Theo chuyên gia, Việt Nam nên học mô hình của Nhật-phát triển liên hiệp hợp tác xã, hỗ trợ trực tiếp nông dân từ sản xuất đến tiêu thụ.

 

Áp lực canh canh

Xung quanh hiện tượng người Trung Quốc trồng dưa hấu ở Lào, Campuchia rồi tái xuất trở lại, PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho hay, người Trung Quốc còn trồng nhiều thứ ở Việt Nam, tạo gây áp lực lớn cho nông sản Việt.

Trung Quốc trồng dưa hấu ở Lào-Campuchia: Việt Nam sẽ thua? - 0

Tôi được biết người Trung Quốc còn vào Việt Nam trồng chuối, trồng hoa theo quy trình của họ. Họ trồng thì xuất về Trung Quốc dễ hơn là Việt Nam xuất đi bởi đó là người của họ, họ biết nơi tiêu thụ, biết tiếng... do đó Việt Nam dễ bị thất thế, thị phần dưa hấu nói riêng và nhiều loại nông sản khác của Việt Nam ở thị trường Trung Quốc sẽ sụt giảm."Trung Quốc trồng dưa hấu ở Campuchia, Lào cũng dễ hiểu. Hiện nay Campuchia chỉ trồng lúa một vụ, trong khi ĐBSCL làm hai vụ, do đó, đất ở Campuchia còn mênh mông lắm. Lào, Campuchia không có được hệ thống thủy lợi như ở Việt Nam, nếu họ đầu tư trị thủy có thể tăng diện tích rất lớn. Trung Quốc trồng dưa theo phương pháp canh tác nghiêm ngặt, đúng yêu cầu của thị trường, lại do người của họ trồng... nên về lâu dài, Việt Nam có nguy cơ bị thua.

Hiện nay Trung Quốc còn trồng rất nhiều thanh long ở nước họ nên sắp tới thị phần loại quả này của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng. Với thế mạnh về KHCN, giá sản phẩm của họ bán ra rất rẻ. Đó không phải là những doanh nghiệp quá lớn, chỉ đầu tư được vài chục ha".

PGS.TS Nguyễn Minh Châu cũng đề cập đến việc người dân Việt không có ý thức giữ giống, cứ có người đặt hàng là đóng gói bán, không cần biết đó là ai. Báo chí cũng từng phản ánh về chuyện giống cây ăn trái của Việt Nam được đóng gói bán sang Trung Quốc, Campuchia, Lào... Chính vì thế, vai trò quản lý, kiểm soát của Nhà nước hết sức quan trọng.

Cho đến nay, trên thị trường Việt Nam đã tràn ngập trái cây ngoại, nhất là từ các nước láng giềng, do đó, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cảnh báo Việt Nam sẽ phải chia sẻ thị trường với Trung Quốc, Lào, Campuchia... 

Đồng quan điểm, TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam sẽ phải chia sẻ thị phần ở Trung Quốc và thậm chí cả trong nội địa. Lý do khiến nông sản ngoại dễ dàng xâm nhập vào thị trường Việt, theo bà Mai, là do mẫu mã sản phẩm của Việt Nam kém hơn, giá cả còn cao quá, doanh nghiệp Việt thậm chí còn mua ngược lại để xuất đi.

Cả hai vị chuyên gia đều nhấn mạnh, tình hình trên đòi hỏi người nông dân Việt Nam phải làm đúng cách đã nói nhiều lâu nay, đó là theo theo chuỗi giá trị, tức phải có doanh nghiệp đứng ra làm việc với nông dân, hướng dẫn làm theo cùng một quy trình, doanh nghiệp lại thu mua, đóng gói để tiêu thụ.

"Cứ làm mãi theo kiểu cắt buồng chuối trong vườn đi bán mà không có thương hiệu gì thì chỉ có nước bán rẻ, thậm chí không bán được. Việt Nam đã có những nông dân trồng chuối xuất khẩu sang Mỹ và được đóng gói với thương hiệu chuối Dole nhưng số này rất ít. Muốn nhân rộng ra, Nhà nước phải đóng vai trò quan trọng nhất trong bốn nhà, đứng ra triệu tập, gắn kết doanh nghiệp với nông dân. Phải thể hiện bằng hành động thực tế chứ không phải chỉ nói, có như thế mới hình thành chuỗi giá trị được", PGS.TS Nguyễn Minh Châu nói.

Học cách làm của Nhật

Nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam tỏ ra tâm đắc về cách làm thị trường của Nhật Bản. Theo đó, ở Nhật có những liên hợp hợp tác xã có cửa hàng bán lẻ khắp nơi to như siêu thị loại lớn, giúp nông dân trong vùng bán được sản phẩm họ đã làm ra, ví dụ như Liên hiệp HTX JA, một liên hiệp HTX rất lớn ở Nhật.

"Ở Nhật để hỗ trợ sản xuất thì Nhà nước sẽ đào tạo, hỗ trợ cho cả hệ thống sản xuất mà trung tâm của hệ thống này là người nông dân.

Cả hệ thống viện và trường đại học trực thuộc Trung ương, viện trực thuộc tỉnh và trung tâm khuyến nông tỉnh liên kết với nhau rất chặt chẽ. Mỗi năm, họ đều ngồi lại với nhau để thông tin các kết quả đã làm được năm rồi và thống nhất các vấn đề cần phải làm trong năm tới. Việc làm này rất khác ở ta, đôi khi chúng ta cũng có ngồi lại giữa các cơ quan nghiên cứu và chuyển giao, nhưng không có thảo luận ai sẽ làm công việc nào trong năm tới mà phổ biến là mạnh ai nấy làm, thiếu sự liên kết.

Còn khâu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân thì trung tâm khuyến nông tỉnh hoặc hợp tác xã sẽ chuyển giao tới nông dân. Tất cả các cơ quan này, từ Trung ương đóng tại tỉnh cho đến các cơ quan trực thuộc tỉnh đều liên kết chặt chẽ với nhau dưới sự hỗ trợ/chỉ đạo của Ủy ban tỉnh.

Nông dân sẽ nhận các tiến bộ kỹ thuật mới từ các trung tâm thí nghiệm cấp tỉnh, trung tâm khuyến nông tỉnh và  từ Liên hiệp hợp tác xã JA. Việc này ở Việt Nam rất kém, mạnh ai nấy làm, điều này có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong các nguyên nhân là do khó khăn về kinh phí và người đứng ra chủ trì cuộc họp hàng năm như ở Nhật chưa có. Họa chăng chỉ có hai cơ quan họp với nhau, ký kết hợp tác rồi sau đó là... mạnh ai nấy làm là chính.

Trong từng tỉnh ở ta, không có việc ngồi lại với nhau trong từng năm để thông báo kết quả mới giữa cơ quan nghiên cứu và cơ quan khuyến nông và thống nhất các việc cần làm trong năm tới như ở Nhật.     

Liên hiệp hợp tác xã JA giúp tiêu thụ sản phẩm cho từng hợp tác xã thành viên. Nông dân bán nông sản cho liên hiệp hợp tác xã với giá cao hơn giá thương lái mua trong khi giá bán lẻ rất thấp, người tiêu dùng mua rất đông ở các cửa hàng JA này. Nông dân chỉ cần làm đúng tiêu chuẩn mà liên hiệp HTX đề ra rồi sản phẩm được đưa vào hệ thống cửa hàng của liên hiệp hợp tác xã.

Làm như Nhật không hề khó. Việt Nam đã có sẵn hệ thống Co.opmart của Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP.HCM có thể giúp nông dân tiêu thụ hàng hóa như JA. Theo đó, chính quyền từng địa phương hỗ trợ nông dân làm GAP, rồi liên hệ với Co.opmart để giúp nông dân đưa nông sản vào siêu thị. Chúng ta đang thiếu một nhạc trưởng điều hành sản xuất và tiêu thụ hàng hóa cho nông dân. Ở Nhật, vai trò này là của nhà nước, còn ở ta, có người cho là vai trò của doanh nghiệp... Tuy nhiên, tôi cho rằng rất cần có sự kết nối của Nhà nước", ông Châu đề xuất.

TS Võ Mai cũng cho rằng, phải Việt Nam phải thành lập các hợp tác xã kiểu mới canh tác tập thể, sản xuất chung một quy trình có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn để tăng chất lượng, sản lượng sản phẩm, giảm chi phí để có giá cạnh tranh.

Hơn nữa, hợp tác xã có sự hỗ trợ của Nhà nước có thể xây dựng nhà đóng gói, vận chuyển, trực tiếp bán hàng ở chợ đầu mối mà không cần qua thương lái sẽ có giá tốt hơn, giúp cạnh tranh được.

"Ai cũng làm vì lợi, vì thế chính Nhà nước và các tổ chức liên quan phải thuyết phục, cho doanh nghiệp thấy cái lợi trước mắt và lâu dài", bà nói. 

Thành Luân




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC