Việt Nam bác bỏ mọi yêu sách trái luật pháp quốc tế ở Biển Đông, sau khi Trung Quốc và Philippines tranh cãi về cái gọi là "quyền lịch sử" tại khu vực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng ngày 23/3 khẳng định Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ tất cả các yêu sách ở Biển Đông "trái luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam" được xác lập phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.

Bà Hằng đưa ra tuyên bố khi được đề nghị bình luận về phát biểu gần đây của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân và tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines về vấn đề Biển Đông.

1 Viet Nam Len Tieng Ve Tranh Cai Trung Quoc   Philippines Lien Quan Bien Dong

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng. Ảnh: BNG

Ông Uông Văn Bân trong cuộc họp báo hôm 14/3 ở Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc "có quyền lịch sử" trên Biển Đông, khi bình luận về phát ngôn của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos liên quan đến yêu sách "đường đứt đoạn" Bắc Kinh đơn phương vẽ ra.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Manila "xuyên tạc" quan điểm của Bắc Kinh và sử dụng vấn đề Biển Đông để "lôi kéo cường quốc bên ngoài nhằm gây mất ổn định, đe dọa hòa bình khu vực".

Đáp lại, Bộ Ngoại giao Philiipines ngày 17/3 ra tuyên bố cho rằng nước này có chủ quyền từ lâu và đã thực thi kiểm soát hành chính trên các thực thể trong Biển Đông, trong đó có bãi cạn Scarborough cùng một số thực thể thuộc quần đảo Trường Sa. Manila bác bỏ khái niệm "quyền lịch sử" của Bắc Kinh cũng như những yêu sách Trung Quốc đưa ra trên Biển Đông.

Theo bà Hằng, Việt Nam mong muốn các quốc gia liên quan thực sự tôn trọng và tuân thủ các quy định của UNCLOS 1982, cùng đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định và tìm kiếm các giải pháp cơ bản, lâu dài ở Biển Đông.

"Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế, cũng như có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với UNCLOS", bà Hằng nhấn mạnh.

Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc gần đây gia tăng ở Biển Đông, với nhiều vụ đối đầu, va chạm giữa tàu công vụ hai nước.

Cảnh sát biển Philippines (PCG) hôm 25/2 cáo buộc tàu hải cảnh và ba tàu khác của Trung Quốc tìm cách cản trở, xịt vòi rồng vào tàu công vụ và tàu tiếp tế Philippines hoạt động trên Biển Đông. PCG vài ngày sau thông báo phát hiện các chiến hạm của hải quân Trung Quốc trong khu vực gần bãi cạn Scarborough.

Bãi cạn Scarborough là rạn san hô vòng nằm cách đảo chính Luzon của Philippines khoảng 240 km và cách bờ biển đông nam Trung Quốc gần 900 km. Cả Philippines và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền với Scarborough, nhưng Bắc Kinh kiểm soát bãi cạn này từ năm 2012.

Thanh Danh

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC