Thêm 7.000 lao động sẽ mất việc tại TP HCMDự kiến gần 4.000 lao động có khả năng bị thôi việc và 3.378 người thiếu việc do doanh nghiệp giảm giờ làm trong thời gian tới, song đây chưa phải là tỷ lệ thất nghiệp cuối cùng của năm 2009.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của các quận huyện gửi về Sở Lao động Thương binh Xã hội TP HCM công bố sáng nay, dự kiến 7.000 người tại TP HCM đối mặt với nguy cơ không có việc làm trong những tháng tới.

Theo đó, quận Thủ Đức dẫn đầu về khả năng thôi việc, ước khoảng 1.459 lao động. Gò Vấp dự kiến mất 1.382 chỗ làm. Huyện Củ Chi dẫn đầu về số người thiếu việc do giảm giờ làm với con số 1.920.

Hiện TP HCM có tổng cộng gần 26.500 người lao động mất việc và 15.528 người thiếu việc (năm 2008, con số này là 35.000 người). Tuy nhiên theo Sở Lao động, 81% lao động mất việc nay đã có việc làm mới.

Giao ban với các quận huyện hôm nay, Phó Giám đốc Sở Lao động thương binh xã hội Nguyễn Văn Xê dự báo tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong các tháng tới sẽ còn khó khăn, nhất là ngành xuất khẩu. Thiếu đơn hàng, người lao động bị giảm giờ làm, thậm chí phải nghỉ việc, tạo áp lực trong vấn đề giải quyết việc làm mới ở TP HCM.

Một điểm đáng chú ý hiện nay tại các khu công nghiệp, khu chế xuất là nhiều công ty rao tuyển hàng nghìn lao động, song một số nơi, lao động cũng bị thải ra số lượng lớn không kém, nhưng cung - cầu lại chưa gặp nhau. Chính vì vậy, một số công ty thời gian qua tung chiêu thưởng 500.000 đồng hoặc nửa tháng lương nếu công nhân giới thiệu được người mới.

Theo Giám đốc Sở Lao động thương binh xã hội Lê Thành Tâm, tâm lý e ngại phải di chuyển xa, tìm chỗ trọ mới, thích nghi với địa bàn mới khiến nhiều lao động mất việc chọn giải pháp về quê, hoặc cố tìm cơ hội ở những công ty khác trên địa bàn, chứ không chọn đầu quân vào các nơi đang thiếu hụt nhân sự cả nghìn người nhưng thuộc khu vực khác.

Tuy nhiên, việc tuyển dụng tại nhiều doanh nghiệp hiện không phải xuất phát từ nhu cầu mở rộng sản xuất. Theo bà Đoàn Thị Thu Hà, Trưởng phòng quản lý lao động Ban quản lý các khu chế xuất, công nghiệp TP HCM, nhiều doanh nghiệp rao tuyển lao động để bù đắp chỗ trống do công nhân đã nghỉ việc. Đơn hàng giảm sút, bị giảm giờ làm, chính vì vậy, nhiều người lao động quyết định ra đi tìm nơi khác công việc ổn định hơn, khiến nhân công tại các khu công nghiệp biến động thường xuyên.

72 trên tổng số 110 doanh nghiệp nộp báo cáo đến Sở Lao động cho biết đang gặp khó khăn. Chỉ 15 công ty không ảnh hưởng, 22 đơn vị có đơn hàng tăng.

Trung tâm giới thiệu việc làm TP HCM cũng đã khảo sát cung cầu lao động trong quý I dựa trên 15.285 lao động tìm việc và gần 30.000 nhu cầu tuyển dụng của 773 doanh nghiệp theo 13 nhóm ngành nghề. Kết quả, nhóm ngành nghề sử dụng nhiều lao động phổ thông như dệt may, thủ công mỹ nghệ, bảo vệ, nguồn cầu cao hơn cung gần 50%. Trong khi đó, lao động có bằng cấp, trình độ chuyên môn cao lại không đủ đáp ứng cho thị trường. Ví dụ: nhóm ngành nghề marketing, dịch vụ, pháp lý, phục vụ, tỷ lệ cung vượt cầu 50%, ngành tài chính, ngân hàng, giáo dục, tỷ lệ này là 37%...

Năm 2009 tiếp tục chứng kiến sự khó khăn trong hoạt động doanh nghiệp. Một khảo sát mới đây của Talentnet (đơn vị tư vấn nguồn nhân lực) cho thấy, năm 2008 chỉ 2 trên tổng số 115 doanh nghiệp không tăng lương cho nhân viên, song đầu năm 2009 có đến 10 công ty tuyên bố đóng băng lương. Trong số đó, 9 công ty sẽ "lạnh" ở tất cả các cấp, 1 áp dụng cho cấp bậc chuyên viên trở lên. Riêng những công ty tăng lương có mức điều chỉnh trung bình thấp hơn 20% so với năm ngoái.

Theo Vnexpress.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC