Sau 1975, nghề bán nước ( bán chè) của mẹ tôi không tồn tại đựơc. Vì tất cả đều vào hợp tác xã: hợp tác xã ăn uống, hợp tác xã vận tải, hợp tác xã nông nghiệp,...

1 Di Buon Thoi Bao Cap

Gia đình tôi ông bà để lại ba mẫu ruộng phải vào hợp tác xã và người ta cấp lại cho mình 5% trên tổng số đất đai người ta lấy của mình.

Thông thường sau những cuộc đấu tranh của những người nông dân thì lấy của người giàu chia cho dân nghèo. Quê tôi sau khi thắng trận thì lấy đất dân nghèo sung vào tập thể. T

hời đó ai cũng trắng tay và đi làm thuê cho hợp tác xã tính công điểm, cuối mùa chia lúa. Nhà tôi chỉ có bà nội và tôi làm ruộng, mẹ tôi dân buôn bán nên đi buôn. Nói đi buôn cho sang mẹ tôi buôn các loại nông sản từ xã này qua xã kia nhưng trốn chui, trốn nhủi... quản lý thị trường mà bắt được thì mất luôn cả vốn. Buôn gần, lãi không đủ bỏ vào miệng của 8 chị em tôi, nên mẹ tôi chuyển qua đi buôn ngoại tỉnh.

Nhà ngoại tôi ở Nha Trang nên mẹ tôi chuyển hướng đi Nha Trang, sẵn thể về thăm ngoại luôn. Vậy là bắt đầu từ hè lớp 7 tôi theo mẹ đi buôn. Mẹ cho tôi đeo một ba lô gạo và tay xách khoảng 5 kg đường sau khi bao bọc rất kỹ. Tôi luôn qua mặt được quản lý thị trường vì chắc người ta nghĩ tôi nhỏ xíu không thể đi buôn lậu được.

Sau khi tôi lên tàu hoả thì lập tức đi tìm chỗ giấu hàng quốc cấm( là gạo, mì, đường, các loại đỗ không phải ma tuý hay vũ khí ). Xong rồi chạy toa khác tránh soát vé. Đã lậu thì lậu toàn tập luôn. Đi tàu cũng lậu luôn. Mẹ tôi luôn đưa tôi vào thế bí, chắc là để thử thách và rèn luyện tôi. Có lúc bí quá tôi theo các bạn trốn vé, trèo lên trần tàu chạy ngược chiều với người soát vé. May mà vận tốc tàu thời đó chậm, chứ không thì tôi đã bị “ cắt nút áo” từ lâu.

Nhìn tôi thời đó như dân bụi đời, nhưng tôi mặc kệ miễn kiếm được lời cho mẹ. Thường ba ngày một chuyến buôn, có lúc mẹ tôi không đi được thì tôi đi. Xuất phát từ ga Diêu Trì khoảng ba bốn giờ chiều thì vào đến ga Nha Trang khoảng 12giờ hay 1 giờ đêm. Tôi phải ngồi ở ga cho đến khoảng 5 giờ sáng mới có người mua hàng. Trong khi chờ đợi đói bụng tôi ăn một tô bún cá Nha Trang ngon tuyệt, để cho no bụng tôi còn bỏ thêm một ít cơm nguội mang theo hồi chiều. Giờ đây nghĩ lại hương vị của tô bún cá ngày xưa vẫn còn thấy hấp dẫn

“ Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn, biết ngủ học hành là ngoan”, nhưng tôi còn biết đi buôn nữa đó các bạn.

Sau khi bán lương thực, nông sản xong, đi bộ về nhà ngoại. Ngoại chuẩn bị cho tôi chuyến đi về gồm các loại cá khô. Tắm rửa, nghỉ ngơi một chút vác balo trên vai tiếp tục cuộc hành trình đi buôn tìm nguồn sống. Người ta thường nói: “nợ tình mang balô đằng trước. Nợ nước mang balô đằng sau”, còn tôi “nợ nhà mang balô đằng trước lẫn đằng sau” Những mùa hè sau tôi rủ một số bạn của tôi đi buôn cùng tôi.

Về nguyên tắc kinh doanh tôi đã bị phạm quy “chẳng thà cho vàng. Chứ không ai dẫn đàng đi buôn”. Nhưng tôi không có vàng để cho bạn mình thì dẫn tụi nó đi buôn. Nhóm bạn vừa học, vừa buôn của chúng tôi khấm khá hẳn lên. Hết mùa buôn chúng tôi lại lao vào học tập. Nói lao cho oai chứ sách vở ít ỏi học tại trường cái vèo là xong, dễ ẹt. Thời gian còn lại tôi tiếp tục sự nghiệp xây dựng gia đình ( hổng phải cho chồng đâu nha) làm đủ thứ giúp mẹ: tát nước, là ruộng, làm nón, đốn củi...

Nhất là tát nước dưới ánh trăng lãng mạn ra phếch nhưng thời đó chưa làm được thơ chỉ đọc thơ của người ta thôi: “hỡi cô tát nước bên đàng. Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi” Hành trình đi buôn của một đứa trẻ con như tôi để mưu sinh thì xã hội liệu có ưu việt??? Và tôi đã nhận ra: Kiếm được đồng tiền rất cơ cực. Tôi cũng đã biết rằng cuộc sống tươi đẹp vẫn còn trên giấy!!!

Cuối cùng cho tôi gửi đến các bạn một thông điệp qua bài viết này: “Muốn biết giá trị của đồng tiền thì bạn hãy đi hỏi những người nghèo”

Huỳnh Thúy




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC