Xin tài trợ nước ngoài làm phim: Thử thách lòng kiên trìNền điện ảnh Việt Nam mới hội nhập, người làm phim ít thông tin. Có những nước, ví dụ như Trung Quốc, những nhà làm phim độc lập có truyền thống đi ra ngoài và xin tài trợ từ lâu. Họ có tư duy đó rõ ràng, người trước dắt người sau.

Phan Đăng Di, người đã được chọn vào Cannes L’Atelier 2008 và xin được 10 ngàn USD từ quỹ hỗ trợ điện ảnh của LHP Pusan cùng 50 ngàn euro từ quỹ World Cinema Fund của LHP Berlin cho bộ phim truyện dài đầu tay “Bi ơi, đừng sợ” chia sẻ.

Những nguồn vốn quý giá


Năm 2003, dự án phim Trăng nơi đáy giếng của hãng phim Giải Phóng được duyệt sản xuất. Số tiền tài trợ của nhà nước đưa về hãng, sau khi trừ vào những khoản chi phí khấu hao máy móc, quản lý phí… còn vẻn vẹn 700 triệu giao cho đoàn phim.

Xin tài trợ nước ngoài làm phim: Thử thách lòng kiên trì_0
Cảnh phim Trăng nơi đáy giếng, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn

Ví dụ này phản ánh tình trạng chung của phim nhà nước. Trừ phim đặt hàng tương đối “an tâm” về mặt tiền bạc, hầu như tiền tài trợ chỉ là phần rất nhỏ so với dự toán kinh phí, khi phân về hãng lại bị trích để trả lương cán bộ (vì đây là nguồn thu chính của các hãng phim nhà nước) nên vốn đã khiêm tốn lại càng eo hẹp.

Năm 2004, đạo diễn Vinh Sơn đã làm một việc chưa có tiền lệ là trả lại kịch bản cho hãng vì số tiền thực nhận không thể đủ để thực hiện phim ở mức tối thiểu. Nhưng sau đó, do vẫn thích câu chuyện này, ông tìm đường đến các quỹ đầu tư nước ngoài. Và, điện ảnh Việt có thêm một tác phẩm độc đáo của dòng phim tác giả, nhờ nguồn tài trợ 150 ngàn euro từ quỹ Fonds Sud và 80 ngàn euro từ quỹ Fonds Francophonie…

Trước đó, đạo diễn Hồ Quang Minh cũng đã phải trì hoãn kế hoạch thực hiện Thời xa vắng nhiều năm, với nguyên nhân chính là chưa đủ tiền. Số tiền đoàn phim được nhận là 1 tỷ, quá hẻo để làm một phim nghệ thuật nghiêm chỉnh. Cất công dịch kịch bản, nộp hồ sơ và sốt ruột chờ… đạo diễn nhận được 110 ngàn euro của quỹ Fonds Sud và đóng góp cho điện ảnh Việt một trong những bộ phim hay nhất kể từ năm 2000.

Nhiều bộ phim nghệ thuật có lẽ cũng khó thực hiện được nếu không những nguồn hỗ trợ quý giá này, như Thương nhớ đồng quê, Mê Thảo - Thời vang bóng, Mùa len trâu, Chơi vơi…

Người làm phim Việt ít thông tin

“Các quỹ hỗ trợ thường hướng tới những nền điện ảnh tương đối mới mẻ. Việt Nam được quyền lợi của khá nhiều quỹ, mà người làm phim nước ta ít thông tin, thường bỏ qua khá là uổng. Đó là điều thiệt thòi trong khi những nơi khác người ta đã quen với việc xin tài trợ” - đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn nhận xét.

Xin tài trợ nước ngoài làm phim: Thử thách lòng kiên trì_1

Cảnh phim Thời xa vắng, đạo diễn Hồ Quang Minh

Xin tài trợ nước ngoài làm phim: Thử thách lòng kiên trì_2
Cảnh phim Mê Thảo - Thời vang bóng, đạo diễn Việt Linh  

Đạo diễn trẻ Phan Đăng Di cũng chia sẻ điều này: “Có những nước, ví dụ như Trung Quốc, những nhà làm phim độc lập có truyền thống đi ra ngoài và xin tài trợ từ lâu. Họ có tư duy đó rõ ràng, người trước dắt người sau”.

Anh cũng kể một câu chuyện ở bữa tiệc chia tay tại Cannes L’Atelier năm ngoái (anh là 1 trong 15 nhà làm phim từ 14 quốc gia được chọn vào hoạt động này), một đạo diễn trẻ người Australia tâm sự: “Thực ra tớ thấy chả công bằng gì cả, vì như các cậu còn được những quỹ như World Cinema Fund hay gì đó để ý, chứ còn như bọn tớ ở phương Tây, bị liệt vào dân nước giàu rồi thì rất khó. Mà bọn tớ cũng là làm phim độc lập thôi, khác gì các cậu đâu”.

Đúng như anh chàng người Úc phàn nàn, các quỹ hỗ trợ điện ảnh thường “bỏ qua” những nhà làm phim ở các quốc gia đã phát triển. Chẳng hạn như Fonds Sud khoanh vùng đối tượng trong các khu vực: Trung và Đông Âu, Trung Đông, châu Mỹ Latin, châu Phi, và châu Á (trừ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan). World Cinema Fund cũng lại là châu Phi, châu Mỹ latin, Trung Đông, Trung Á và mới đây là Đông Nam Á…

Phan Đăng Di bảo, đi ra ngoài mới thấy những người đi tìm cơ hội cũng nhiều, “thậm chí họ còn trẻ hơn mình, mà còn khó khăn hơn mình”. Những người làm phim nghệ thuật ở Úc, Mỹ… rất vất vả khi mà kinh phí làm phim ở phương Tây lớn, mục đích thương mại cao và họ lại nằm ngoài diện ưu tiên của các quỹ hỗ trợ điện ảnh.

Xin tài trợ nước ngoài làm phim: Thử thách lòng kiên trì_3

Xin tài trợ nước ngoài làm phim: Thử thách lòng kiên trì_4

Cảnh phim Sống trong sợ hãi, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên  

Đi xin phải kiên nhẫn

Nhưng công cuộc xin tài trợ cũng không hề đơn giản và là một sự thử thách lòng kiên trì. “Xin tiền rất lâu, được duyệt hay không thì chưa biết, nhưng từ lúc mình gửi hồ sơ đến khi họ có quyết định đồng ý hay từ chối khoảng 1 năm” - đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn cho biết.

“Đi xin phải kiên nhẫn. Những người đi xin tiền rất nhiều, thường vài trăm hồ sơ chọn vài cái. Chuyện bị từ chối là thường” - đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nói. Đã chinh chiến và cũng nhận được hỗ trợ của nhiều quỹ, kinh nghiệm của anh là: “Gửi tất cả những gì chứng minh mình: Dự án trình bày chuyên nghiệp, khả năng sản xuất, lịch sử đạo diễn, nhà sản xuất, hãng phim. Phải kiên nhẫn, có người dịch tốt, phải có sự quan hệ, giữ liên lạc, viết thư, hỏi thăm”.

Với những người làm phim đầu tay, kinh nghiệm của Phan Đăng Di là “cố gắng làm 1 phim ngắn cho thật tốt”. Anh cũng khẳng định “các quỹ nước ngoài khi đầu tư cũng thường nhìn những nơi hỗ trợ trước”. Anh lấy ví dụ, kịch bản Chơi vơi của mình, ban đầu khi đạo diễn Bùi Thạc Chuyên gửi đi xin cũng khá chật vật. Sau khi có quyết định tài trợ của nhà nước thì dễ dàng hơn. “Khi dự án đã được nhà nước Việt Nam tài trợ, thì có độ an toàn và đảm bảo về mặt tài chính lẫn khả thi”.

Tuy nhiên, “theo đuổi xin tài trợ nước ngoài thường mất 1-2 năm, mà chẳng may không được duyệt, không sớm làm phim thì có thể cũng mất nốt khoản tài trợ nhà nước” - đạo diễn Nguyễn Thanh Vân thổ lộ. Cũng chung tâm trạng này, dạo làm "Thời xa vắng", đạo diễn Hồ Quang Minh từng mệt mỏi vì ngồi chờ tài trợ nước ngoài thì phải hoãn thời gian quay phim, trong khi tiền tài trợ nhà nước duyệt phải kịp chi theo kế hoạch trong năm, nếu không sẽ bị rút lại.

Xin tài trợ nước ngoài làm phim: Thử thách lòng kiên trì_5
Cảnh phim Bi ơi, đừng sợ, đạo diễn Phan Đăng Di

Từ khi Luật điện ảnh cho phép mở các hãng phim tư nhân thì cơ hội tiếp cận các nguồn hỗ trợ này mới mở ra cho những người làm phim độc lập. “Nếu như không có hãng BHD và Chánh Phương đứng sau thì một người làm phim độc lập như tôi khó có thể tiếp cận các quỹ hỗ trợ điện ảnh của quốc tế” - Phan Đăng Di, đạo diễn của bộ phim tư nhân đầu tiên nhận được hỗ trợ từ các quỹ nước ngoài nói.

Theo VN Media.

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC