Tiếp tục “nới” quyền mua nhà đất cho Việt kiềuNội dung sửa đổi Đ126 luật Nhà ở và Đ121 luật Đất đai được UBTVQH thảo luận chiều qua tiếp tục mở rộng diện đối tượng và quyền mua nhà đất với Việt kiều. Theo đó, người còn quốc tịch được cấp phép cư trú 3 tháng có quyền như công dân trong nước.

Hạ điều kiện và “thả” quyền

Với luật Đất đai hiện hành gắn với điều kiện về việc miễn thị thực cho người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài để được mua nhà, đến nay mới chỉ khoảng 140 Việt kiều được đứng tên sở hữu nhà mình. Con số quá ít đó được nhìn nhận do vướng luật “chặt”.

Theo tờ trình của Chính phủ về việc sửa đổi những quy định, điều kiện mua, sở hữu nhà của Việt kiều, đối tượng điều chỉnh sẽ được mở rộng, gồm cả những người có quốc tịch Việt Nam, có giấy phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên hoặc người gốc Việt Nam thuộc các trường hợp là nhà văn hóa, nhà khoa học, người có kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu, người kết hôn với công dân Việt Nam ở trong nước đều được sở hữu nhà.

Theo giải trình của Bộ trưởng Xây dựng Đỗ Hồng Quân, các đối tượng được mua nhà theo quy định tại điểm a, khoản 1 Đ126 sửa đổi này có quyền không giới hạn về việc mua nhà đất. Chỉ có một điểm “cài khoá” là điều kiện cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên.

Điều kiện này đã được “nới” hơn so với Đ126 hiện hành: cư trú với thời hạn được phép từ sáu tháng trở lên được sở hữu một nhà ở. Nội dung luật nhà ở hiện tại như vậy cũng “đá” quy định chỉ cho phép nhập cảnh trong thời hạn tối đa 90 ngày, sau đó, nếu có nhu cầu mới xét tới việc gia hạn.

Luật sửa đổi sẽ “hạ” cả điều kiện và xoá giới hạn quyền mua và sở hữu nhà ở với những Việt kiều được khuyến khích trở về đầu tư, góp sức xây dựng đất nước.

Với người gốc Việt Nam nhưng không thuộc các trường hợp đặc biệt nêu được giới hạn “chỉ được sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ, nếu có giấy miễn thị thực và đang tạm trú hợp pháp tại Việt Nam”.

Tuy nhiên, độ “nới” mạnh tay của cơ quan soạn thảo luật cũng nhận nhiều băn khoăn, do dự từ thường vụ Quốc hội.

Trưởng ban dân nguyện Trần Thế Vượng đánh giá luật sửa đổi quá “thoải mái”. Theo ông Vượng, cần có quy định để gắn điều kiện cư trú từ 3 tháng trở lên với thời gian sống thực tế trong nước của Việt kiều có nhu cầu mua nhà. Nếu không, chỉ cần giấp phép nhập cảnh với thị thực tương ứng là có thể mua… vô tận trong khi thực tế, người đó chỉ ở Việt Nam có 1 tuần.

Khái niệm “người có kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu” được trưởng ban công tác đại biểu Phạm Minh Tuyên “phê” quá… trừu tượng. “Không biết người có kỹ năng đặc biệt là thế nào, mà nếu có, chúng ta có nhu cầu nhưng họ về nước đơn giản chỉ để chơi, thăm thân, du lịch… vài ba tháng và cũng đòi được mua nhà thì có đủ điều kiện?”- ông Tuyên đặt câu hỏi.

Không giới hạn nhà, vô tư gom đất?

Không có nhiều khúc mắc về nội dung sửa đổi Đ121 luật Đất đai nhưng vấn đề nới quyền sử dụng đất, mối liên hệ với quyền sở hữu nhà trên đất lại lẩy nhiều ý kiến từ các đại biểu.

Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đặt vấn đề: mua nhà không hạn chế thì có thể hiểu tậu đất cũng không giới hạn và cũng có nghĩa không giới hạn thời gian định quyền sở hữu, sử dụng”. “Như vậy là quá rộng” - tướng Sơn kiến nghị phải giới hạn lại với đất.
Tiếp tục “nới” quyền mua nhà đất cho Việt kiều_0
... nhà tây, phố tây dành cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam?

Trưởng ban công tác đại biểu Phạm Minh Tuyên băn khoăn, trong quá trình thảo luận Nghị quyết thí điểm việc cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam chỉ đề ra giới hạn cho mua căn hộ chung cư, nay lại mở rộng việc cho mua nhà gắn liền với đất. Nếu phát sinh tranh chấp về quyền sở hữu nhà trên đất thì giải quyết thế nào? Diện tích đất được mua có giới hạn hay “thả vô tư”, mua bao nhiêu cũng được?

Chủ nhiệm UB dân tộc Ksor Phước lo ngại, quy định mở sẽ là cơ hội béo bở cho hoạt động mua bán, kinh doanh, đầu cơ nhà đất từ bên ngoài can thiệp vào thị trường trong nước. Nhất là với những khu vực đô thị “đất chật người đông”, thị trường nóng như Hà Nội, nếu Việt kiều bỏ tiền gom cả khu vực hàng nghìn m2, rồi đến khi nhà nước cần thu hồi, giải toả mà chủ sử dụng lại đang ở nước ngoài thì cách nào giải quyết.

Theo ông Ksor Phước, vấn đề nhà đất ở trước hết phải ưu tiên giải quyết nhu cầu trong nước. Nên giới hạn đất ở người nước ngoài được mua, cùng lắm chỉ “khuôn” theo diện tích nhà ở trên đất.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên yêu cầu cơ quan soạn thảo có dự báo đánh giá tác động của luật mới này một cách toàn diện, sâu sắc về nhiều khía cạnh: thị trường bất động sản, vấn đề xã hội, cư trú, tình trạng di dân tới các thành phố lớn… Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh hoàn tất việc chuẩn bị để đưa ra Quốc hội khoá tới biểu quyết. Nếu được thông qua, quy định mới sẽ được bắt đầu áp dụng từ 1/9/2009.

Theo Vnexpress.

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC