Hành trình tủi nhục đến “miền đất hứa” - Kỳ 2Một gian hàng bán quần áo của người Việt trên nước Đức Xa xa tôi đã nhìn thấy một cái chòi nhỏ, không riêng tôi mà tất cả ai cũng hy vọng sắp đến nơi rồi. Nhưng khi chúng tôi tới mới biết đó là một cái chuồng bò hay chuồng ngựa đã bỏ hoang...
Kỳ 2: Con đường đau khổ

Lúc đó khoảng hơn 5h sáng nên hai gã dẫn đường cho mọi người vào nghỉ ngơi. Tôi vẫn hy vọng rằng, đã đến một miền quê nào đó của nước Đức, nếu chưa đến nơi thì tối mai chúng tôi vẫn phải tiếp tục cuộc hành trình… Quá mệt mỏi nên tôi và mọi người ngồi dựa vào nhau và thiếp đi lúc nào không hay.

Khi tỉnh lại tôi mới biết mình đã nằm trên một đóng phân bò đầy mùi hôi thối mà có lẽ do kiệt sức, nên khi ngồi xuống mũi chúng tôi không còn phân biệt được mùi nữa.

Chúng tôi cứ ngồi trong cái chuồng bò như vậy cho đến tối, người này động viên người khác cố gắng lên vượt qua cơn đói và mọi vất vả để đêm nay chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc hành trình.

Khoảng gần 20h chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Trước đó tôi đã vứt đi tất cả những đồ dùng không quan trọng để ba lô nhẹ bớt trên đôi vai đau rát và trầy xước của mình. Chúng tôi lại lặng lẽ lê bước sau con chó béc- giê to lớn dẫn đường.

Tôi mừng đến nỗi suýt nữa nhẩy cẫng lên khi bước vào lãnh thổ Ukraina, nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì cơn mưa ập đến, mưa và gió mỗi lúc một to, quật vào mặt bỏng rát...

Tất cả ngồi sụp trước một con đường nhựa để chờ xe ô tô, đến 6h sáng hôm sau xe ô tô mới đến chở chúng tôi đi tiếp. Suốt một ngày hai đêm không ăn uống, lại gặp trời mưa người ai cũng ướt như chuột lột, khi leo lên đến thùng xe mọi người ngồi ôm lấy nhau thành vòng không kể nam nữ, già trẻ, chỉ mong sao hơi ấm của người này truyền sang người khác cho đỡ lạnh và quên đi cái đói đang cồn cào trong bụng.

Gần trưa chúng tôi đến một ngôi nhà 5 tầng, vào đến nơi tôi thấy đã có hơn 30 người đã ngồi trong đó. Đoàn của tôi có 18 người nữa, như vậy trong cái “ốp” nhỏ đó đã có khoảng trên dưới 50 người nằm ngồi ngổn ngang, lách bàn chân để đi còn khó.

Những người đến trước ôm chầm lấy hỏi thăm chúng tôi, cứ ngỡ như người thân lâu lắm mới gặp lại. Thế mới biết khi tất cả sống trong cùng một cảnh ngộ tình người, tình đời chan chứa biết bao nhiêu…

Như vậy là tôi và mọi người đã vượt qua được một cửa ải. Chưa ai biết là chặng đường sắp tới của chúng tôi còn gian nan vất vả hơn nhiều. Trưa hôm đó sau khi cơm nước xong, chúng tôi nhận được tin báo tối hôm nay sẽ có một tốp được lên đường đi tiếp, mọi người ai cũng cuống quýt cả lên chuẩn bị hành lý và hy vọng mình có tên trong danh sách.

Khi nghe thấy tên mình trong 20 người ai cũng vui riêng tôi thì nỗi sợ hãi và lo lắng lại hiện rõ trên khuôn mặt, bởi từ nhỏ tới khi trưởng thành chưa bao giờ tôi vất vả như những ngày vừa trải qua.

Đúng 19h chúng tôi xuống nhà để lên ô tô, tôi cứ nghĩ lên xe được ngồi đàng hoàng ai ngờ 20 mạng người được tống lên nóc xe đã được hạ trần có độ cao khoảng 40 cm chúng tôi nằm dọc theo chiều xe, chiều ngang được 6 người. Những người lên sau thì nằm ngược lại với người lên trước, cứ chân người này thì đặt cạnh mặt người kia.

Khi xe chạy mỗi lần vào ổ gà thì đầu tôi lại bị đập xuống sàn gỗ kêu cồng cộc, đau nhói, ngột ngạt, khó thở cộng với sự chật chội với tư thế nằm bất động như vậy dù có muốn co chân lên cũng không được, tôi tưởng chừng như mình không thể chịu đựng được nữa, không thể tới nơi mình muốn đến.

Đúng lúc ấy bụng tôi đau cứng vì mót giải mà không biết làm thế nào? Cuối cùng tôi đành lôi chiếc khăn quấn cổ đút vào trong quần để giải quyết nỗi buồn, đến khi xong thì quần và chiếc khăn ướt sũng cũng đành chịu trận, bởi cũng không thể vứt chiếc khăn ấy đi đâu.

Mấy chị phụ nữ không chịu nổi nôn ra sàn gỗ thế là tất cả 20 con người cùng “hưởng” chung cái mùi khó chịu ấy.

Lúc đó tôi thầm nghĩ nếu có xảy ra tai nạn thì chúng tôi sẽ chết ngay trên nóc xe không biết cầu cứu ai nữa, vì đến cái lỗ thông hơi còn không có, thì tiếng kêu đó dù có kêu chắc cũng chẳng có ai nghe thấy.

Chiếc xe chạy đến chiều tối thì đến biên giới. Chúng tôi được thả xuống trước một ngôi nhà ai nấy đều rũ ra vì mệt mỏi. Chúng tôi được thông báo sẽ ở lại ngôi nhà này, đúng ra là một dãy nhà tạm lụp xụp đến nỗi không còn cấp nào để phong nữa, đến khi đường dây thông sẽ đi tiếp.

Ba tháng trời nằm ở đây, sự nhục nhã, nỗi kinh hoàng sẽ không bao giờ phai nhòa trong tôi và mọi người đã từng trải qua tại nơi đây. Một bữa ăn ngon là hoàn toàn vượt quá sức tưởng tượng, chúng tôi chỉ mong một bữa ăn no mà cũng không có, đến chỗ đi vệ sinh cũng phải xin phép mà 2 tiếng mới cho 1 người đi, vậy mà chúng tôi cứ sống như thế suốt 3 tháng, mình mẩy hôi hám vì không được tắm và vệ sinh.

Trên người chúng tôi đều mẩn ngứa vì muỗi và rận ở đây nhiều kinh khủng, chúng tôi bắt rận và đập muỗi cho nhau, đến nỗi các đầu ngón tay và cả bàn tay đều có máu khô đen bám lại chi chít.

Ở cửa ra vào lúc nào cũng có một gã dữ tợn ngồi canh, chúng tôi làm gì cũng phải xin phép nó, đã có lần chúng tôi muốn nổi loạn thì hắn đã lăm lăm khẩu súng rồi đe dọa nếu ai kêu nữa thì hắn sẽ bắn bỏ.

Tôi rất sốt ruột vì từ ngày chia tay với mẹ đến giờ tôi vẫn chưa liên lạc được với gia đình, tôi biết mọi người lo lắng cho tôi lắm. Khi mùa đông đến, tuyết trắng rơi đầy trời, còn chúng tôi thì lo lắng không biết nếu tiếp tục lạnh như thế này liệu có thể sống nổi, khi mà điều kiện sinh hoạt ở đây cực kỳ thiếu thốn.

Giữa tháng 11 chúng tôi nhận được thông báo của cô gái người Nga mà hằng ngày vẫn mang bánh mì đến cho chúng tôi: đêm nay sẽ vượt biên giới. Ai cũng vui mừng hớn hở vì sắp thoát khỏi cái chỗ đọa đầy này, cảnh đói khát và bẩn thỉu sẽ lùi dần rời xa vào dĩ vãng.

Nào ngờ đêm hôm ấy chúng tôi phải vượt qua biết bao đồi núi cao chót vót, tôi không thể nào tả hết được những quả đồi đứng sừng sững, đường đi thì tuyết trơn trượt vấp ngã không biết bao nhiêu lần khiến có người trong nhóm bị bong gân không thể đi nổi. Còn tôi thì cứ mỗi lần bước lên được đỉnh ngọn đồi hay quả núi nào là tôi cứ nằm dài ra mà thở hổn hển.


Theo TP.


 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC