Rất nhiều người VN ở nước ngoài đều thấy ngại ngùng khi nhận mình là người Việt.

Đó là chia sẻ của PGS.TS Thành Phần – Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á.

Xấu hổ không dám nhận là người Việt

PGS.TS Thành Phần kể lại câu chuyện khi ông còn theo học ở Nga, tại đây, ông được học võ Judo cùng một nhóm bạn gồm 8 người Việt Nam do chính người Nga dạy.

Ngại ngùng người Việt và bài học người Nhật không nói dối - 0

"Khi chúng tôi ra về, một nhóm người Nga học cùng có hỏi chúng tôi là người Nhật hay người Việt Nam. 3-4 người bạn của tôi đã tự nhận mình là người Nhật mà không một chút ái ngại.

Bản thân tôi cũng bất ngờ, chưa hiểu lý do thì nhóm người Nga lao vào túm cổ áo, vật ngã mấy người bạn của tôi rất dễ dàng. Nhóm bạn tôi bị đau tái mặt, còn nhóm bạn Nga ngạc nhiên hết chỗ nói.

 Thật ra, đó chỉ là cách thử nhau của dân học võ. Các bạn Nga muốn đấu thử với các bạn Nhật để làm quen chứ không có ý đánh người Việt Nam.

Các bạn Nga ngạc nhiên hỏi: Tại sao là người Việt Nam mà lại tự nhận mình là người Nhật?.

Mấy người bạn của tôi lúc này cũng sượng mặt, không trả lời được".

Ông Phần kể tiếp, "Cũng là người Việt phải chứng kiến cảnh tượng trên tôi rất xấu hổ, mắc cỡ lắm chứ. Tôi không hiểu vì sao họ lại làm như vậy, chẳng thà nhận mình là người Việt Nam chứ sao lại nhận vơ là người Nhật?

Sau này, chính họ đã thừa nhận với tôi là không muốn nhận là người Việt vì sợ bị người Nga xem thường. Nhận là người Nhật để người Nga phải nể nang mình", ông Phần nhắc lại.

Theo vị PGS, sở dĩ nhóm bạn của ông từ chối không muốn thừa nhận mình là do đã phải tiếp xúc nhiều với cảnh tượng xấu của người Việt ở nước ngoài.

Từ thói ăn cắp, lộn xộn, mất lịch sự.... Rất nhiều người nước ngoài cũng phản ứng và không hài lòng với những hình ảnh xấu xí đó của người Việt. Vì thế, họ tỏ ra e ngại khi phải nhận mình là người Việt Nam.

Kể một ví dụ khác, ông cho biết, khi đi công tác với một vị Giáo sư người Việt ở sân bay Thái Lan. Nhưng khi đang ngồi đợi lên máy bay, ông thấy có người Việt ngồi gần, ông đứng dậy đi ra chỗ khác luôn.

"Khi tôi hỏi sao lại đi chỗ khác, người này nói rằng tôi không thích ngồi đây.

Vị giáo sư giải thích, không phải ông ghét bỏ mà lảng tránh người Việt Nam, mà vì ông quá buồn, quá đau lòng khi phải chứng kiến những cảnh tượng xấu xí nhiều người Việt đã làm.

Ông còn cho biết, ông nhìn thấy rất nhiều hình ảnh xấu mà bản thân ông không biết phản ứng thế nào. Vì thế, chẳng thà đi chỗ khác, không nhìn thấy cho đỡ đau lòng".

Người Nhật sợ nói dối thế nào?

Theo PGS.TS Thành Phần, một trong những nguyên nhân tác động, dẫn dắt tính cách con người là môi trường giáo dục, môi trường gia đình. Quan trọng hơn cả, ông cho biết chính là môi trường xã hội.

"Nếu ở môi trường xã hội có nhiều người nói dối, làm dối thì đến cả người Mỹ, người Nhật có sống cũng phải nói dối thôi.

Tôi đã kiểm chứng từ thực tế, từ chính hai người bạn của tôi. Cả hai đều là người Nhật, nhưng sống trong hai môi trường khác nhau. Người bạn ở Nhật vẫn giữ được bản chất rất thật thà, văn minh trong khi đó, người bạn khác lại thay đổi ít nhiều. Đã biết nói dối", ông kể.

Ông lấy thêm ví dụ, ông thường xuyên phải đi nghiên cứu với chuyên gia nước ngoài, trong đó có chuyên gia Nhật Bản. Trong một chuyến công tác cả hai cùng đi ăn trưa tại một quán ăn vỉa hè. Theo nguyên tắc, họ luôn xin hóa đơn để thanh toán công tác phí. Trong trường hợp không có hóa đơn chủ quán có thể ghi giấy, ký tên.

"Một lần khác, chúng tôi quên không lấy hóa đơn. Đi khoảng vài chục cây số vị chuyên gia Nhật yêu cầu quay xe lại. Lúc đó, nghĩ theo thói quen, tôi bảo khỏi cần về khách sạn tôi sẽ giả chữ ký giống y chủ quán để anh thanh toán.

Tuy nhiên, người này nhất quyết không đồng ý và yêu cầu phải quay lại. Lý do được giải thích là không thể nói dối, làm dối được.

Khi tôi hỏi, chỉ cần một chữ ký viết chữ Việt Nam và mang đi thanh toán thì cũng không thể ai phát hiện là làm dối, nói dối? Người này, trả lời, chắc chắn nếu anh ta mang về tờ giấy đó sẽ được thanh toán mà không ai nghi ngờ hay điều tra. Vì họ tin anh ta. Tuy nhiên, anh ta không thể làm như vậy, vì nếu làm dối, nói dối được một lần, lần sau sẽ làm được tiếp. Cuối cùng sẽ thành thói quen, đã là thói quen xấu sẽ có ngày phải vào tù. Vì thế, anh ta không thể làm dối" - PGS.TS Thành Phần cho hay.

Vì thế, vị chuyên gia kết luận: Người Việt Nam cũng có thể trở thành con người thật thà như bất kỳ người dân nước nào khác. Bởi lẽ, bản chất con người là như nhau, chỉ khác nhau là môi trường giáo dục, môi trường xã hội đã tác động, hình thành lên thói quen của mỗi con người. 

Minh Anh

Theo Lam Lam / Báo Đất Việt

 

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC