“Cỗ xe tăng” hướng về phía trước1. Berlin những ngày cuối thu thời tiết trở nên lạnh hơn, buổi tối có khi nhiệt độ xuống còn 0 độ. Nhịp độ sinh hoạt ở thành phố lớn nhất nước Đức luôn hối hả, 6 năm về trước và bây giờ cũng vậy.

Sáng sớm công chức tất bật đón xe buýt hoặc tàu điện ngầm đến sở làm việc; họ mua vội chiếc bánh mì hamburger hoặc bánh Doner Kebeap (một loại bánh mì của Thổ Nhĩ Kỳ) tại những tiệm ăn nhỏ, rồi ăn vội trên đường đến sở. Từ thứ hai đến thứ sáu đều đặn những chuyến xe buýt, tàu điện ngầm nối đuôi nhau xuôi ngược quanh thành phố.

 

Tôi và 15 đồng nghiệp từ các tờ báo khác nhau (châu Phi và châu Á đang học ở Berlin) cũng theo dòng người đó sáng sớm, rét lạnh, đứng đợi xe buýt. Công nhận người Đức rất tài, như tài xế xe buýt, anh ta chẳng cần quan tâm đến chuyện có ai đó sẽ đi “xe lậu”, vì anh biết, nếu bị phát hiện đi lậu, cảnh sát sẽ  phạt rất cao, cao hơn cả trăm lần số tiền họ phải bỏ ra để mua một tấm vé. Do đó, bác tài chỉ cần ngồi một chỗ, từng người bước lên xe phải tự trình diện vé xe. Xe buýt dừng lại mỗi trạm và đợi tối đa 5 phút. Không chen lấn, không giẫm đạp lên nhau, lần lượt từng người lên, xuống trật tự và lặng lẽ.

2. Thứ bảy là ngày nghỉ hoàn toàn của tất cả mọi người. Nếu như những con đường tại trung tâm thành phố từ thứ hai đến thứ sáu yên tĩnh bao nhiêu, thì thứ bảy sôi động bấy nhiêu. Các chuyến xe chở hàng từ ngoại ô lần lượt nối đuôi nhau vào thành phố để bán các nông sản, thức ăn nhanh. Các chủ cửa hàng đưa hẳn sản phẩm ra ngoài đường, đủ màu sắc để khách dễ lựa chọn.

Đặc biệt, thứ bảy cũng là ngày của phiên chợ “second hand” hay còn gọi fleamarket (một dạng chợ bán hàng lạc xoong, hàng đã sử dụng qua). Cái gì cũng có, từ một chiếc quẹt gas cũ đến những chiếc radio thời xưa hay những đôi giày cao gót đã bạc màu. Giá cả ở đây rẻ bất ngờ. Một cô bạn người Uganda bất chợt tìm thấy chiếc Iphone cũ (2G), tưởng hàng không sử dụng được, hỏi thử giá, bác bán hàng nói luôn 20 EUR (khoảng 560 ngàn đồng). Tưởng bác bán hàng nói đùa, cô nàng trả 15 EUR, thế là bán luôn. Không ngờ về sử dụng lại chạy khá tốt. Mọi người được một phen tiếc rẻ. Anh đồng nghiệp người Zambia chạy ra tìm cái thứ hai, nhưng bác bán hàng chỉ có một chiếc duy nhất.

Không phải chỉ ở Việt Nam mới bán hàng xi-đa (hàng sử dụng rồi), ngoài fleamarket được mở vào thứ bảy, ở Berlin, các cửa hàng bán đồ second-hand những năm gần đây mọc lên khá nhiều. Không thiếu thứ gì, giá từ 4 EUR đến 40 EUR (tùy loại).

Các gia đình ở Đức có thói quen thứ bảy sẽ đưa tất cả thành viên trong nhà đi mua sắm và ăn nhà hàng. Do vậy, đường phố đông kín người, cửa hàng và các quán ăn chật chỗ. “Đức là nước khác hoàn toàn các quốc gia khác trên thế giới, thứ bảy các cửa hàng mở đến 22 hoặc 23 giờ đêm, riêng chủ nhật không kinh doanh”, Tania, cô bạn gốc Ý, đang sinh sống và làm việc ở Đức cho biết.
Nếu bạn là khách du lịch đến Đức hãy nhớ tất cả các mặt hàng ở đây đều cộng thêm thuế. Do đó nếu muốn hoàn 19% thuế khi làm thủ tục tại sân bay Tegel (Berlin), nhớ khi mua hàng phải đưa passport để cửa hàng làm giấy hoàn lại thuế.

3. “Bạn từ đâu đến?”, “Việt Nam à”, “Ồ Việt Nam, tôi biết chứ, đẹp lắm”, cứ thế người Đức nào chúng tôi gặp cũng hỏi và khi biết chúng tôi là người Việt Nam, họ rất vui. Có nhiều nhà hàng Việt Nam ở Berlin. Lúc trước nhà hàng Việt Nam có nhiều ở khu vực chợ Đồng Xuân (chợ của người Việt) nhưng theo cô bạn người Đức - Andrea, hiện nay nhà hàng Việt Nam gần như có khắp các khu vực ở Berlin.  “Ăn phở ở Hà Nội, Sài Gòn ngon hơn ở đây”, một anh chàng người Đức vừa đi du lịch Việt Nam về cho biết. Anh còn kể, phở ăn phải cho nhiều gia vị, ở Việt Nam ăn mùi vị thơm phức. Không biết anh dựa vào đâu để đưa ra nhận xét như thế nhưng đúng là phở ở Berlin có mùi… phô mai (?!).

Một tô phở 24 đặc biệt ở Việt Nam giá khoảng 45.000 đồng, còn tại Berlin là gần 300.000 đồng (từ 8 đến 10 EUR). Ngọc Điệp, sinh viên Việt Nam tại Đại học Berlin cho biết, lúc đầu mới qua đây cái gì cũng không dám mua vì so ra tiền Việt Nam đắt quá nhưng ở riết cũng quen dần. Nói vậy nhưng Điệp kết luận, tụi em đứa nào cũng không dám ăn tiệm, mua đồ về nấu ăn và đem theo đi học là chắc nhất.

Một nhóm các giáo viên dạy nghề ở Việt Nam sang học ở Đức một năm hớn hở khoe họ đã nói tiếng Đức khá rành rọt và gần như biết tất cả các “nẻo shopping” ở Berlin. Thứ bảy và chủ nhật được nghỉ, cả nhóm rủ nhau chu du châu Âu. Các nước gần với Đức như Bỉ, Áo, Đan Mạch, Hà Lan đều được họ viếng thăm.

Giao thông ở Đức khá tốt và nhanh. Chỉ cần bắt tàu lửa cao tốc đi một vèo từ 4 đến 5 giờ là có thể đến được các nước láng giềng. Chi phí không tốn kém bao nhiêu, chỉ từ 35 EUR đến 45 EUR. 

Chỉ còn một tuần nữa nhóm các giáo viên Việt Nam về lại nước, kết thúc khóa học nâng cao về kỹ năng giảng dạy. Họ cho biết, trong suốt một năm xa quê hương, họ đã học được rất nhiều điều. Sự năng động, sáng tạo và lửa nhiệt tình đang hừng hực trong họ, họ mong mau chóng về lại Việt Nam, truyền đạt những gì đã học được cho sinh viên Việt Nam, những người chưa có cơ hội đến với nước Đức, đất nước của những cỗ xe tăng, miệt mài chạy và luôn hướng thẳng về phía trước…

Minh Thảo
Theo SGGP Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC