngược lại quy luật phát triển của ngành giao thông vận tải.  Xe được đón trả khách ở tất cả các nơi đưa khách từ nhà tới nhà.

Chúng ta không được bế quan tỏa cảng như thời phong kiến được. Tôi nghĩ Hà Nội đưa ra quy định trên là để tránh tình trạng xe ngoại tỉnh vào làm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên thực tế việc đó rất ít và không đáng kể. Chủ yếu là taxi của Hà Nội quá nhiều cho nên gây ùn tắc giao thông”, ông Liên khẳng định.

 

Nguồn: Hà Hoàng

Báo Đất Việt




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC