Người Việt ở Đức đang chao đảoSiêu thị Kaufland, một trong những hệ thống siêu thị giá rẻ ở Đức, là nơi rất đông thương nhân người Việt buôn bán và sinh sống. Tình hình bán buôn của phần đông người Việt tại đây đang chao đảo... Nguyên nhân sâu xa của thảm cảnh trên là sức mua ở Đức giảm đột ngột và còn tiếp tục giảm.
Doanh số giảm so với năm trước không thể diễn đạt bằng phần trăm mà phải dùng số lần. Không ít hãng xuất nhập khẩu trong khu giao hàng người Việt, trước đây tháng thấp nhất bán được 50.000 euro thì bây giờ chỉ còn 5.000 euro (giảm 10 lần), nhiều ngày liền không doanh thu. Năm ngoái, những cửa hàng bán lẻ với doanh số cỡ 500 euro/ngày, giờ chỉ bán được 100-250 euro/ngày (giảm từ một nửa đến năm lần).

Nguyên nhân sâu xa của thảm cảnh trên là sức mua ở Đức giảm đột ngột và còn tiếp tục giảm. Bởi người dân đang triệt để tiết kiệm - hệ quả tác động tất yếu ban đầu của các chương trình cải cách xã hội đang và sắp có hiệu lực. Người dân e ngại cuộc sống trong tương lai không bảo đảm. Thêm vào đó, nạn thất nghiệp cao thường xuyên đe dọa, tạo cho người dân cảm giác nguồn sống luôn bị bấp bênh. Nhiều khoản trợ cấp xã hội khác bị cắt, giảm, đồng thời phải chi nhiều khoản y tế trước kia miễn phí. Chi tiêu của họ quá hụt hẫng, nếu so với khi còn việc, tiền lương của họ theo mức bình quân hiện nay tới 2.196 euro/tháng.


Nhiều hội đoàn xã hội Đức đưa ra cảnh báo, trong các năm tới, số lượng người nghèo ở Đức sẽ tăng từ 2,8 triệu hiện nay lên tới 4,5 triệu. Hiện 61% người dân cắt giảm chi điện thoại, Internet. Năm 2002, với 42% người dân bớt mua quần áo, thị trường may mặc đã loạng choạng. Hiện nay, con số đó lên tới 64% đối với phụ nữ. Quần áo người Việt kinh doanh hướng chủ yếu vào phụ nữ tránh sao khỏi điêu đứng!

Sau bớt mặc là bớt uống. Tới 52% người dân phía Đông và 46% phía Tây bỏ mua bia, rượu trong danh mục mua sắm thường ngày. Xưa, lĩnh vực này cũng thu hút không ít người Việt kinh doanh. Giờ thì nhiều người đang cố gỡ, tìm cách đóng cửa, sang nhượng cửa hàng. Một phần ba người Đức hạn chế mua hoặc chỉ tìm thực phẩm loại rẻ tiền. Họ tập trung mua trong các siêu thị giá rẻ như Aldi, Normal, Kaufland...

Mặc dù đã rẻ vô địch, nhưng trước tình trạng ế ẩm, các hãng trên cũng thi nhau hạ giá và chưa ai biết được đâu là giới hạn cuối cùng. Các cửa hàng người Việt hầu như không đủ sức mạnh tài chính cho cuộc đua này.

Bán lẻ ế ẩm. Các khu giao hàng người Việt (chuyên bán buôn, xuất nhập khẩu) trở nên thưa thớt vắng khách. Nhiều chủ bán buôn buộc phải ký gửi hàng cho bán lẻ. Vốn, vì vậy, đọng hết vào hàng. Không thu được tiền hàng, bán buôn lại chiếm dụng vốn của nhập khẩu. Nhập khẩu đến lượt mình không thanh toán được hợp đồng với sản xuất.

Sự chiếm dụng vốn lẫn nhau này có nguy cơ gây nên làn sóng phá sản, khi một số trong đó đóng cửa, mất khả năng thanh toán, làm các chủ nợ nối tiếp nhau vỡ nợ theo.

Hàng ế, biện pháp tự nhiên là hạ giá nhưng biện pháp đó chỉ có tác dụng tạm thời và trong bối cảnh nền kinh tế lành mạnh. Một khi cả nước ế ẩm thì việc hạ giá cũng không cứu vãn tình hình. Bởi, chẳng hạn người tiêu dùng không thể vì rẻ mà mua nhiều giấy vệ sinh hơn. Họ cũng không thể vì rẻ mà mặc nhiều quần áo hơn. Có chăng cũng chỉ mua để dự trữ ngắn hạn. Nhưng một khi đã chủ tâm tiết kiệm thì người ta không dễ bỏ tiền mua đồ dự trữ.

Rốt cuộc có bán rẻ, thì cơ bản ế vẫn hoàn ế. Hệ quả doanh số tụt, kèm lợi nhuận thấp hoặc âm. Từ bán buôn trong các khu giao hàng đến bán lẻ ngoài đường phố, nhiều người Việt thu không bù đủ chi. Nguy cơ đóng cửa hàng, sang tên bùng phát.

Đối với người Đức, hiện đâu cũng thấy cửa hàng, siêu thị bán rẻ, bán phá giá. Vì vậy hàng giá rẻ của người Việt đang đương đầu không cân sức với hàng chất lượng cao mà giá rẻ của người Đức.

Liệu kinh doanh của người Việt có vượt qua được ngưỡng cửa tồi tệ hiện nay không? Điều này phụ thuộc vào việc thay đổi cung cách làm ăn truyền thống từ trước đến nay của người Việt, trong đó có mối quan hệ làm ăn với trong nước.

Ngày nay, hàng hóa chào bán ngập tràn, trong siêu thị, trên mạng, qua ti vi, mua từ xa, mua trả chậm... thì cung cách kinh doanh nói trên giữ nguyên đến tận bây giờ chính là trở ngại lớn nhất, thủ phạm chính gây nên tình trạng người Việt kinh doanh, nói chung, tồi tệ hơn nhiều so với người bản xứ hiện nay.

Trung tâm giao hàng may mặc (bán buôn) của Đức cứ vài tuần lại tổ chức một buổi biểu diễn thời trang, quảng cáo giới thiệu mặt hàng khắp trên các báo, phát tờ bướm quảng cáo lẫn catalogue đến từng khách hàng bán lẻ khắp nước Đức, người bán lẻ chỉ cần đặt là hàng được mang đến.
 
Trong lúc đó, tại các trung tâm thương mại người Việt, khách hàng đúng là đi chợ, vòng hết lượt gặp gì biết đó. Hậu quả người bán lẻ yếu đi, không đủ thông tin để chọn lựa hàng mới, hàng chào giá rẻ, hàng bán chạy. Tốn kém thời gian và công sức. Người bán buôn không tiếp thị được hàng của mình đến đông đảo người bán lẻ.

Năm trước, một người Đức viết trên báo tiếng Đức Neues Deutschland, dùng khái niệm "một tổ chức châu Á khép kín" để chỉ các trung tâm giao hàng của người Việt đã làm không ít người Việt phản ứng. Nhưng nếu nhìn trên khía cạnh tích cực, thì chính nó đã cảnh báo thảm cảnh kinh doanh hiện nay.

Làm sao để mỗi doanh nghiệp vươn lên, kinh doanh có chiến lược, có thương hiệu, tiếp thị đến từng khách hàng bán lẻ, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp cung cấp hàng trong nước là vấn đề quyết định sự sống còn của các trung tâm thương mại người Việt hiện nay.

Theo Thời Báo Kinh Tế


 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC