Một kiều bào có tấm lòng Bồ tátGần nửa thế kỷ sống nơi đất khách quê người, chị luôn đau đáu nỗi nhớ quê hương, trăn trở làm sao có thể góp phần xây dựng Tổ quốc giàu mạnh, giúp đồng bào trong nước vơi đi sự khó khăn vất vả, tạo thêm nhiều nụ cười hạnh phúc cho trẻ thơ... 

 

 Người có tấm lòng bồ tát ấy là chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, kiều bào Đức, Ủy viên UB TƯ MTTQ Việt Nam khóa VII và VIII. Làm mọi việc giúp đỡ quê hương Sinh ra và lớn lên tại TP.HCM, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh cũng như bao bạn bè cùng trang lứa khác thấu hiểu nỗi đau của đất nước khi bị chia cắt 2 miền. Năm 1971, chị quyết định sang Tây Đức học và lập nghiệp.

Sau khi tốt nghiệp kỹ sư hóa của ĐH Aachen, chị từng làm cho hãng FOSECO ở Borken và một số cơ quan khác như Viện Đào tạo Rag Bildung...  Không chỉ hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và tài nguyên đất, chị Hạnh còn tích cực tham gia các hoạt động của Hội Việt kiều yêu nước tại Đức. Với tâm niệm làm kinh tế là hình thức đóng góp cho Tổ quốc một cách cụ thể nhất, từ 1982 đến 1988, chị cùng một số kiều bào khác đã có những hỗ trợ đáng kể để hàng Việt Nam có thể tiêu thụ trên thị trường Đức.

Hoạt động do chị khởi xướng đã đáp ứng được nhu cầu của khách hàng thành phố Essen khá tốt, song không thực sự thành công vì gặp nhiều khó khăn trong việc đưa hàng từ Việt Nam sang, cùng với đó là chất lượng hàng hóa của một số doanh nghiệp không đảm bảo hoặc làm sai đơn hàng...

Tấm lòng bồ tát của người phụ nữ Sài Gòn này thể hiện rõ nét ở việc không chỉ quan tâm và làm mọi việc giúp đỡ bà con đang sinh sống tại Đức, cố gắng đóng góp xây dựng quê hương Việt Nam, mà còn tích cực tham các hoạt động xã hội với các tổ chức nhân đạo tại tiểu bang Frankfurk am Main và trong liên bang Đức.

Năm 1995, Mỹ Hạnh vận động một số kiều bào khác hỗ trợ để thành lập Hội Hỗ trợ phụ nữ và thanh niên Việt Nam tại Đức (Vifi e.V). "Lúc đầu thành lập Hội cũng khá khó khăn, nhưng sau một thời gian dài cố gắng, cuối cùng chúng tôi cũng đã vượt qua và hoạt động đến hôm nay. Hội được bạn bè Đức ủng hộ nhiệt thành nên thường xuyên nhận được tài trợ của các hội bạn và các quỹ của Đức.

Vì thế mà từ 1995 đến nay, Vifi e.V đã đóng góp được khá nhiều dự án nhân đạo tại quê nhà...” - chị Hạnh tâm sự. Nhân lên tiếng cười trẻ thơ Điều đáng mừng là kể từ khi Vifi e.V ra đời, trung bình mỗi năm hội này đã đóng góp được khoảng 20.000 Mác Đức cho quê nhà. Và từ 2001 đến nay là khoảng 20.000 Euro cho các dự án phẫu thuật nụ cười trẻ thơ, xây dựng trường học, nhà mẫu giáo... tại Việt Nam.

Đặc biệt, từ năm 2000 đến nay, được sự hỗ trợ của ĐSQ Việt Nam tại Đức, chị và các đồng sự đã thực hiện thành công dự án du học tự túc của lưu học sinh Việt Nam tại Đức. Hiện dự án đang hoạt động tốt với số lượng 100 em theo học. Sự đóng góp tích cực trong việc duy trì, củng cố, phát triển các tổ chức hội đoàn, kiều bào hướng về Tổ quốc của chị được cụ thể hóa bằng những con số biết nói.

Đơn cử, trong 3 năm (2010-2013), Vifi e.V đã thực hiện Dự án "Hỗ trợ phụ nữ Việt Nam tại CHLB Đức sống hòa nhập tốt vào cộng đồng sở tại”. Dự án này đã nhận được sự tài trợ của Bộ Nội vụ Đức với số tiền lên tới 150.000 Euro.Trước đó, từ năm 1997, Vifi e.V đã hỗ trợ kinh phí cho 100 ca mổ nụ cười trẻ em tại Bệnh viện Trung ương Huế. Sau đó 1 năm, Vifi e.V tiếp tục tài trợ 40.000 Mác Đức để xây dựng trường mẫu giáo tại huyện Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội…

 Không chỉ xây trường học, tài trợ phẫu thuật nụ cười cho trẻ em để nhân lên nhiều hơn nữa những tiếng cười trẻ thơ, chị Hạnh còn quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần của thanh thiếu niên ở một số địa phương. Kết quả cụ thể nhất là việc tài trợ 20 ngàn Mác Đức để xây dựng Nhà văn hóa thanh niên Quảng Phước (Thừa Thiên - Huế).

Năm 2002, ngoài việc hỗ trợ xây dựng trường Hòa Nghĩa (Bến Tre), Trung tâm văn hóa huyện Từ Liêm (Hà Nội), thành lập Club phóng viên nhỏ, Vifi e.V còn tài trợ Quỹ Vừ A Dính số tiền trị giá 50.000 Euro. Tới năm 2003, Vifi e.V tiếp tục tài trợ cho Quỹ Vừ A Dính, Hội Người mù huyện Hoài Đức (Hà Tây cũ), xây dựng nhà cho phụ nữ nghèo tại huyện Nam Đàn (Nghệ An), xây cầu tại làng Minh Đức (huyện Mỏ Cày, Bến Tre), xây lớp học tại La Hòa (Sóc Trăng) với số tiền 100.000 Euro.  Riêng trong 2 năm (2006-2007), Vifi e.V đã xây dựng nhà tình nghĩa cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các phụ nữ nghèo có con nhỏ khó khăn tại Bến Tre, Ninh Thuận, Cao Bằng, Cà Mau trị giá 300.000 Euro.

Tiếp đó là xây dựng nhà tình nghĩa tại các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Bình, Phú Yên, Thừa Thiên - Huế... với số tiền lên tới 1,975 triệu Euro và còn nhiều, rất nhiều dự án khác đang được Vifi e.V xúc tiến tổng số tiền lên tới 1,040 triệu Euro... Mặc dù đã làm được khá nhiều việc hữu ích, song với chị Hạnh như vậy là chưa đủ và còn phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Để kết bài viết, chúng tôi xin dẫn lời tâm sự của chị: "Yêu quê hương đất nước thật sự là phải thể hiện bằng hành động cụ thể, thiết thực, chứ không phải chỉ là lời nói suông. Tổ quốc còn nghèo, người dân còn khổ thì dù mình có giúp đỡ bao nhiêu cũng là chưa đủ, chỉ mong rằng những đóng góp nhỏ bé của mình sẽ vơi đi nỗi nhọc nhằn của những phụ nữ nghèo, làm rạng rỡ hơn nụ cười trẻ thơ, để những người mẹ đã mất đi người thân trong các cuộc kháng chiến bớt cô đơn lạnh lẽo...”.
 

Báo Đại Đoàn Kết




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC