Căn bếp thực chất không an toàn như chúng ta thường nghĩ. Ngoài những tai nạn khi nấu nướng, rủi ro từ vật dụng sắc nhọn, cách nấu ăn cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mang đến bệnh tật nguy hiểm.

Các chuyên gia y tế và dinh dưỡng đều không ít lần cảnh báo về những thói quen nấu ăn tưởng chừng vụn vặt và vô hại nhưng lại vừa gây hại vừa làm giảm giá trị dinh dưỡng. Trong đó, có 6 thói quen thậm chí giải phóng ra các chất gây ung thư hoặc làm tăng nguy cơ ung thư nhưng lại được rất nhiều người làm hàng ngày, đó là:

1. Để dầu sôi đến bốc khói

Một số người có thói quen chiên, rán thực phẩm trong chảo dầu bốc khói với suy nghĩ dầu nóng sẽ làm món ăn ngon hơn. Tuy nhiên, khi dầu ăn bị bốc khói tức là nhiệt độ lúc đó của dầu đã trên 200 độ C.

Nhiệt độ cao không những phá huỷ tác dụng chống oxy hóa của dầu và các thành phần dinh dưỡng trong thực phẩm mà còn sản sinh ra peroxide tác nhân gây ung thư. Đặc biệt, nếu nấu thịt trong dầu ăn trên 200 độ C sẽ tạo ra 1 lượng lớn các amin dị vòng hay còn có tên hóa học là Benzopyrene.

1 6 Thoi Quen Nau Nuong Gay Ung Thu Nhung Hau Het Cac Gia Dinh Deu Dang Lam Hang Ngay

Đây là 1 trong những chất nguy hiểm, được WHO cảnh báo là tác nhân gây ung thư mạnh với cơ thể người. Chỉ cần hấp thụ 1 nanogram benzopyrene cũng có thể làm thay đổi cấu trúc, hướng và chức năng của DNA trong cơ thể con người, gây ra ung thư dạ dày, ung thư ruột, ung thư gan và ung thư phổi.

Hơn nữa, bản thân khói dầu ăn cũng được WHO xếp hạng vào nhóm chất gây ung thư 2A, là nhóm các hợp chất "có thể gây ung thư trên người" cùng với thịt đỏ.

2. Cho quá nhiều muối

Chế độ ăn nhiều muối lâu dài làm tăng nguy cơ cao huyết áp và do đó dễ dẫn tới nguy cơ bị đột quỵ và các bệnh tim mạch vành, bệnh mạch máu não khác. Ngoài ra, ăn mặn còn nhanh chóng gây ra các bệnh về dạ dày, thận, lâu ngày dễ hình thành sỏi, viêm loét, ung thư dạ dày.

Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo người trưởng thành không nên ăn nhiều hơn 6g muối mỗi ngày. Ngoài ra, cũng nên hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn với nhiều gia vị được tẩm ướp để bảo vệ sức khỏe.

3. Không dùng hoặc tắt máy hút mùi ngay sau khi nấu xong

Cũng theo WHO, lượng khói bốc lên từ bếp hoặc đám cháy trong nhà có liên quan đến khoảng 1,6 triệu ca tử vong mỗi năm ở các nước đang phát triển, nghĩa là cứ 20 giây thì lại có 1 người mất mạng vì chúng.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy khói dầu và khói đồ ăn làm tăng nguy cơ gây ra bệnh ung thư phổi, đặc biệt là các món chiên, rán, nướng. Chưa kể nếu bạn sử dụng các loại thịt, thực phẩm chế biến sẵn khi nấu ăn thì sẽ sinh ra nhiều chất độc hại trong khói, không khí.

Nếu hít phải các loại khói này thường xuyên, có thể gây buồn nôn, khó chịu ở mũi họng và gây chóng mặt, tức ngực. Đối với những người có bệnh về đường hô hấp, khói này sẽ làm bệnh nặng hơn và gây ra bệnh hen suyễn và viêm họng. Vì vậy các chuyên gia khuyến nghị nên dùng máy hút mùi trong nhà bếp.

Nhưng cũng lại có nhiều người có thói quen tắt ngay máy hút mùi sau khi nấu ăn xong, khiến các loại khói độc, khói dầu, thậm chí là khí ga chưa bị hút hết luẩn quẩn trong không khí. Để đảm bảo sức khỏe, tốt nhất là sau khi nấu ăn xong 3 - 5 phút mới tắt máy hút mùi. Đồng thời, khi nấu ăn nên đậy nắp vung để giảm khói, mở cửa sổ để khí thải tản khỏi bếp nhanh hơn.

4. Dùng dầu chiên lại hoặc dầu tự làm

Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Illinois (Mỹ) chỉ ra rằng, dầu ăn được đun nóng nhiều lần sẽ bị phân hủy chất béo trung tính, dẫn đến quá trình oxy hóa axit béo tự do và giải phóng chất gây ung thư độc hại gọi là acrolein.

Bản thân dầu chiên đi chiên lại nhiều lần cũng không còn giá trị dinh dưỡng như ban đầu, các vitamin có trong dầu lúc này đã bị phá hủy. Hơn nữa, cặn bị cháy đọng lại sau khi chiên rán thực phẩm vô cùng nguy hiểm, trong khi mắt thường không nhìn thấy hết. Đây chính là tác nhân gây bệnh cho con người, nhất là bệnh ung thư.

Ngoài ra, 1 số người lại thích dùng dầu ăn ép trực tiếp chưa tinh chế và cảm thấy rằng dầu đó tự nhiên, mùi thơm và an toàn cho sức khỏe hơn. Thực chất các loại dầu chưa tinh chế còn lẫn rất nhiều tạp chất, nên độ sôi của nó rất thấp và dễ dàng tạo ra nhiều khí thải khi đun nấu.

Chưa kể, trong trường hợp không có sự giám sát từ chuyên gia, những loại dầu ăn này có thể chứa chất aflatoxin, là chất gây ung thư loại 1.

5. Không đánh rửa kỹ nồi chảo khi chuyển món

Một phần do ngại đánh rửa nồi, một phần là để tiết kiệm thời gian mà nhiều người có thói quen không rửa hoặc rửa không kỹ khi sử dụng cùng 1 chiếc nồi, chảo để nấu nhiều món khác nhau.

Nếu bạn không rửa nồi, chảo sau khi nấu, dư lượng thực phẩm và chất béo còn lại trong món ăn trước đó đã được làm nóng ở nhiệt độ cao sẽ tiếp tục bị nấu, dễ tạo ra chất benzopyrene, là 1 chất gây ung thư nguy hiểm. Đồng thời, việc không rửa nồi để nấu tiếp món khác còn ảnh hưởng đến màu sắc và mùi vị của món ăn tiếp theo.

6. Dùng chảo chống dính sai cách

Những chiếc chảo chống dính được phủ bằng polytetrafluoroetylen, còn được gọi là Teflon và có rất nhiều tin đồn cho rằng Teflon có thể gây ung thư. Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể xảy ra khi lớp phủ chống dính bong ra và bạn ăn phải chúng.

Tuy nhiên trên thực tế, nhiều người thường dùng sai dụng cụ khi nấu ăn bằng chảo chống dính, hoặc vì tiết kiệm mà sử dụng các loại chảo kém chất lượng, chảo bị bong tróc chống dính vẫn tiếp tục dùng. Điều này khiến các chất độc hại lẫn vào thức ăn, gây hại cho sức khỏe.

Vì vậy, khi chảo hoặc bất cứ vật dụng nấu nướng chống dính nào có các dấu hiệu biến dạng, trầy xước, đổi màu thì hãy thay thế bằng cái mới. Một số nghiên cứu cũng cho thấy rằng hạn sử dụng tối đa của 1 chiếc chảo chống dính tốt cũng chỉ là 5 năm, nên đừng vì tiết kiệm mà rước bệnh tật vào người.

Nguồn: Aboluowang, WHO, Eat This

Nguồn: kenh14




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC