PGS.TS Nguyễn Phương Mai, tác giả "Con đường Hồi giáo", cho rằng thay vì tổ chức "lễ lạt xoa đầu chị em" và chúc tụng như "copy", hãy kể về người phụ nữ truyền cảm hứng cho bạn.

PGS.TS Nguyễn Phương Mai, hiện giảng dạy đại học tại Hà Lan, mở đầu bài viết trên Facebook bằng nhận định Ngày Phụ nữ Quốc tế 8/3 tại Việt Nam "năm nào cũng có vô số hoạt động nhàm chán và thậm chí sai mục đích".

Chia sẻ với Zing.vn, chị cho biết bản chất ngày 8/3 là để tôn vinh những thành tựu của phụ nữ cũng như phong trào nữ quyền. Tuy nhiên, nhiều "nghi lễ của chúng ta lại biến ngày này thành ngày kỷ niệm".

"Nếu có yếu tố tôn vinh, sự tôn vinh đó lại gián tiếp tạo thêm gánh nặng cho phụ nữ, gián tiếp đào sâu thêm hố ngăn cách bình đẳng, mà tiêu biểu là khẩu hiệu 'Giỏi việc nước, đảm việc nhà' bấy lâu nay", chị nói.

Ngày 8/3: Đừng tổ chức lễ lạt xoa đầu chị em nữa - 0 PGS.TS Nguyễn Phương Mai trong một buổi trò chuyện tại Hà Nội vào tháng 1/2018. Ảnh: NVCC.

Theo vị chuyên gia về quản trị đa văn hóa, mọi người có thể kỷ niệm ngày 8/3 bằng nhiều cách ý nghĩa, thay vì chúc tụng hay tặng hoa quà vốn rất phổ biến.

"Thay vì tổ chức lễ lạt xoa đầu chị em, hãy thay bằng những hội thảo giải quyết hàng loạt những vấn đề bất bình đẳng của cả nam và nữ, hãy lắng nghe phụ nữ với những vấn nạn như bạo hành gia đình, quấy rối tình dục, quá tải công việc, thiếu chân trong cơ chế lãnh đạo, thiếu hụt nguồn tài trợ, tỷ lệ bỏ thai và bỏ học ở các bé gái, v.v...", chị viết trên mạng xã hội.

Thực tế, tại Việt Nam, ngày 8/3 lâu nay được xem là ngày "phụ nữ vùng lên", ngày của "chị em", và nam giới thường tặng quà cho những người phụ nữ bên cạnh họ. Song theo chị Phương Mai, những vấn đề mà nam giới phải hứng chịu do hậu quả của bất bình đẳng cũng cần phải được lắng nghe.

"Thay vì bắt đàn ông ngày này mua quà, nấu ăn, quỳ mọp như nô bộc, hãy lắng nghe những tâm tư của họ: sự quá tải về áp lực công việc và kiếm tiền, gánh nặng Nho giáo trong việc sinh con và làm chủ gia đình, sự thiếu hụt kiến thức và thời gian để gần con cái, áp lực rượu chè từ bạn bè, bạo hành gia đình mà không thể lên tiếng, tỷ lệ tự tử và trầm cao gấp nhiều lần phụ nữ, v.v...", chị viết.

Đừng chúc tụng những lời giống nhau

Để tránh những lời chúc 8/3 "năm nào cũng giống nhau như copy paste", chị Phương Mai gợi ý bạn bè kể về một người phụ nữ truyền cảm hứng cho họ. Với chị, người phụ nữ truyền cảm hứng hiện tại là Kimberley Chongyon, một luật sư người Mỹ gốc Phi và Hàn Quốc.

"Khi chồng cô và ba đứa con sống tại Mỹ, cô bươn chải kiếm tiền trong một môi trường khắc nghiệt với tư cách luật sư nước ngoài duy nhất tại Afghanistan. Nhà cô vài lần bị ném lựu đạn. Và khi cô thản nhiên tiếp tục dỡ vali hành lí trong hoang tàn đổ nát thì lái xe người bản địa của cô chạy mất dép", chị kể về nữ luật sư.

"Thế giới của Kimberley là thế giới đàn ông, sản phẩm của một chế độ Hồi giáo cực đoan hà khắc, coi thường phụ nữ, coi thường người ngoại đạo. Đó cũng là một thế giới luật rừng, đổ nát, tanh bành, lộn xộn, tùy tiện, tham nhũng".

Ngày 8/3: Đừng tổ chức lễ lạt xoa đầu chị em nữa - 1 Luật sư Kimberley Chongyon (phải) tư vấn tại một nhà tù nữ ở Kabul, thủ đô Afghanistan, năm 2013. Ảnh: New York Times.

Chị đồng thời giới thiệu bộ phim tài liệu về nữ luật sư, mô tả rằng đây là bộ phim khiến chị "thức trắng đêm vì hào hứng, vì khâm phục, vì thấy mình vừa nhỏ bé lại vừa có tiềm năng to lớn". Chị kêu gọi "hãy làm ngày 8/3 thật sự là một ngày có ý nghĩa bằng sự đổi thay".

Người phụ nữ truyền cảm hứng "có thể là mẹ, chị em gái, cô giáo (không quỳ), đồng nghiệp, sếp, hàng xóm, người quen, người nổi tiếng, người qua đường... Ai cũng được, miễn là người phụ nữ ấy hối thúc bạn sống và suy nghĩ khác", chị nói.

Lễ kỷ niệm ngày phụ nữ lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 28/2/1909 tại New York với tên gọi Ngày Phụ nữ Quốc gia. Ngày 8/3/1917, một cuộc biểu tình nhân ngày phụ nữ tại Saint Petersburg đã góp phần dẫn đến Cách mạng Tháng Mười ở Nga.

Sau cách mạng, Liên Xô tuyên bố ngày này là ngày nghỉ quốc gia. Liên Hợp Quốc chính thức coi ngày 8/3 là Ngày Phụ nữ Quốc tế từ năm 1977.

Trái tim đã trở thành biểu tượng tình yêu như thế nào?

Trải qua quá trình hình thành từ trước Công nguyên, trái tim cách điệu đã trở thành biểu tượng không thể thay thế của tình yêu đôi lứa và gắn liền với cuộc sống con người.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC