Tất cả đều là hệ quả của thói nói dối, làm dối, thiếu trung thực dẫn tới việc làm hại nhau, tình người xem nhẹ, xã hội bị tổn thương

Thật giả lẫn lộn

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, trong cuộc sống cần có lòng tin, giữa người với người phải tin tưởng lẫn nhau. Để làm được như vậy thì thật thà, trung thực phải là đức tính được đề cao hàng đầu.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, mọi giá trị đạo đức đều bị đảo lộn, thật thật, giả giả không ai phân biệt được nữa.

Người Việt có xu hướng thiếu trung thực: Đã tiến bộ rồi - 0

Không cần phải nói xa, nói gần, ông lấy ví dụ ngay về bà bán rau của ở chợ. Nếu muốn người ta mua hàng của mình thì phải để họ tin mình.

Để họ tin mình thì phải cho thấy, mình bán rau tươi, rau sạch, hàng hóa không cân điêu, cân gian.

Mua một lần thấy tin, họ sẽ mua lần hai. Nhưng bây giờ, tìm được bà bán rau thật thà ngoài chợ chẳng khác nào đại cát tìm vàng.

Rất khó.

Ông đặt câu hỏi, vì sao, cứ ra chợ dù quen hay lạ, câu đầu tiên khách luôn hỏi là đồ có sạch không, rau có phun thuốc sâu không. Vì sao thế?

Vị PGS lý giải, vì người ta mất lòng tin.

Do mất lòng tin nên dù người bán hàng nói đúng hay nói sai họ đều nghi ngờ.

Ông lại đặt tiếp câu hỏi, thế vì sao người ta lại nghi ngờ? Câu trả lời rất dễ, có thể nhìn thầy ở tất cả mọi thứ, ở mọi lúc, mọi nơi, mọi cơ quan, tổ chức.

Ông kể lại câu chuyện của một người bạn cho biết: Bạn ông mang hồ sơ đến làm thủ tục xin con dấu tại một cơ quan hành chính nhà nước. Khi mang đến, cán bộ kiểm tra thấy thiếu phong bì xanh, đỏ nên trả lại yêu cầu bổ sung mà không nói phải bổ sung gì.

Được mách nước, anh bạn ông vẫn mang hồ sơ đó quay trở lại và kẹp thêm phong bì xanh, đỏ thì lập tức được đóng dấu mà không gặp thêm khó khăn nào khác.

Ở đây, ông muốn nói tới một hiện tượng có thật - Vẫn một bộ hồ sơ, vẫn cán bộ đó làm nhưng lại có hai cách nói “chưa đúng” và “đúng rồi” chỉ thay đổi bằng một phong bì lót tay.

Như vậy, sự dối trá đã rõ ràng, thật giả lẫn lộn, dối trá đi liền với tham nhũng.

Tham nhũng càng lớn thì dối trá càng nhiều. Do đó, đòi hỏi được tính trung thực trong quan hệ ứng xử giữa con người với con người đã khó vậy thì làm sao tìm được tính trung thực trong làm ăn, kinh doanh.

GS.TS Phạm Huy Dũng – Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, trường Đại học Thăng Long chia sẻ thêm câu chuyện của cá nhân mình cho biết: Trong dịp Tết vừa rồi, ông có mua ít hoa quả về làm quà cho bà con ở quê.

Mặc dù đã mua hẳn hoa quả trong siêu thị nhưng vẫn bị nghi ngờ là mua hàng Trung Quốc.

“Trước mặt họ nhật rất vui vẻ nhưng mình rời đi họ bỏ ngay vào thùng rác, không ăn. Không phải họ không tin mình mà họ không tin hàng hóa bây giờ đâu là hàng thật, đâu là hàng giả. Đâu là sạch đâu là bẩn nữa”, ông kể.

Ngay bản thân ông, dù rất thích ăn cam đường (cam canh) nhưng Tết vừa rồi cũng đổ đi cả đống dù đã chấp nhận mua đắt hơn vài chục ngàn để mong được ăn cam sạch.

Ông cho biết, có quen học trò trồng cam canh xịn nên ông mới biết trong cả khu vườn rộng hàng trăm ha vẫn được chia làm hai loại.

Trong khoảnh vườn bạt ngàn trồng để bán, anh ta phải tính tới hiệu quả, phải năng suất, phải đẹp mã mới bán được giá cao. Vì thế, mà phải phun thuốc.

Thuốc phun như tắm, phun khi cây mới trồng, phun để thúc lớn, phun cho đậu quả, phun chống sương, đẹp mã…

Đối lập với đó là một diện tích hẹp khoảng vài luống, cây thấp, còi, không sai, quả sâu, xấu được trồng riêng một khu.

Hỏi ra, ông mới biết, diện tích đó trồng để nhà ăn nên không thể phun thuốc được vì sợ nhà ăn bị độc, nhưng không phun sản lượng lại rất thấp.

Khi ông đặt vấn đề muốn mua, cậu học trò bẽn lẽn đồng ý nhưng với điều kiện phải trả giá gấp 3 lần mức giá bình thường, ông kể.

Từ câu chuyện trên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ kết luận, không có gì lạ nếu ra chợ phải chứng kiến nhan nhản những hiện tượng thịt lợn giả bò, thịt bẩn giả sạch, rau phun thuốc kích thích, uống dầu nhớt, nhà bán rau cũng trồng hai luống, nhà ăn và khách ăn...

Thậm chí, được cảnh báo là bẩn, độc, là gây hại cho người tiêu dùng nhưng họ vẫn làm, tất cả chỉ vì lợi nhuận.

“Tất cả đều là hệ quả của thói nói dối, làm dối, thiếu trung thực dẫn tới việc làm hại nhau, tình người xem nhẹ, xã hội bị tổn thương”, PGS Trần Xuân Nhĩ lo ngại.

Tiến bộ hơn rồi

Đồng tình với nghiên cứu của trường đại học trường ĐH Nottingham đã cho thấy Việt Nam bị xếp cuối bảng về tính trung thực. LS Hoàng Nguyên Hồng – cho biết, nói dối, thiếu trung thực của người Việt là đúng nhưng nó còn mang tính lịch sử, có nguồn gốc văn hóa bản địa.

Nếu tuyên truyền về mặt xã hội thì rõ ràng là rất xấu, rất kém nhưng nếu nhìn vào nguồn gốc, cội nguồn thì thấy chúng ta đã tiến bộ, văn minh hơn rất nhiều.

Vì thế, nhìn Việt Nam còn phải nhìn vào cả cội nguồn văn minh nữa bên cạnh đó để tìm hiểu thêm nguyên nhân vì sao người Việt phải nói dối, thiếu trung thực như vậy.

Ông cho rằng, bản chất người dân Việt Nam không xấu, nhưng để tồn tại họ buộc phải nói dối. Ngoài ra còn nguyên nhân từ nền giáo dục, đào tạo hiện nay. “Tiên học Lễ, Hậu học Văn”. Học làm Người (thành nhân) mới học làm giầu, làm quan (thành thân). Nhưng hiện nay thì ngược lại.

Vì thế, sự gian dối, thiếu trung thực thấy ở khắp nơi.

Khi nói dối được lợi, không nói dối sẽ chết thì không hề lạ khi thấy trong đời sống hàng ngày, thói gian dối có ở khắp nơi. Nói dối có từ hàng quán, chợ cóc cho tới các cơ quan, ban ngành và ngay cả trong gia đình, giữa người với người.

Rồi từ làm ăn gian dối trờ thành bất nhân.

“Nói dối vì tham, nói dối vì sợ bị phát hiện những thói hư tật xấu, nói dối vì sợ bị lộ việc làm sai trái… vì thế dù biết không đúng, không hay nhưng vẫn phải nói dối. Nói dối rồi phải nói dối tiếp. Tất cả chỉ vì kiếm lợi mà bất chấp tất cả”, ông Hồng nói.

Lam Lam/ Báo Đất Việt




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC