Thưởng thơ xuân ở BerlinLúc nhận được lời mời đi tham dự đêm Thơ Nguyên tiêu, do câu lạc bộ người yêu thơ Berlin tổ chức, tôi cứ mãi ngập ngừng. Thành thật mà nói, tình yêu thơ thì tôi có thật, nhưng hôm ấy lại là một đêm mùa đông khá lạnh.

Nhà tôi ở xa tít phía bên Tây Berlin, cách địa diểm tổ chức ở nhà hàng Linh Chi Quán, trong khu Trung Tâm Thương Mại Đồng Xuân, đến vài chục cây số. Và đi nghe thơ của những người mình chưa biết tới nhiều, quả thật là một cuộc phiêu lưu, về thời gian lẫn không gian.

Nhưng cuối cùng tôi cũng hăm hở choàng khăn len, khoác áo lạnh, lên xe lái đi. Một phần vì nể nang người bạn đã mời mình, một phần vì đã từ lâu, sống trên nước Đức, tôi chưa hề có dịp đi nghe những buổi trình diễn thơ hiếm hoi như thế. Trong một thế giới công nghiệp như nước Đức, con người ta lúc nào cũng phải lao đi theo cho kịp với thời gian, chạy đuổi theo cho kịp với công việc, hối hả và tất bật, vì vậy tôi cũng thầm cám ơn những con người còn có khả năng và điều kiện, để lòng mình rung động được với những vần thơ, mở cửa được trái tim mình, để đón nhận từng cảm xúc lãng mạng, và làm đẹp thêm được cuộc đời.

Tôi tới nơi thì cũng vừa đúng lúc khai mạc. Cầm tờ chương trình đã để sẵn trên mỗi bàn, tôi đọc qua một lượt tên những thành viên tham gia, cùng nội dung biểu diễn hôm nay. Một số người tôi đã nghe hay đọc qua, vì có bài hay tác phẩm giới thiệu trên mạng, còn một số người tôi mới biết tên lần đầu. Đúng là một chương trình khá dài, so với thời gian quy định là 3 tiếng đồng hồ, được chuẩn bị chu đáo, công phu.

Từ lúc ấy trở đi, cho đến khi chương trình chấm dứt, tôi đã đắm chìm trong một đêm thơ phong phú, chen lẫn những màn văn nghệ, ca vũ nhạc dân tộc trữ tình, đầy màu sắc xuân vui tươi, vô cùng thú vị. Và tôi đã nhận ra, rằng mình đã quyết định đúng, không bỏ lỡ mất một dịp may, được hạnh phúc cùng hòa mình trôi trên những dòng thơ, sống lại những cảm xúc êm đềm về quê hương, về tình mẹ sâu lắng, tình vợ chồng mặn nồng, và về triết lý cùng với những nét đẹp tự nhiên của cuộc sống.

Bài thơ mở đầu của anh Thế Sáng, qua giọng ngâm của Anh Sơn, cũng như bài thơ và bài nhạc của anh Đức Thắng, do chính anh hát và đệm đàn, là những sáng tác về tình mẹ rất cảm động.

Trước đó là màn biểu diễn đàn dân tộc của các em nhỏ, và màn hát chèo cùa vợ chồng anh chị Thanh Hà, có sự phụ họa đàn của các chị và của đôi vợ chồng Phương Hoa - Mạnh Hùng, đã được gần 70 khán giả có mặt tại hội trường vỗ tay khen thưởng, rất nồng nhiệt và chân thành.

Thưởng thơ xuân ở Berlin_0
Các cháu học sinh và sinh viên Việt múa trong đêm thơ.

 

Bài thơ của chị Giáp Thị Thọ, chị Chu thị Châu, cũng như bài "Ngẫu hứng trà Xuân" của anh Nguyễn Hưng, với giọng ngâm truyền cảm của chính anh, trong tiếng sáo dìu dặt của anh Xuân Phương, hòa cùng với tiếng đàn bầu trữ tình cùa anh Roãn, đã được đón tiếp bằng những tràng pháo tay không dứt.

Nhà thơ và nhà văn Thế Dũng cũng có mặt trong đêm thơ hôm ấy. Giọng đọc rõ và khỏe của anh, đã làm tăng thêm sức sống của ý thơ, qua đó người đọc cảm nhận được sâu sắc những triết lý rất đáng suy ngẫm, trong từng câu, từng chữ của bài thơ anh. Và cũng chính trong đêm đó, sau bộ râu lưa thưa bạc của một triết gia, khán giả đã nhìn ra được một nhà thơ tươi trẻ, yêu đời, với nhiều nét dễ mến.

Qua giọng ngâm truyền cảm, hòa theo tiếng sáo và quyện theo nhịp đàn bầu, anh Sa Huỳnh, vừa là một nhà khoa học kỹ thuật và vừa là một nhà thơ, đã đưa khán giả vào những chặng đường của cuộc sống vô thường, biểu diễn thành công bài "Yêu Xuân qua khắp nẻo đường đời", để lại trong lòng người nghe những lắng đọng, suy tư. Bài thứ hai của anh, "Cô Bắc kỳ nho nhỏ", anh đã nói lên sự vụng về trong ngôn ngữ của một đôi tình nhân, kẻ Nam, người Bắc. Câu kết bài thơ thật bất ngờ và tuyệt vời, rằng chính hai chữ tình yêu là mẫu số chung, là điểm hẹn và sự gặp nhau, có khả năng vượt qua những vụng về đã có, của người đôi miền.

Những đóng góp của anh Xuân Đính, anh Roãn, anh Quốc Hương, cũng như sự tham gia nhiệt tình của một vài khán giả, và những bạn bè từ nơi xa đến, là thành viên trong Câu lạc bộ thơ Leipzig, như nhà thơ Vũ Lập và Hoàng Long, đã tạo thêm sự phong phú và lãng mạng cho đêm thơ, mà sự thành công đã đạt được, chính tôi cũng thấy thật bất ngờ.

Góp phần cho sự thành công của đêm thơ, có một phần không nhỏ của hai người đã đứng ra điều khiển chương trình, một cách nhịp nhàng hôm ấy, đó là anh Thế Sáng và Hồng Trang.

Bên cạnh anh Thế Sáng, một người có nhiều kinh nghiệm, ăn nói hoạt bát, ứng xử nhanh nhẹn mọi tình huống trên sân khấu, là một Hồng Trang duyên dáng thẹn thùng, dịu dàng trong tà áo dài Việt Nam, cùng giọng nói miền Nam bộ, đã làm đậm đà thêm hương vị của đêm thơ.

Sau khi chương trình chấm dứt, tôi ra về trong đêm khuya đầy sương lạnh, nhưng vẫn thấy ấm áp một niềm hạnh phúc, vẫn nghe dìu dặt đâu đây bên tai, tiếng sáo du dương và nhịp đàn bầu quyến rũ, cùng với bao lời thơ truyền cảm, trữ tình.

Tôi thầm cám ơn tất cả những thi nhân đã mang đến cho tôi niềm xúc động thực sự, trong một đêm thơ hiếm hoi, rất tao nhã và nhẹ nhàng, và đã đánh thức dậy giùm tôi, Nàng Thơ đang ngủ quên, trong hồn mình từ bấy lâu nay.

Theo Bild.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC