Thay vì so bì nước khác nghỉ nhiều, Việt Nam hãy nghỉ ít đi và làm việc nhiều hơn để bắt kịp về năng suất lao động, trình độ phát triển...

Vội vã hưởng thụ

Quan tâm đến câu chuyện Việt Nam nghỉ lễ quá nhiều, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, Việt Nam có một khuyết điểm lớn là vội vã hưởng thụ, vội vã nghỉ ngày thứ 7 khi đất nước vừa có chút thành tựu về phát triển.

Việt Nam nghỉ lễ quá nhiều: Chưa giàu đã xài sang - 0

 

"Tôi nhớ thời người Hàn Quốc mới lập nghiệp, họ rất chắt chiu trong chi tiêu và làm việc cật lực. Kỷ luật của người lao động Hàn Quốc rất cao, thậm chí họ sẵn sàng dùng "chân tay".

Đó là thời kỳ tướng Park Chung Hee cai trị, tuy ông ta rất độc tài nhưng đã cương quyết đưa đất nước Hàn Quốc đi lên, chính vì thế sau này con gái ông là bà Park Geun Hye tiếp tục được ủng hộ làm tổng thống Hàn Quốc.

Trong khi đó, Việt Nam không trải qua thời kỳ thắt lưng buộc bụng như thế, chỉ cần đất nước tăng trưởng kinh tế 8-9% trong một vài năm là đã vội vã nghỉ ngày thứ 7.

Bao nhiêu công việc của cơ quan nhà nước không giải quyết xong một phần là do nghỉ ngày thứ 7.

Các công ty tư nhân cũng bắt chước nghỉ  thứ 7 hoặc chỉ làm buổi sáng thứ 7, mà thực tế họ làm với tâm lý chờ đợi để nghỉ buổi chiều.

Việc vội vã đó dẫn tới tình trạng công chức và công nhân trở nên lười biếng, tới ngày thứ 6 thì chờ sáng thứ 7 để được nghỉ, đến khi luật cho nghỉ ngày thứ 7 thì làm tới trưa thứ 6 đã chuẩn bị tâm lý nghỉ.

Rất nhiều cấp Sở ở TP.HCM chiều thứ 6 không làm việc mà dành để tự giải quyết công việc của họ hoặc học tập chính trị, sinh hoạt đoàn thể, thành ra thay vì làm việc cho dân 5 ngày, giờ chỉ còn 4 ngày rưỡi.

Do đó, đề nghị chính quyền phải tiếp dân giải quyết công vụ cả chiều thứ 6, còn học tập sinh hoạt với nhau trong ngày thứ 7 - Đừng cắt xén giờ phục vụ dân thêm nữa. Cũng với tâm lý đó, đến khi nghỉ lễ người Việt lại nghỉ " bắt cầu".

Vì thế, tôi cho rằng người Việt có hai sai: một là nghỉ ngày thứ 7, hai là nghỉ "bắt cầu". Ở cơ quan tôi cũng nghỉ ngày thứ 7 nhưng nếu tuần này nghỉ " bắt cầu" thì tuần tới phải làm bù ngày thứ 7.

Nhưng với công chức nhà nước thì rất khó bù vì ngày đó dẫu họ có làm thì dân cũng không dám tới. Ví dụ, tuần này cơ quan nhà nước nghỉ thứ 6, thứ 7 tuần tới làm bù thì chuyện làm bù chỉ trong cơ quan đó biết với nhau, còn người dân không biết mà tới.

Do đó, theo quan điểm của tôi, nên khôi phục làm việc vào ngày thứ 7, không cho nghỉ "bắt cầu" để kích thích tinh thần làm việc của người dân", ông Nguyễn Văn Đực chỉ rõ.

Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành nhấn mạnh, cần phải chấn chỉnh lại gấp tác phong làm việc chậm chạp, lười biếng của người Việt bởi đất nước ta đã tụt hậu so với các nước khác, do đó cần có thời gian lao động cật lực, có kỷ luật và chất lượng. Còn như bây giờ, người dân cứ ham nghỉ, lại được nghỉ "bắt cầu", nghỉ dài, tiêu tốn thời gian vào việc tụ tập, ăn chơi, du lịch, dẫn đến tiêu pha vô lối , để đến khi bị chặt chém thì lại la làng.

Trước ý kiến cho rằng số ngày nghỉ lễ chính thức trong năm của Việt Nam vẫn thấp hơn Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Campuchia... và không ảnh hưởng đến kinh doanh, ông Nguyễn Văn Đực thẳng thắn, người Việt chưa giàu nhưng đã xài sang, "con nhà lính tính nhà quan".

"Chẳng hạn Tết Âm lịch vừa rồi nghỉ 9 ngày, nhưng đến nay tại công trường của chúng tôi, nhiều công nhân vẫn còn chưa đi làm. Như vậy, không phải họ nghỉ 9 ngày nữa mà nghỉ tới cả tháng với đúng nghĩa "tháng Giêng là tháng ăn chơi" với rất nhiều lý do, từ việc chờ đám cưới đứa em, đám giỗ ông bác, ăn tân gia... Đến khi đi làm trở lại thì tinh thần ai nấy uể oải, đặc biệt là đối với ngành xây dựng.

Rõ ràng, người ta đã lợi dụng các dịp lễ, Tết để đua nhau nghỉ một cách vô tội vạ, kỷ luật lao động vô cùng lỏng lẻo. Điều này khiến doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề, mất thời cơ, phá vỡ cam kết với đối tác...

Nghỉ nhiều, ăn chơi nhiều, đặc biệt là nhậu nhiều làm mất sức khỏe người Việt.

Thêm vào đó, với việc người lao động không được đào tạo đầy đủ, trình độ cơ giới và đồng lương thấp..., tất cả các yếu tố văn hóa, kinh tế, xã hội khiến năng suất lao động người Việt thấp.

Ngay cả tâm lý thích làm thầy, đua nhau học làm thầy, không chịu làm thợ, không tôn trọng người làm thợ cũng khiến Việt Nam ít thợ lành nghề", ông Đực nói.

Đừng so bì nghỉ nhiều, nghỉ ít

Theo ông Nguyễn Văn Đực, ở các nước, luật lệ đã có từ nhiều năm nên có lẽ không gây nhiều tranh cãi, còn người Việt có cái sai lớn nhất là nghỉ " bắt cầu" và nghỉ kéo dài. Vì thế, ông đề nghị nên cho doanh nghiệp bố trí lại ngày nghỉ, Nhà nước chỉ ra chính sách hướng dẫn và ngay cả khi hướng dẫn thì Nhà nước cũng nên tiết kiệm ngày nghỉ, không thể vung tay quá trán, thấy nước khác nghỉ nhiều thì mình cũng nghỉ nhiều.

"Nếu vậy tại sao không nhìn nước họ giàu gấp 5 lần Việt Nam để mình phải làm việc gấp 5 lần người ta?

Thay vì so bì người ta nghỉ nhiều, mình nghỉ ít phải thấy "nhục" để từ đó tăng tốc làm việc, điều chỉnh thái độ làm việc để sao cho 15 năm, 20 năm sau theo kịp nước bạn.

Người Hàn Quốc sau nội chiến, người Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai đều trải qua một giai đoạn chịu khó, chịu khổ, thậm chí chịu nhục để đưa đất nước phát triển. Bản thân người Nhật đã không ăn Tết Âm lịch từ lâu, họ chỉ ăn Tết Dương lịch nhưng vẫn giữ gìn được những truyền thống văn hóa riêng của họ.

Đối với Việt Nam, câu chuyện bỏ Tết Âm lịch hay không đến nay vẫn gây tranh cãi rất nhiều, nhiều người cho rằng như thế là mất nguồn cội.

Nhưng nói đến nguồn cội, không đâu giữ gìn nguồn cội, văn hóa, đạo đức và truyền thống tốt như người Nhật. Người Nhật không cướp giật, không gian tham, lừa đảo, lười biếng... điều đó đâu có bị ảnh hưởng bởi chuyện họ bỏ Tết âm lịch.

Do đó, tôi cho rằng nên bỏ Tết Âm lịch, chỉ ăn Tết Dương lịch cho hòa nhập thế giới, nhất là khi Việt Nam đã tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một sân chơi với "luật chơi chung". Một khi đã vào sân chơi thế giới mà cứ khăng khăng áp dụng "luật của mình" thì không ai chơi với mình hoặc mình sẽ lạc hậu. Cho đến nay có lẽ chỉ có Việt Nam và Trung Quốc mới có kỳ nghỉ Tết kéo dài thế này".

Thành Luân

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC